Thứ Bảy, 02/05/2015, 05:43 (GMT+7)
.

Hội LHPN huyện Chợ Gạo: Quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn

Vận động được nhiều nguồn vốn vay; quản lý, sử dụng nguồn vốn hiệu quả; xây dựng nhiều tổ/nhóm, nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau... chính là những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững mà Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Chợ Gạo thực hiện trong nhiều năm qua.

Hiệu quả từ hội cơ sở

Thời gian qua, hội LHPN xã Tân Thuận Bình đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả như: Ký kết liên tịch cùng Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho hội viên phụ nữ vay vốn trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh, sản xuất (đến nay, nguồn vốn vay do hội quản lý gần 4 tỷ đồng, giúp 310 hộ phụ nữ).

Hội còn xây dựng 52 tổ góp vốn xoay vòng (các tổ này đang hoạt động hiệu quả, với 675 thành viên, số tiền góp vốn hàng tháng trên 33,5 triệu đồng); xây dựng các tổ/nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế; thực hiện phong trào “Nuôi heo đất, tiết kiệm”; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật (hoặc đăng ký các lớp do Huyện hội tổ chức) giúp chị em có thêm kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và có thêm “nghề phụ” để có thêm thu nhập… Vận động hội viên và nhà hảo tâm  xây dựng các Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo.

Phong trào “nuôi heo đất” được triển khai rộng khắp, giúp vốn cho nhiều phụ nữ.                                      Ảnh: Hạnh nga
Phong trào “nuôi heo đất” được triển khai rộng khắp, giúp vốn cho nhiều phụ nữ. Ảnh: Hạnh nga

Chị Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN xã  cho biết: “Công tác giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo là một việc làm được Hội hết sức quan tâm. Thời gian qua, Hội  đã triển khai nhiều việc làm thiết thực, đặc biệt là việc tìm nguồn vay để các hộ có vốn ban đầu để phát triển.

Do công tác quản lý vốn của hội được thực hiện tốt (trong cho vay có tổ chức bình xét đối tượng cho vay, hàng tháng có tổ chức kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hội viên xem có đúng mục đích và hiệu quả không, đối chiếu nợ với hộ vay để tránh rủi ro...) nên nguồn vốn của Hội khá dồi dào, giúp được nhiều phụ nữ. Nhờ vậy, có 35 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo. 

Hội LHPN xã Phú Kiết cũng đã tranh thủ các nguồn vốn vay để Hội viên có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài các nguồn vốn vay cơ bản, Hội còn “tranh thủ” được các nguồn vốn như: Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, vốn liên kết ngân hàng để chị em phụ nữ có vốn đầu tư trồng trọt và chăn nuôi.

Đặc biệt, trong những năm qua, với nhiều hình thức vận động vốn trong hội viên như: Góp vốn xoay vòng, tổ tiết kiệm tín dụng... Hội đã vận động được 9 tỷ đồng, hỗ trợ cho 345 lượt chị em có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, Hội còn có nguồn vốn phụ nữ nghèo, 100 lượt hội viên phụ nữ đã được vay nguồn vốn này.

Phát huy hiệu quả

Chị Đoàn Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPH huyện cho biết: “Để phụ nữ có thể phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Huyện hội đã tập trung thực hiện các hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm mới, ổn định cuộc sống; tập trung quản lý tốt và sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả; đẩy mạnh phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; tập trung nâng chất và nhân rộng các mô hình tổ/nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm; hỗ trợ phụ nữ học nghề, việc làm...

Các hoạt động này được triển khai rộng khắp và được sự hưởng ứng nhiệt tình của hội viên và các hội cơ sở”. Kết quả, vốn vay của Hội ngày càng nhiều, các mô hình, tổ/ nhóm phụ nữ giúp nhau cũng tăng lên từng năm.

Cụ thể, trong năm 2014, Hội có trong tay khá nhiều nguồn vốn như: Vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tín dụng tiết kiệm, vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vốn trong cán bộ hội viên phụ nữ, vốn xoay vòng... Tổng vốn khai thác trong năm từ các nguồn này trên 2,4 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên 104,2 tỷ đồng, giúp 38.000 lượt hội viên vay.

Hội còn đẩy mạnh phong  trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng các hình thức đơn giản nhưng hiệu quả như: Vần đổi công, giúp cây, con giống, lúa, gạo. Mỗi năm, nguồn vận động từ các hình thức này có tổng trị giá ước tính 855 triệu đồng, giúp 259 hội viên nghèo, cận nghèo…

Tổ chức tập huấn chuyên đề khoa học - kỹ thuật, hội thảo, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 98,5% hộ có sử dụng vốn vay từ Hội. Ngoài ra, một số hội viên còn được tham gia các lớp dạy nghề nông thôn như: Đan lát, bó chổi, thêu may, kết cườm... Kết quả, 93,5% người học đã có việc làm từ các ngành nghề đã được học.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Nữ, Chủ tịch Hội LHPH huyện đánh giá: “Có thể nói, điểm nổi bật của nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là duy trì được nhiều mô hình tín dụng tiết kiệm, nhiều tổ/nhóm phụ nữ giúp nhau phát triển và công tác quản lý vốn.

Với sự phát triển rộng khắp, từ các hội cơ sở đến Huyện hội, các mô hình đã giúp không ít phụ nữ thoát nghèo bền vững, thậm chí nhiều hộ trở nên khá giả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt việc quản lý vốn cũng như tìm ra nhiều mô hình mới giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế”.    

MINH CHÂU

.
.
.