Thứ Hai, 27/07/2015, 08:11 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27-7-1947 - 27-7-2015)

Thiêng liêng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Để đổi lấy hòa bình, độc lập cho dân tộc, hàng vạn người con ưu tú đã ngã xuống trên chiến trường hoặc mang trên mình thương tật suốt đời…

Đoàn iên, thanh niên thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.
Đoàn viên, thanh niên thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả to lớn. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và đã trở thành nghĩa cử cao đẹp trong đời sống của các tầng lớp nhân dân, góp phần cùng Nhà nước thực hiện chu đáo từ việc chăm sóc cho người đang sống, đến nơi an nghỉ cho người nằm xuống.

Trong việc chăm sóc nơi yên nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ, toàn tỉnh hiện có  1 nghĩa  trang liệt sĩ tỉnh, 6 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 14 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã. Đã cải tạo và nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ ngày càng khang trang. Toàn tỉnh hiện đang chăm sóc hơn 34.000 mộ liệt sĩ.

Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình chính sách.
Lãnh đạo tỉnh thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình chính sách.

Ông Võ Văn Nhi, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Đối với gia đình thương binh, bệnh binh nặng (có tỷ lệ mất sức lao động do thương tật và bệnh tật từ 81% trở lên) đều được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể và nhân dân chăm lo nhà ở, hỗ trợ vốn làm ăn, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng nhiều chế độ chăm sóc sứ khỏe và xã hội khác; hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn được thăm hỏi, tặng quà… nên cuộc sống đã cơ bản ổn định.

Toàn tỉnh hiện có 120 ngàn gia đình chính sách và người có công, trong đó có 7.675 thương binh, 1.136 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1.612 bệnh binh, 64 Anh hùng Lực lượng vũ trang, 13.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, hơn 35.000 liệt sĩ, 20.000 người có công được tặng Huân chương, 5.539 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.783 người bị nhiễm chất độc hóa học...

Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt.

Cụ thể, ngân sách Nhà nước đầu tư mua bảo hiểm y tế cho 100% người có công theo quy định; thực hiện chế độ ưu đãi về giáo dục, vốn làm ăn, việc làm đối với con em các gia đình chính sách… Đặc biệt, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công đã được sự đồng tâm, hợp lực của cộng đồng, hàng năm nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, cha mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương binh nặng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ vượt khó học tốt…

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 6,6 tỷ đồng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng và sửa chữa 200 căn nhà tình nghĩa, mua bảo hiểm y tế cho trên 16.000 thân nhân liệt sĩ…

Các hoạt động chăm sóc khác đối với gia đình chính sách và người có công cũng được tỉnh quan tâm thực hiện như: Xây dựng mô hình VAC cho hộ chính sách; hỗ trợ nước sạch và điện thắp sáng; tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình…

Hiện tại có gần 98% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú, góp phần bù đắp phần nào những cống hiến to lớn của những cá nhân và gia đình có công với cách mạng.

Sự cho đi vì nền độc lập, tự do của dân tộc không ai đòi hỏi sự đáp đền. Vả lại, sự đáp đền mà chúng ta đã và đang thực hiện cũng không thể sánh bằng sự cống hiến, hy sinh cao cả của các gia đình chính sách và người có công. Nhưng trên tất cả là sự lan tỏa của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc ta.

THỦY HÀ

.
.
.