Thứ Sáu, 22/05/2015, 15:17 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho: Tạo điều kiện để phụ nữ vượt khó

Trong công tác bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là hết sức quan trọng. Hội LHPN các cấp của TP. Mỹ Tho đã tích cực thực hiện các hoạt động trợ giúp, tạo điều kiện để phụ nữ nghèo tiếp cận với vốn vay ưu đãi và cơ hội việc làm, từ đó nâng cao vị thế của chị em trong gia đình và xã hội.

MAY GIỎ XÁCH Ở PHƯỜNG 9

Hội LHPN phường 9 đã rất chú trọng việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho chị em hội viên, thông qua việc kết hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp tác nhằm thu hút nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Cơ sở may giỏ xách của chị Nguyễn Thị Đức là một minh chứng, đã giúp nhiều chị em phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định và lâu dài.

Tuy đã hơn 11 giờ trưa, thế mà các chị em nơi đây vẫn miệt mài bên chiếc máy may để kịp giao hàng cho khách đúng thời gian. Theo chị Huỳnh Ngọc Thu (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong), việc nhận may gia công giỏ xách là một khởi đầu tốt đẹp, chính vì thế vợ chồng chị đều đến làm việc tại đây.

Đối với chị Trần Quế Chi (ngụ phường 9) thì nghề may gia công giỏ xách rất phù hợp với chị em, vừa có việc làm thường xuyên, có đồng ra đồng vào trang trải trong gia đình. Ở đây, nguồn hàng dồi dào, liên tục, thu nhập tương đối cao và ổn định nên chị em yên tâm và gắn bó với công việc này.

Theo chị Nguyễn Thị Đức, chủ cơ sở may gia công cho biết, công việc may này không khó, chủ yếu là may theo công đoạn, đối với người chưa biết may có thể học 2 ngày là làm được nên đã thu hút rất nhiều chị em tham gia làm việc tại chỗ hoặc nhận hàng về nhà. Tùy theo tay nghề, chị em hưởng tiền công theo sản phẩm, bình quân mỗi chị may được 700 giỏ/ngày, với mức thu nhập từ 2 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng và được bao cơm trưa.

Theo Hội LHPN phường 9, đa số chị em phụ nữ nơi đây sống bằng nghề trồng hoa và trồng màu nên sau mỗi mùa vụ thời gian rảnh rỗi rất nhiều. Chính vì thế, công việc may gia công giỏ xách đã góp phần tạo thêm việc làm mới, tăng thêm thu nhập cho chị em, do đó trong những năm qua phường 9 không còn hội viên phụ nữ nghèo.

KẾT CƯỜM Ở PHƯỜNG 5

Để giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng, chính quyền phường đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội LHPN phường thành lập nhiều tổ phụ nữ may quần áo, kết cườm, giải quyết việc làm cho hàng trăm chị em phụ nữ trong và ngoài phường những lúc rảnh rỗi. Điển hình như mô hình kết cườm của chị em phụ nữ khu phố 10 đã giúp giải quyết đáng kể việc làm cho nhiều chị em. Lúc đầu thành lập, chị em tham gia không nhiều, song do tìm được nguồn hàng dồi dào đã giúp chị em có việc làm ổn định, đến nay đã thu hút trên 40 chị em tham gia. Theo các chị em tại đây, công việc này rất phù hợp với giới nữ, không đòi hỏi tay nghề cao, chỉ cần sự khéo léo, tỉ mỉ là được, đặc biệt là chị em có thời gian nhàn rỗi, có con nhỏ hay đã về hưu đều tham gia được. Mỗi ngày chị em có thể kết khoảng 4 - 5 áo, trung bình mỗi tháng thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng. Qua bàn tay khéo léo, các chị đã làm cho những chiếc áo trở nên đẹp hơn khi được đính cườm, khách hàng rất ưa chuộng.

