Thứ Hai, 15/06/2015, 15:08 (GMT+7)
.

Xuất khẩu lao động: Hiệu quả và hướng đi

Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những chính sách giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và thu thêm ngoại tệ về cho đất nước, trong những năm qua, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đẩy mạnh nhiều giải pháp, nhằm thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác XKLĐ.

Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang thăm hỏi các lao động của tỉnh chuẩn bị XKLĐ sang Nhật Bản làm việc.
Đoàn công tác của tỉnh Tiền Giang thăm hỏi các lao động của tỉnh chuẩn bị XKLĐ sang Nhật Bản làm việc.

Chuyển biến

Thực hiện công tác XKLĐ, Tiền Giang đã triển khai thực hiện Đề án XKLĐ của tỉnh giai đoạn 2004 - 2010. Nếu như trong những năm đầu thực hiện Đề án XKLĐ chỉ có vài chục người đăng ký XKLĐ mỗi năm, thì từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm Tiền Giang có hơn 100 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Con số này xem ra còn khá thấp so với tiềm năng lao động của tỉnh, nhưng nếu so với những năm đầu triển khai thực hiện Đề án XKLĐ thì đã cho thấy hiệu quả XKLĐ ở Tiền Giang đang có chiều hướng tăng trở lại, mở ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, trong 5 năm qua (từ năm 2010 - 2014) có 654 lao động xuất cảnh làm việc ở nước ngoài, trong đó Nhật Bản là nước có nhiều lao động của Tiền Giang đi XKLĐ nhất, với 388 lao động; kế tiếp là Hàn Quốc với 151 lao động, Malaysia 54 lao động, Đài Loan 49 lao động... Riêng 5 tháng đầu năm 2015, cả tỉnh có 63 lao động đi XKLĐ, đạt 42% kế hoạch năm 2015.

Theo thông tin từ người lao động đi XKLĐ, thu nhập bình quân của mỗi lao động gửi về nước từ thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc từ18 - 20 triệu đồng/tháng; Đài Loan từ 9 - 12 triệu đồng/tháng; Malaysia từ 5 - 8 triệu đồng/tháng...

Với thu nhập tương đối cao đã giúp nhiều gia đình có lao động đi XKLĐ vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt khi về nước, đa số lao động đi XKLĐ đều có nguồn vốn để kinh doanh cũng như tìm được công việc ổn định phù hợp với tay nghề được đào tạo ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.

Điển hình có anh Võ Diễn Chinh (ở ấp Tân Hòa, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo), đi XKLĐ ở Malaysia, làm việc trong ngành xây dựng, với thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng. Sau gần 18 tháng làm việc tại Malaysia, anh Chinh đã tích lũy 200 triệu đồng.

Anh Chinh cho biết, đã về nước gần 1 năm nay và đã sử dụng số tiền tích lũy được trong thời gian đi lao động ở Malaysia để sửa chữa lại nhà cửa. Trong thời gian tới, anh Chinh sẽ tiếp tục tìm hiểu, đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Lần này, anh sẽ hướng đến thị trường Nhật Bản. Bởi anh Chinh xác định muốn làm việc có thu nhập cao thì đi XKLĐ qua con đường chính thống là phương án tối ưu nhất.

Xác định thị trường tiềm năng

Trong giai đoạn từ năm 2006 - 2010, thị trường lao động Malaysia đã thu hút một lượng lớn lao động Tiền Giang đi XKLĐ, chỉ trong vòng 4 năm đã có đến 849 lao động Tiền Giang đi làm việc tại Malaysia. Tuy nhiên, đến năm 2014, tỉnh chỉ có 9 lao động đi XKLĐ tại Malaysia.

Trong khi tình hình XKLĐ tại Malaysia không mấy khả quan, thì từ năm 2010 đến nay thị trường lao động Nhật Bản lại có nhiều khởi sắc. Nếu như ngay từ những năm đầu triển khai thực hiện Đề án XKLĐ, ở Tiền Giang không có một lao động nào tham gia XKLĐ tại Nhật Bản, thì từ năm 2010 đến nay, Nhật Bản luôn là nước có số lao động của Tiền Giang đi XKLĐ nhiều nhất, với 388 lao động. Riêng trong năm 2014, cả tỉnh có 96 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Các lao động của tỉnh Tiền Giang được tuyển chọn đi XKLĐ tại Nhật Bản  đang học tiếng Nhật tại một Trung tâm chuyên tuyển chọn, đào tạo lao động của thị trường Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh.
Các lao động của tỉnh Tiền Giang được tuyển chọn đi XKLĐ tại Nhật Bản đang học tiếng Nhật tại một Trung tâm chuyên tuyển chọn, đào tạo lao động của thị trường Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhật Bản được đánh giá là thị trường XKLĐ tiềm năng đối với Việt Nam, trong đó có Tiền Giang. Bởi nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều và mức lương khá cao. Từ chỗ chỉ tiếp nhận lao động thuộc các ngành nghề kỹ thuật, cơ khí, giờ đây Nhật Bản đã mở rộng thêm một số ngành khá phù hợp với lao động Việt Nam như: Nông nghiệp, lắp ráp điện tử, chế biến thực phẩm, trang trí nội thất...

Khi XKLĐ làm việc tại Nhật Bản, người lao động còn có nhiều cơ hội học tập và tiếp cận công nghệ hiện đại. Thời gian gần đây, đơn đặt hàng tuyển dụng lao động của Nhật Bản dành cho lao động Việt Nam cũng đang tăng mạnh. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, mặc dù các đơn đặt hàng khá nhiều nhưng cũng là thách thức đối với người lao động, bởi Nhật Bản là thị trường đòi hỏi khá cao với những điều kiện khắt khe.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tiền Giang vốn có lợi thế về nguồn nhân lực, với dân số trẻ, lực lượng lao động đông đảo, cần cù, chịu khó và có trình độ học vấn tương đối. Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng công tác XKLĐ của tỉnh đang đứng trước những thách thức như: Hạn chế về thể lực, trình độ ngoại ngữ, ý thức kỷ luật; nhận thức và sự quyết tâm làm giàu từ việc đi XKLĐ của người lao động chưa cao... Đó là những rào cản lớn trong việc triển khai thực hiện công tác XKLĐ mà tỉnh đang gặp phải.

Mục tiêu của tỉnh, kể từ năm 2014, hàng năm tỉnh sẽ phấn đấu đưa khoảng 150 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Về thị trường lao động, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để đẩy mạnh tuyển chọn và đưa lao động đi XKLĐ tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Tỉnh cũng đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách về XKLĐ; tăng cường công tác tư vấn cho người lao động nắm bắt về thị trường XKLĐ, trong đó chú ý đến tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quy trình tuyển chọn...

Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lao động có tay nghề, chuyên môn kết hợp với việc giáo dục, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động nhằm hướng đến mục đích là từng bước đưa lao động có tay nghề đi XKLĐ để có thu nhập tốt hơn.

Riêng về các chế độ, chính sách hỗ trợ cho lao động tham gia XKLĐ nước ngoài, ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Nếu trước đây người lao động đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng để tham gia phỏng vấn định hướng, khám sức khỏe, làm hộ chiếu... thì hiện nay mức hỗ trợ này đã tăng lên 2 triệu đồng. Khi người lao động trúng tuyển đi XKLĐ sẽ được hỗ trợ vay đến 80% chi phí đi XKLĐ. Đây là một trong những chủ trương mới mà tỉnh đang thực hiện đối với người lao động đi XKLĐ nước ngoài...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.