Thứ Hai, 03/08/2015, 14:07 (GMT+7)
.

Cai Lậy: Sức vươn lên của huyện thuần nông

Khu vực nông - ngư nghiệp chiếm 78,31% trong cơ cấu kinh tế của huyện Cai Lậy, trong đó trồng trọt chiếm giá trị lớn. Chính việc xác định hướng đi đúng cho nông nghiệp của Đảng bộ huyện Cai Lậy trong nhiệm kỳ qua đã mang lại thành quả ấm no cho người dân và sự phát triển đi lên của huyện.

HƯỚNG ĐI ĐÚNG

Sau khi chia tách địa giới hành chính, huyện Cai Lậy có gần 26.000 ha diện tích tự nhiên với 16 đơn vị hành chính cấp xã. Về cơ bản, Cai Lậy là huyện thuần nông với 2 vùng chuyên canh là vườn cây ăn trái ở phía Nam và vùng chuyên canh lúa ở khu vực phía Bắc Quốc lộ 1.

a
Bà con nông dân thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo huyện về việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng.

Xác định kinh tế chính của huyện là nông nghiệp, lãnh đạo huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, gắn sản xuất với chế biến và xuất khẩu thông qua việc duy trì và nhân rộng các mô hình đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP trong sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện các giải pháp tiêu thụ nông sản hàng hóa được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng nông thôn, cơ giới hóa thu hoạch, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất... góp phần hình thành các vùng chuyên canh, mô hình sản xuất lúa, cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao, từng bước gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản. 

Hiện toàn huyện có khoảng 8.800 ha lúa, tập trung ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, năng suất lúa của huyện không ngừng tăng cao. Theo kết quả thống kê của ngành Nông nghiệp, năng suất lúa của huyện tăng từ 17,1 tấn lên 19,05 tấn/ha/năm.

Trong khi đó, ở 10 xã khu vực phía Nam Quốc lộ 1 của huyện, trong 5 năm qua đã cải tạo gần 3.000 ha vườn tạp, chuyển đổi các giống có chất lượng thấp sang các giống có giá trị kinh tế cao, hiện huyện có 14.203 ha cây ăn trái cho sản lượng 226.853 tấn. Đặc biệt, sầu riêng là cây kinh tế chủ lực giúp bà con nông dân có cuộc sống sung túc. 

TỪ BÀI HỌC XÂY DỰNG ĐẢNG

Trong buổi ban đầu sau chia tách, huyện Cai Lậy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm thế nào để huyện có thể tiếp tục phát triển đi lên là vấn đề được tập thể lãnh đạo huyện quan tâm sâu sắc.
 Ổn định bộ máy từ huyện đến cơ sở và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Để làm được điều đó, Đảng bộ huyện đã nỗ lực xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh.

Huyện ủy Cai Lậy đã chứng minh được vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Thấm nhuần sâu sắc bài học đoàn kết, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cai Lậy đã tập trung quán triệt trong nội bộ đảng viên. Song song đó, quan tâm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, các chi, đảng bộ trong huyện đã thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng. Trong nội bộ Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình để mỗi đảng viên và cán bộ thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa đông xuân. 							         Ảnh: NGUYỄN SỰ
Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Nguyễn Sự

Bí thư Huyện ủy Cai Lậy Nguyễn Văn Nhã cho rằng: “Đoàn kết không phải là sự kéo bè, kéo cánh lấy lòng nhau. Đoàn kết được thực hiện theo 3 nguyên tắc then chốt.

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.

Bài học đoàn kết trong Đảng đã đưa đến kết quả là phần lớn trong 61 tổ chức cơ sở đảng của huyện đều đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu; trong tổng số gần 3.000 đảng viên toàn huyện, có gần 98% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chính sự đúng đắn từ trong chủ trương và hành động nên Đảng bộ huyện Cai Lậy đã khắc phục được khó khăn, thách thức, gặt hái kết quả to lớn, đưa huyện  tiếp tục phát triển.

THỦY HÀ

.
.
.