Thứ Tư, 30/12/2015, 11:13 (GMT+7)
.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - đại biểu Quốc hội trung thành với nhân dân

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn - một trong những vị Bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ông tham gia đấu tranh cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ XX, cùng nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng đất nước với nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn sinh ngày 15-9-1914 tại làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình công chức khá giả. Vượt qua nỗi tủi nhục của người dân bị mất nước, ông cố gắng học giỏi, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, cống hiến trọn đời mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Từ khi còn là học sinh Collège de Mytho, ông giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng và từng bị bắt giam tại nhà tù Mỹ Tho. Năm 1938, ông tốt nghiệp kỹ sư canh nông, về làm ở Sở Lúa gạo Đông Dương và bí mật tham gia hoạt động cách mạng, một lần nữa bị Pháp bắt, kết án 5 năm tù giam và đày ra Côn Đảo.

Bị địch giam cầm, dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng ông vẫn nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất, tham gia đấu tranh chống lại sự hà khắc của bọn cai ngục, biến nhà tù thực dân thành trường học cộng sản. Ra tù, ông liên hệ với tổ chức cách mạng. Qua bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông được Bí thư Xứ ủy Nam kỳ là đồng chí Trần Văn Giàu giao nhiệm vụ lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo lực lượng Thanh niên Tiền phong nổi dậy giành chính quyền đêm 24 rạng sáng ngày 25-8-1945 tại khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I. Tại phiên họp Quốc hội lần đầu tiên của Khóa I, ông được đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông và Bộ Kinh tế. Nhận nhiệm vụ, ông đề ra chiến lược phát triển nông nghiệp, với phương châm: “Lấy cải tạo nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để phát triển toàn diện nền kinh tế quốc dân”.

Ông đưa ra kế hoạch sản xuất tự cấp, tự túc từ tháng 10-1946 đến tháng 3-1947. Trong lúc thực hiện kế hoạch này, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh làm đặc phái viên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên cạnh Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, có nhiệm vụ phải lo đủ lương thực và tài chính cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn là trưởng đoàn đầu tiên đi bộ suốt 3 tháng mở con đường huyết mạch kinh tế dọc dãy Trường Sơn, đưa giấy bạc Bác Hồ vào in tại Nam bộ. Ông 3 lần đi bộ trên con đường này từ chiến khu Đồng Tháp Mười đến chiến khu Việt Bắc để họp Chính phủ trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).

Khi tập kết ra Bắc, ông được cử giữ chức Phó Văn phòng Thủ tướng, sau đó là Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Ông cùng Thủ tưởng Chính phủ Phạm Văn Đồng xây dựng kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa… Ở bất cứ cương vị nào ông cũng đều nêu cao tính gương mẫu, trung thực, liêm khiết và thương yêu đồng chí, đồng đội. Suốt 15 năm trực tiếp gắn bó với ngành Nông nghiệp, trong đó có 8 năm làm Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ, ông  Ngô Tấn Nhơn đã để lại những dấu ấn lớn trong việc xây dựng và phát triển nền nông nghiệp nước nhà.

Về phát triển kinh tế, ông biết coi trọng phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, khôi phục và phát triển một số ngành công nghiệp và thủ công nghiệp để chấm dứt nạn đói và nạn thất nghiệp. Song song với việc cho phép phát triển công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông rất chú trọng phát triển mạnh mẽ kinh tế quốc doanh và hợp tác xã.

Trong nông nghiệp, để khắc phục tình trạng độc canh, mất cân đối giữa các ngành, Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn đã đề ra phương châm phát triển nông nghiệp toàn diện, lấy lương thực làm trung tâm; đồng thời phát triển chăn nuôi, nghề cá, nghề rừng, nghề phụ nông thôn. Ông chủ trương kết hợp hợp tác hóa nông nghiệp với phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa nông dân lao động vào làm ăn tập thể, tổ chức lại lực lượng lao động ở nông thôn để làm cơ sở cho sự phát triển.

Kết quả phát triển nông nghiệp thời gian đó đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, tình trạng mất cân đối trong nông nghiệp giảm dần. Sản xuất lương thực phát triển mạnh, song song với việc phát triển nhanh vùng trồng cây công nghiệp và chăn nuôi, đã làm cho nông nghiệp giảm hẳn tình trạng độc canh…

Trong quá trình làm việc (từ năm 1954 đến 1978), ông đã giữ những trọng trách như: Ủy viên Thường trực Ban Kinh tế Chính phủ chuyên trách nông nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng (nay là Văn phòng Chính phủ) chuyên trách nông nghiệp, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phụ trách xây dựng và theo dõi việc thực hiện các kế hoạch kinh tế quốc dân, chịu trách nhiệm chính về ngành Nông nghiệp và là Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất đất nước trực thuộc Chính phủ. Ông là đại biểu Quốc hội từ Khóa  I đến Khóa VII.

Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông mất năm 2005 tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 92 tuổi.  
Cuộc đời của Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước. Ông đặt nền móng và có công lớn trong việc đề ra chính sách phát triển nền nông nghiệp và kinh tế Việt Nam; bồi dưỡng và đào tạo một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.

LÊ VĂN TÝ

.
.
.