Thứ Bảy, 18/07/2015, 08:35 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị

Bình đẳng giới về luật pháp, tiến tới bình đẳng giới trên thực tế là một khoảng cách khá dài và khá xa. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Cai Lậy đã kiên trì và bền bỉ đưa hoạt động bình đẳng giới trở thành ý thức và hành động của mỗi người ở mọi lúc, mọi nơi.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Nhã cho biết: “Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị, các cấp ủy, chính quyền có nhận thức đúng đắn và hành động tích cực.

Các cấp ủy đã chỉ đạo công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ bằng cách tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ. Công tác này được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm theo dõi, mỗi 6 tháng có kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh; đồng thời bản thân phụ nữ cũng đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong tình hình mới. Vì thế các chị đã tự tin hơn, khắc phục khó khăn để vươn lên. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng cao”.

Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy huyện chiếm gần 14%, trong đó có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy là nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy xã chiếm 18%. Nữ chiếm 24,13% đại biểu HĐND cấp huyện và 25,6% đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Kết quả bầu cử cấp ủy cơ sở của huyện Cai Lậy nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy tỷ lệ nữ đắc cử cấp ủy cơ sở tăng cao so với nhiệm kỳ trước, cụ thể: Số cán bộ được bầu vào cấp ủy xã là 63 nữ, chiếm tỷ lệ 18,48%, trong đó có 2 bí thư đảng ủy xã là nữ.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Thị Hồng Tuyến cho rằng, để tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị thì điều hết sức cần thiết chính là sự quan tâm, có kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ của cấp ủy các cấp. Tuy nhiên, chỉ sự quan tâm của cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thôi thì chưa đủ để phụ nữ có thể tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải có sự nỗ lực trau dồi nhận thức và kiến thức.

Ở huyện Cai Lậy, hầu hết phụ nữ đưa vào diện quy hoạch đều bảo đảm được các tiêu chuẩn đề ra cho từng chức danh, tạo được sự quan tâm của các ngành, các cấp và toàn xã hội; tạo điều kiện ủng hộ phụ nữ phát huy năng lực và nâng cao vị trí của mình trong hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, trong cộng đồng và gia đình. Đã có không ít phụ nữ của huyện đã tự thân vận động, khắc phục khó khăn để tự túc tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn là điều vô cùng đáng quý.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện xác định việc thực hiện bình đẳng giới có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành mục tiêu của Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ đến năm 2020, đã hướng dẫn, đôn đốc cấp xã đẩy mạnh hoạt động; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban có liên quan xây dựng kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2015 - 2020.

Ngoài ra, còn phối hợp tổ chức lồng ghép giới trong hoạch định, thực thi chính sách; tập huấn về hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ cho thành viên của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, cấp xã; tuyên truyền sâu rộng kiến thức bình đẳng giới đến cán bộ, viên chức và nhân dân.

THỦY HÀ

.
.
.