Cơ sở may gia công quần áo của chị Phạm Thị Như Ngọc ở khu phố 1 là một trong những mô hình giúp chị em phụ nữ trong khu phố và xã lân cận có thêm việc làm, tăng thu nhập. Cơ sở may của chị Ngọc đã thu hút nhiều chị em tham gia và có rất nhiều chị em nhận hàng về nhà làm. Do thợ nơi đây may khéo nên rất hút hàng. Nếu thợ lành nghề cắt và may giỏi thì mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2,5 - 4 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, các mô hình tiểu thủ công nghiệp đã mang lại hiệu quả trong việc giúp chị em phụ nữ, nhất là chị em ở đô thị có thêm việc làm mới, tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo điều kiện cho chị em phát huy bình đẳng giới trong gia đình và tham gia các hoạt động đoàn thể, tích lũy kiến thức xã hội. Thời gian tới, Hội LHPN phường 5 sẽ tiếp tục nhân rộng những mô hình này và phát triển thêm 1 mô hình mới, đó là đan cói nhằm giúp thêm nhiều phụ nữ có việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần giảm nhanh số hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn phường.

TỔ HỢP TÁC Ở PHƯỜNG 1

Cũng như nhiều cơ sở hội khác, Hội LHPN phường 1 đã tổ chức nhiều mô hình tổ hợp tác nhằm tạo việc làm cho phụ nữ như: Tổ vay vốn, đan móc len, may gia công, làm thú nhồi bông, làm hoa giả… Các mô hình này ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, cải thiện kinh tế gia đình.

Tổ đan móc len của hội viên phụ nữ khu phố 3 đã giúp cho nhiều chị em trong khu phố tăng thêm thu nhập, trang trải một phần chi phí sinh hoạt gia đình. Chị Võ Thị Bích Thủy, tổ trưởng tổ đan móc len cho biết: “Trong khu phố có những cô đã về hưu, chị em có con nhỏ hoặc ban ngày bán hàng ở chợ, chiều tối về nhà thời gian nhàn rỗi nhiều. Thấy vậy, tôi đã mạnh dạn đi học đan len, rồi nhận hàng về làm, sau đó hướng dẫn lại cho các chị em trong khu phố và giao hàng cho chị em làm. Chị em vừa có việc làm, tăng thêm thu nhập lại vừa lo việc nhà”. Hiện tại, tổ đan, móc len của chị Thủy có trên 20 chị em trong khu phố tham gia, mỗi ngày một người có thể đan, móc từ 3 - 4 sản phẩm, thu nhập hơn 50 ngàn đồng.

Chị Nguyễn Thị Trúc Mai ngụ khu phố 6 cũng đã giúp cho nhiều chị em vươn lên thoát nghèo thông qua tổ liên kết may gia công. Hiện tại, tổ liên kết có 3 tổ hợp, với gần 50 chị em may tại nhà. Theo chị Mai thì may gia công cho thu nhập khá, thợ may có thể cho thu nhập 150 ngàn đồng/ngày, còn thợ cắt thì thu nhập cao hơn nhiều. Mỗi tuần tổ liên kết của chị Mai có thể cung cấp cho thị trường trên 1.000 bộ đồ các loại.

Chị Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN phường 1 cho biết: Hầu hết chị em trong phường sống bằng nghề buôn bán nhỏ, lao động phổ thông và đa phần là cán bộ, công chức. Khi về hưu hoặc mất sức thì lao động nhàn rỗi chiếm số lượng khá cao. Chính nhờ các mô hình thủ công nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi đã giúp không ít chị em có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. Từ đó, tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo cũng giảm đáng kể qua từng năm. Hiện tại, mỗi mô hình có từ 2 - 3 tổ rải đều khắp 6 khu phố. Thời gian tới, hội rà soát lại, nhân rộng những mô hình hoạt động có hiệu quả và thành lập thêm mô hình mới.

Điều đáng ghi nhận là các tổ hợp tác không chỉ giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, mà còn gắn kết họ lại với nhau, phát huy được tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày.

Với những cách làm trên, Hội LHPN TP. Mỹ Tho đã thể hiện được trách nhiệm là cầu nối, địa chỉ tin cậy để chị em phụ nữ, hội viên tìm đến mỗi khi gặp khó khăn.

THỦY HÀ

.
.
.