Thứ Hai, 04/01/2016, 15:11 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Đông: Người dân và Nhà nước cùng chủ động nước sinh hoạt

Hàng năm cứ đến mùa khô, câu chuyện nước sinh hoạt ở huyện Gò Công Đông đã trở thành 1 bài toán nan giải. Năm nay, theo dự báo của các ngành chức năng, hạn mặn sẽ gay gắt và kéo dài. Vì vậy, câu chuyện về nước sinh hoạt cho người dân cần phải đặt lên hàng đầu.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thái vừa xây xong 2 hồ chứa nước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thái vừa xây xong 2 hồ chứa nước.

CHỦ ĐỘNG TRỮ NƯỚC SINH HOẠT

Những ngày này, dọc các tuyến đường ở huyện Gò Công Đông, người dân đã chủ động chứa nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong mùa khô sắp tới. Hàng năm, mùa khô ở huyện Gò Công Đông vô cùng gay gắt và kéo dài đến 5 - 6 tháng, mặn xâm nhập sâu, gây khó khăn cho sinh hoạt. Ngoài nguồn nước từ trạm cấp nước, hầu hết người dân ở khu vực này đều chủ động dụng cụ chứa nước dự trữ như: Lu, kiệu, xây bồn...

Bà Trần Thị Kim Phượng, ấp Nam, xã Tân Điền đã chứa đầy 7 lu nước mưa loại 1 m3/lu và 1 bồn chứa 3 m3 nước mưa để sinh hoạt cho mùa khô sắp tới. Mở nắp lu ra kiểm tra lượng nước bên trong, bà Phượng cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, hạn hán ngày càng gay gắt, kéo dài và mặn lấn sâu vào đất liền. Nhu cầu nước sinh hoạt vào thời điểm khô hạn ngày càng nhiều, trong khi nước máy thì nhỏ giọt nên gia đình tôi chủ động trữ nước sinh hoạt trước. Ngoài lu và bồn chứa thì các dụng cụ như: xô, thùng chứa… đều được gia đình sử dụng để trữ nước”.

Đến thăm gia đình ông Lê Văn Thành, ấp Gò Me, xã Bình Ân khi ông vừa xây mấy hồ chứa nước hồi đầu tháng 2. Nhìn mấy cái hồ chứa đầy nước mà ông cười đắc ý. Bởi đối với gia đình khó khăn như ông thì việc xây những cái hồ như trên là cả vốn liếng để dành.

Ông Thành cho biết, từ tiền chắt chiu lâu nay, ông thuê thợ xây 4 cái hồ chứa nước mưa hết 8 triệu đồng. 4 cái hồ này chứa được 10 m3 nước mưa để dành xài trong mùa khô tới. Nước này gia đình chỉ để uống và nấu ăn, còn tắm giặt và rửa chén thì dùng nước kinh lọc phèn.

“Xây được 4 cái hồ, gia đình tôi mừng lắm! Hàng năm, mỗi khi mùa khô đến là gia đình lo sốt vó. Nước máy thì không có, các điểm nước công cộng đều ở xa, nước nhỏ giọt và nhiều người lấy nên gia đình canh lúc tối hoặc khuya thì đến chở vài thùng nước về xài” - ông Thành bộc bạch.

Gần đó, gia đình ông Nguyễn Văn Thái vừa mới xây xong 2 cái hồ chứa được 7 m3 nước. Ông Thái cho biết, thiếu nước sinh hoạt nhiều năm liền, năm nay gia đình chủ động dự trữ nước trước để đối phó với mùa khô. Đây được xem là giải pháp lâu dài, giúp gia đình chủ động về nguồn nước, đảm bảo hợp vệ sinh. “Bây giờ, những gia đình có điều kiện thì xây ít nhất 2 - 3 cái hồ để tích trữ nước, tự lo cho gia đình mình. Nay có mấy hồ nước dự trữ khi cúp nước, thiếu nước thì còn nước sạch sử dụng” - ông Thái chia sẻ.

Đi sâu vào các xã có khả năng thiếu nước sạch vào mùa khô, chúng tôi nhận thấy những gia đình không có điều kiện sử dụng các lu, hồ… để dự trữ nước thì bà con chọn cách đào ao lót ni lông phía dưới và bơm nước ngọt hoặc hứng nước mưa để tích trữ, phía trên dùng lá lợp kín để hạn chế bụi và nước bốc hơi vào mùa khô. Đây là một trong những giải pháp phổ biến nhất hiện nay được những gia đình khó khăn của huyện Gò Công Đông áp dụng.

