Thứ Sáu, 02/10/2015, 10:45 (GMT+7)
.

Tăng cường công tác PCCC ở các cơ sở sản xuất kinh doanh

Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thực tế đã khẳng định: Nơi nào làm tốt công tác PCCC, nơi đó sẽ tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Hiện trường 1 vụ cháy.
Hiện trường 1 vụ cháy.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 1.500 cơ sở SXKD có nguy hiểm về cháy nổ. Hầu hết các cơ sở này đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, từ việc mua bảo hiểm bắt buộc, thành lập các tổ, đội huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy tại chỗ, đến việc đầu tư mua sắm, trang bị các phương tiện, thiết bị PCCC... 

Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực SXKD có những rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khác nhau. Chẳng hạn như: Ở lĩnh vực may mặc, từ nguyên vật liệu đến thành phẩm đều là chất dễ cháy. Hay trên lĩnh vực xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ với các nguyên liệu như mây tre, lá lục bình... khá nhạy cảm, phức tạp về cháy, nổ. 

Còn ở các trung tâm mua sắm, chợ, siêu thị cũng tập trung 1 khối lượng hàng hóa tương đối lớn, nguy cơ cháy nổ càng cao. Vì vậy, công tác PCCC cần được các công ty, cơ sở, doanh nghiệp quan tâm đặc biệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là bước khởi đầu cho sự phát triển bền vững trong hoạt động SXKD, với phương châm “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Ông Phan Văn Bé Chín, Phó Phòng Tổ chức, Công ty cổ phần May Tiền Tiến cho biết: “Công ty thành lập đội phòng cháy phản ứng để thực hiện những tình huống khẩn cấp, 2 tuần luyện tập 1 lần cho công nhân thoát nạn xuống điểm tập trung và có điểm danh. Ngoài ra, việc trang bị dụng cụ PCCC được kiểm tra kiểm định thường xuyên theo đúng định kỳ và được vận hành thường xuyên để bảo đảm cho các dụng cụ này hoạt động khi có sự cố xảy ra”.

Tại Siêu thị Co.opmart, ông Nguyễn Văn Vũ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ cho biết: “Đối với công tác PCCC, phải chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất cho đầy đủ và tập trung tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên, từ việc sắp xếp kho bãi, hàng hóa, hệ thống điện, hệ thống gas… tương đối hoàn chỉnh”.

Theo ông Lê Xuân Trí, Quản đốc phân xưởng Hợp tác xã Quang Minh thì: “Ngoài các biện pháp về PCCC theo quy định của pháp luật, Ban Giám đốc phân xưởng quy định tuyệt đối không được hút thuốc trong phạm vi kho hàng, không sử dụng bất cứ nguồn lửa, nguồn nhiệt trong phạm vi kho”.

Bên cạnh những cơ sở SXKD bảo đảm tốt công tác PCCC thì một số nơi vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định như:

Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện an toàn PCCC tại đơn vị mình chưa cao và chưa sâu sát; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC chưa được quan tâm đúng mức; việc trang bị phương tiện chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật;

Công tác tự tổ chức kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy chưa được thực hiện thường xuyên; đội PCCC cơ sở, đội dân phòng 1 số cơ sở sản xuất chưa qua lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; 1 số doanh nghiệp thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc chưa tham gia hoặc có tham gia nhưng chưa phù hợp theo quy định.

Chính từ những hạn chế, thiếu sót đó, mà từ đầu năm đến nay đã xảy ra 32 vụ cháy, trong đó có 6 vụ xảy ra ở các cơ sở SXKD, chiếm gần 20%. Đây là lĩnh vực có con số thiệt hại tài sản cao nhất khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra. Có vụ, tài sản thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu có sơ xuất dù là rất nhỏ. Vì vậy, để bảo  đảm an toàn về PCCC, nhất là trong lĩnh vực SXKD, chủ cơ sở cần thực hiện tốt những biện pháp sau:

- Phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về PCCC cũng như các biện pháp PCCC cơ bản cho cán bộ, công chức và người lao động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác PCCC; thường xuyên tổ chức công tác tự kiểm tra về công tác PCCC đối với các cơ sở SXKD, các cơ quan doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý để kịp thời phát hiện những thiếu sót, không bảo đảm an toàn PCCC để khắc phục, sửa chữa kịp thời.

- Phải bố trí sắp xếp hàng hóa ở trong kho, phân xưởng sản xuất bảo đảm khoảng cách PCCC theo quy định, cũng như lối thoát nạn khi có sự cố xảy ra; đối với các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao thì trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ đúng theo quy định, bảo đảm về số lượng và chất lượng; tăng cường công tác tuần tra canh gác bảo vệ cơ quan, nhất là vào ban đêm, cũng như ngoài giờ làm việc, các ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, kịp thời phát hiện, xử lý những sự cố xảy ra ngay từ giai đoạn đầu…

Hướng tới ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4-10), với khẩu hiệu: “Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân”, các cơ sở SXKD cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC để từng bước đẩy lùi nguy cơ về cháy nổ, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở địa phương.

NGỌC DIỄM

.
.
.