Thứ Sáu, 03/07/2015, 16:11 (GMT+7)
.

Nhà Thiếu nhi tỉnh: Vườn ươm thế hệ măng non

Đến hẹn lại lên, hàng năm, vào dịp hè, Nhà Thiếu nhi tỉnh lại nhộn nhịp hẳn lên với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, học tập thật sự bổ ích cho thiếu nhi. Nơi đây có thể gọi là vườn ươm cho thế hệ măng non phát triển toàn diện.

ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ VẬT CHẤT

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà Thiếu nhi tỉnh, năm 2013 ngân sách tỉnh đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây dựng công viên nước mini với diện tích 2.340 m2, gồm nhiều hạng mục liên hoàn các khu vui chơi đa dạng và hiện đại như:

Hồ tập bơi, hồ vui chơi, dòng sông lười, nhà mát, cầu qua sông, hồ nước ngầm... cùng với nhiều thiết bị dành cho công viên nước như ống trượt, máng trượt, cầu trượt... Mỗi ngày hồ bơi phục vụ cho từ 300 - 500 thiếu nhi.

Các em tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.
Các em tham gia Hội thi Chỉ huy Đội giỏi tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

Năm 2014, tỉnh tiếp tục đầu tư trên 14 tỷ đồng xây dựng công trình khối thể dục - thể thao và nghệ thuật tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Công trình có quy mô 1 trệt, 2 lầu với diện tích xây dựng 682,8 m2; tổng diện tích sàn là 2.048,4 m2 - loại công trình dân dụng cấp 3.

Công trình được xây dựng với mục tiêu là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Tại đây, các câu lạc bộ, các lớp sở thích, lớp năng khiếu rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng thêm kiến thức cho thanh thiếu niên; thực hiện các cuộc giao lưu học tập gắn liền với các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội… Thông qua đó góp phần giáo dục toàn diện trí - đức - thể - mỹ cho thanh thiếu niên toàn tỉnh. Công trình đang trong giai đoạn thi công.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu nhi nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, thời gian qua cán bộ Nhà Thiếu nhi tỉnh đã kêu gọi sự đầu tư của các doanh nghiệp, chủ yếu là đầu tư các trò chơi cảm giác mạnh, đảm bảo an toàn, bổ ích, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Ông Đỗ Cẩn Trực, Giám đốc Nhà Thiếu nhi cho biết: “Đến nay, các trang thiết bị phục vụ các lớp dạy bơi, đàn, nhạc, vi tính, trống, kèn… cơ bản đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển, nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của thiếu nhi ngày càng cao, đòi hỏi Nhà Thiếu nhi tỉnh phải đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ của Hội đồng Đội Trung ương và của tỉnh trong thời gian tới”.

NHỘN NHỊP HOẠT ĐỘNG HÈ

Với chủ đề “Hè vui, bổ ích, an toàn, học ngàn điều hay”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Theo kế hoạch, Nhà Thiếu nhi sẽ tổ chức Ngày hội thiếu nhi Việt Nam “Nâng cánh ước mơ”; Chương trình gặp gỡ giao lưu giáo viên Tổng phụ trách Đội, Ban Chỉ huy Đội và đại biểu “Cháu ngoan Bác Hồ” toàn quốc. Phát động phong trào “Tuổi nhỏ Tiền Giang thi đua nghìn việc tốt”; tổ chức Diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói”.

Ngoài ra, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn tổ chức nhiều hội thi, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em như: Tổ chức các trò chơi dân gian và mô hình sân chơi tuổi thơ nhằm thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia; tổ chức điểm sinh hoạt, kỹ năng sống cho thiếu nhi tại Khu công nghiệp Tân Hương; huấn luyện kỹ năng cho cán bộ chỉ huy Đội kết hợp hướng dẫn trống - kèn; tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Chương trình “Chia sẻ ước mơ tuổi thơ” cho trẻ em cơ nhỡ, bán vé số; tham gia Trại hè “Ước mơ hồng” tại tỉnh Kiên Giang….

Bên cạnh các hoạt động phong trào, tùy theo nhu cầu của thiếu nhi và phụ huynh mà trong dịp hè Nhà Thiếu nhi tỉnh mở từ 30 - 40 lớp năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống. Hiện tại, có trên 1.000 học viên tham gia học các lớp đàn, vẽ, thể dục, bơi lội, ca, múa…, trong đó các lớp kỹ năng Đội, kèn - trống và kịch thiếu nhi được dạy miễn phí; mở hơn 30 trò chơi các loại, từ trò chơi dành cho trẻ em mẫu giáo đến trò chơi cảm giác mạnh.

Ông Đỗ Cẩn Trực, Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh cho biết thêm: “Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn cố gắng tạo điều kiện để các em được vui chơi thỏa thích, đặc biệt là trong dịp hè. Hàng năm, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn dành hàng ngàn suất trò chơi miễn phí cho trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa đến vui chơi.

Điều chúng tôi trăn trở là vẫn còn nhiều thiếu nhi ở vùng nông thôn chịu thiệt thòi, không có nơi vui chơi, giải trí vào dịp hè. Về lâu dài, tỉnh cần đầu tư xây dựng Nhà Thiếu nhi, khu vui chơi cho trẻ em ở các huyện, thị, ưu tiên cho các huyện nghèo, khó khăn”.

P. MAI

.
.
.