MỞ 61 VÒI NƯỚC CÔNG CỘNG

Việc cung cấp nước sạch ở huyện Gò Công Đông hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập; nguồn nước máy chỉ cung cấp được gần 21.000 hộ dân, đạt 58,24%. Nhiều xã chỉ đạt trên 30% và còn rất nhiều cụm dân cư đông đúc ở các xã chưa có nước máy sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông cho biết, thời điểm mùa khô hàng năm, nhiều hộ dân ở huyện buộc phải sử dụng nguồn nước mưa dự trữ, nước kinh rạch trong dự án Ngọt hóa Gò Công nhưng chất lượng nước thì theo mùa, không đảm bảo về mặt vệ sinh; nguồn nước mặt vốn bị ô nhiễm khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ gây ra dịch bệnh đối với người dân nông thôn.

Trong mùa khô năm 2016, huyện Gò Công Đông cũng có kế hoạch mở các điểm cấp nước công cộng ở các xã, thị trấn để các hộ dân chưa có nguồn nước máy lấy về sử dụng tạm thời trong 3 tháng mùa khô (từ tháng 3 đến 5-2016), với số lượng 61 điểm, phục vụ cho 3.855 hộ, kinh phí dự trù đề nghị tỉnh hỗ trợ là gần 200 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Quý, huyện sẽ mở ở thị trấn Tân Hòa 3 vòi nước công cộng, phục vụ cho 85 hộ; thị trấn Vàm Láng 5 vòi, phục vụ cho 400 hộ; xã Phước Trung mở 5 vòi, phục vụ 375 hộ; xã Tăng Hòa mở 1 vòi, phục vụ cho 40 hộ; xã Tân Thành mở 2 vòi, phục vụ cho 125 hộ; xã Tân Điền mở 7 vòi, phục vụ cho 370 hộ; xã Bình Ân mở 6 vòi, phục vụ cho 180 hộ; xã Tân Đông mở 1 vòi, phục vụ cho 45 hộ; xã Tân Tây mở 10 vòi, phục vụ cho 740 hộ; xã Tân Phước mở 10 vòi, phục vụ cho 690 hộ; xã Kiểng Phước mở 10 vòi, phục vụ 785 hộ; xã Bình Nghị mở 1 vòi, phục vụ cho 20 hộ dân.

Ngoài ra, huyện Gò Công Đông còn đầu tư kéo nhiều tuyến ống cấp nước phục vụ cho những điểm dân cư bức xúc về nước sinh hoạt như: Xã Tân Phước sẽ kéo 2 tuyến ống dài 3,4 km ở 2 cụm dân cư, phục vụ cho 430 hộ dân; xã Tân Phước sẽ kéo 2 tuyến ống dài 3,5 km, phục vụ cho 230 hộ; xã Tân Đông mở 4 tuyến ống dài 2,8 km ở 4 cụm dân cư, phục vụ 225 hộ; xã Kiểng Phước kéo 3 tuyến ống dài 3,3 km, phục vụ cho 317 hộ…

“Huyện Gò Công Đông đã kiến nghị về nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân của 8 xã, phục vụ cho trên 1.600 hộ. Tuy nhiên, việc kéo tuyến ống cho các cụm dân cư về phía công ty nước còn nhiều khó khăn về vốn nên chưa thể đáp ứng được” - ông Nguyễn Văn Quý nói.

Theo ông Huỳnh Công Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang, đối với khu vực Gò Công Đông, xã Bình Nghị và thị trấn Tân Hòa đã được sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước BOO Đồng Tâm, với 3.165 hộ sử dụng.

Về khối lượng và tiến độ thi công của dự án thì vào đỉnh điểm mùa khô năm 2016, công ty sẽ thi công cơ bản toàn bộ chiều dài tuyến ống và đấu nối các tuyến ống của dự án vào mạng lưới cấp nước hiện hữu của công ty quản lý như: Thị trấn Tân Hòa, thị trấn Vàm Láng, các xã Bình Nghị, Bình Ân, Tân Điền, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Tân Thành, Tân Tây, Tân Đông, Tân Phước và một phần của xã Phước Trung của huyện Gò Công Đông.

Nước sinh hoạt vào mùa khô hạn ở huyện Gò Công Đông luôn là vấn đề nhức nhối không chỉ của người dân mà còn của ngành chức năng ở tỉnh, huyện, xã. Với việc người dân dự trữ nước từ trước, ngành chức năng có kế hoạch cung cấp nước công cộng, hy vọng mùa khô năm nay sẽ hạn chế tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

SĨ NGUYÊN

.
.
.