Thứ Sáu, 15/04/2016, 14:23 (GMT+7)
.

Hội Nông dân huyện Tân Phước: Đẩy mạnh Phong trào "Nông dân SXKD giỏi"

Hội Nông dân (HND) huyện Tân Phước vừa sơ kết 3 năm (2013 - 2015) thực hiện chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi”. Trên tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân đã thúc đẩy chuyên đề thi đua tiến thêm bước mới, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội huyện nhà trong thời kỳ mới.

Nông dân Tân Phước dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị kinh tế cao.
Nông dân Tân Phước dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị kinh tế cao.

NÔNG DÂN MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG

Nhiều năm trở lại đây, vùng đất phèn Tân Phước đã có bước chuyển mình đáng kể. Đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển, bà con nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh, phù hợp với thổ nhưỡng nên cho năng suất và chất lượng cao. Từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

8 công đất khóm trồng xen canh đậu phộng của anh Trang Hữu Thành, ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ cho hiệu quả khá cao. Anh Thành cho biết: “Tuy giá khóm không ổn định, nhưng anh vẫn đầu tư và phát triển cây khóm cùng với cây khoai mỡ, bởi từ lâu 2 cây này giúp gia đình anh tăng thu nhập, có điều kiện lo cho các con ăn học.

Thời gian qua, được tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) do HND xã tổ chức, anh đã mạnh dạn trồng xen canh đậu phộng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa làm đất tơi xốp hơn, giúp cho việc trồng khóm, khoai mỡ vụ mới đạt năng suất cao”.

Theo HND xã Thạnh Mỹ cho biết: Hiện toàn xã có 2.832 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích trồng khóm với 896 ha và 420 ha khoai mỡ. Bên cạnh, nông dân Thạnh Mỹ còn trồng xen canh các loại cây trồng khác như: Đậu phộng, ớt sừng….

Nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, từ trồng tràm, bạch đàn, lúa kém hiệu quả sang trồng khóm, thanh long, mãng cầu Xiêm, chanh… cho hiệu quả cao, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Là nông dân SXKD giỏi cấp huyện nhiều năm liền, ông Nguyễn Văn Liêm, ấp Tân Hưng Phú, xã Tân Hòa Tây mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng từ 5 ha đất trồng khóm. Nhờ cần cù lao động, không những thoát nghèo, ông Liêm còn từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Liêm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi lâm cảnh khó khăn do trồng tràm, hiệu quả không cao. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm thông qua các buổi chuyển giao KH-KT do HND xã tổ chức, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng, từ tràm sang khóm. Cây khóm thích hợp với vùng đất phèn này nên cho năng suất cao”. Ông Liêm vui vẻ: “Năm nay khóm được giá nên bà con càng phấn khởi!”.

Năm 2015, xã Tân Lập 1 có 153 nông dân được công nhận là nông dân SXKD giỏi các cấp. Trong đó, xuất hiện mô hình hiệu quả kinh tế cao là mô hình trồng cây thanh long. Nhiều nông dân của xã đã chuyển đất tràm, khóm sang trồng thanh long ruột đỏ, cho năng suất và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần khóm.

Ông Lương Văn Nhu, ấp 2, xã Tân Lập 1 đã chuyển toàn bộ 2,5 ha đất khóm sang trồng thanh long ruột đỏ. Trồng thanh long tuy tốn công chăm sóc nhiều hơn khóm, nhưng lợi nhuận từ cây thanh long cao gấp 5 - 6 lần cây khóm.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch HND xã Tân Lập 1 cho biết: “Hiện toàn xã có 80 ha thanh long và bà con nông dân vẫn đang tiếp tục chuyển đất khóm, lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nông dân là triệu phú thanh long nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, có lợi ích kinh tế cao”.

ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhạy bén phát triển các mô hình hay, hiệu quả, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu. Đó là một phần nhờ sự hỗ trợ đắc lực của HND các cấp trong huyện. Qua 3 năm triển khai thực hiện chuyên đề thi đua, HND huyện đã phối hợp với các ngành tổ chức 647 cuộc tập huấn, chuyển giao KHKT và công nghệ mới cho 20.000 lượt hội viên, nông dân; mở 53 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân.

HND còn tạo mọi điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, trong 3 năm có 26.793 lượt hộ vay, với tổng số tiền trên 388 tỷ đồng từ các ngân hàng. Ngoài ra, trong 3 năm các cấp HND đã vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn gần 1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 885 nông dân nghèo vay; xây dựng các tổ nông dân hỗ trợ vốn, giúp đỡ nhau dưới nhiều hình thức…

Nông dân SXKD giỏi đã trở thành phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn. Đến nay, Tân Phước có 15.742 hộ nông dân đăng ký tham gia thực hiện. Qua bình xét có 11.346 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 51 nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi tiêu biểu cấp tỉnh, 4 nông dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Theo HND huyện cho biết: “Từ phong trào thi đua, đã phát huy cao tính sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của nông dân, chuyển giao và áp dụng tích cực các tiến bộ KHKT công nghệ mới vào SXKD. Trong 3 năm, toàn huyện đã thành lập 18 mô hình liên kết nhóm làm ăn có hiệu quả như: Trồng rau màu ở xã Tân Hòa Thành, trồng gấc ở xã Tân Lập 1, hoa kiểng và ươm cây con ở thị trấn Mỹ Phước… Bên cạnh, nông dân còn phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp hiệu quả”.

Qua phong trào, cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn huyện đã ý thức được và tự phấn đấu vươn lên trong SXKD, không những nâng cao được đời sống cho gia đình mình mà còn thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với Nhà nước, trách nhiệm đối với cộng đồng dân cư, luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào.

Các hộ SXKD giỏi đã giúp đỡ vốn, kỹ thuật, cây con giống cho 154 hộ; giúp đỡ 126 hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo. Tự nguyện hiến trên 67 ha đất làm các công trình phúc lợi xã hội, tích cực tham gia xây dựng NTM ở địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch HND huyện cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, HND các cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; tuyên truyền, vận động hội viên nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hợp tác, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào SXKD nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản…”.

P. MAI

.
.
.