Thứ Hai, 30/01/2017, 07:07 (GMT+7)
.

Đòn bánh tét miền Nam dưới góc nhìn triết lý nhân sinh

Bánh chưng, bánh tét, bánh dầy xuất phát từ tục thờ nõn nường phồn thực nguyên thủy mang hình ảnh nòng nọc, âm dương. Trong xã hội nông nghiệp trồng lúa, bánh dầy bánh chưng mang thêm ý nghĩa tạ ơn Tam Thế, cầu mùa, sản xuất gặt hái được mùa cũng nằm trong tín ngưỡng phồn thực.

Bánh tét chứa đựng tâm tình quê hương, ruộng đồng. Đó là thứ bánh thơm ngon được dâng lên cúng ông bà tổ tiên và cũng từ đó thành tục lệ, hàng năm cứ đến ngày Tết Nguyên đán mọi nhà đều dâng lên bàn thờ tổ tiên loại bánh thơm ngon này để cúng.

Hai loại bánh này đều được làm từ sản phẩm nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, đó là: Gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, gia vị (thảo quả, hạt tiêu, muối). Tất cả những thứ ấy được gói lại bằng lá dong hay lá chuối vuông vức hay tròn dài và được cột bằng dây lạt mềm mại buộc chặt.

Bánh tết này trông đơn giản như thế, nhưng thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa. Khi cắt bánh ra, một tổng thể 5 màu sắc thật hấp dẫn: Màu vàng ngà của nhân đậu bùi thoảng hương thơm, màu đỏ hồng của thịt heo chín, màu trắng ngần của nếp dẻo thơm, màu xanh biếc của lá dong hay lá chuối, điểm vài hạt đậu đen thơm bùi. Từ trong ra ngoài của chiếc bánh thể hiện triết lý âm dương, tam tài, ngũ hành. Năm màu sắc ấy tượng trưng cho ngũ hành trong triết lý phương Đông. Thủy (màu đen), hỏa (màu đỏ), mộc (màu xanh), kim (màu trắng), thổ (màu vàng). Ngũ hành tương sinh tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong đòn bánh. Đặc biệt là bánh tét thường có đôi, tượng trưng cho sự tròn vẹn, đẹp đẽ.

Tác giả Kim Oanh lý giải bánh chưng: Màu vàng ứng với hành thổ trong thế đất vuông nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người. Trong chiếc bánh, hạt đậu vàng được đặt ở giữa làm nhân, bên cạnh thịt lợn đỏ hồng. Đây là hai cặp phạm trù âm dương hòa quyện vào nhau (hạt đậu là sản phẩm từ thực vật, thể hiện văn hóa trọng tình, là âm; thịt heo: sản phẩm từ động vật, thể hiện văn hóa trọng động, là dương), chúng bổ trợ cho nhau trong quá trình phát triển. Ngay trong đời sống thực vật và động vật đã có sự nương dựa vào nhau và chuyển hóa cho nhau.

Ảnh: Lập Đức
Ảnh: Lập Đức

Thực vật là nguồn sống của động vật và ngược lại, chất thải của động vật lại là nguồn dinh dưỡng cho thực vật hấp thụ phát triển. Đòn bánh tét miền Nam cũng được lý giải như vậy. Bánh tét có đặc tính dễ bảo quản, có thể đem theo bên mình những lúc đi xa, có thể để dành khi giặc giã bằng cách giấu trong lu, trong giếng nước, ém xuống mương vườn mười ngày nửa tháng vớt lên ăn vẫn ngon như thường. Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc trong Chiến dịch mùa Xuân năm Kỷ Dậu, phải chăng mang đòn bánh tét mà lòng không nguôi nhớ đất phương Nam? Bánh tét cũng theo chân các anh bộ đội công đồn đêm ba mươi tết. Bánh tét trên bàn thờ ông bà với bao ý nghĩa tốt đẹp cho năm mới về nguồn cội tổ tiên, về quê hương đất nước…   

Bánh tét thường được nấu vào đêm giao thừa để những ngày tết có thể dùng để ăn với dưa món và thịt kho, vì theo tục lệ người Việt, những ngày này không sử dụng bếp núc. Đây thường là bánh tét nhân mặn với thịt, mỡ và đậu xanh, dùng cho nhiều người ăn. Ngoài ra, còn có bánh tét nhân ngọt với nhân chuối hoặc đậu xanh, loại to dùng cho nhiều người ăn hoặc loại nhỏ dùng cho một người ăn. Ngày tư ngày tết người ta tặng nhau cặp bánh tét như một nét văn hóa của người miền Nam Việt Nam, được người dâng cúng tổ tiên, ông bà trong những ngày tết, ngày giỗ, hay lễ hội. Bánh còn được dùng để đãi khách, hay làm quà biếu cho bà con vì rất có ý nghĩa (quan niệm rằng, hai đòn bánh tét được cột thành một cặp, có dây quai để xách cho vừa tiện lại vừa đẹp, một cặp vừa hợp với tập quán vì năm mới phải đủ đôi, chẵn cặp, ý chúc cho vợ chồng hạnh phúc, thịnh vượng…).

Ảnh: Ngọc Lệ
Ảnh: Ngọc Lệ

Trước đây, nấu bánh tét vào đêm ba mươi là một tập tục rất đẹp. Mọi người quây quần bên bếp lửa chờ đón giao thừa với bao nhiêu chuyện để nói: Những việc đã qua, những điều sắp đến, trẻ con ngồi nghe để từ đó yêu hơn gia đình, dòng họ, cố gắng hơn để xứng đáng với tiền nhân, gia tộc… Thích nhất khi bánh chín kịp giao thừa, người lớn cắt bánh cúng, nóng hổi, thơm ngát hương quê; trẻ con cắn xuýt xoa trong cái lạnh miếng bánh dẻo thơm, nhân chuối, đậu, mỡ béo ngậy. Ngon ơi là ngon!

Bây giờ không khí thiêng liêng ấy vắng dần đi, bếp lửa nồi bánh tét đêm giao thừa vắng dần, thậm chí không còn nữa, chỉ một cú điện thoại là nhà nào cũng có thể có dăm ba đòn bánh cúng gia tiên ngày tết. Bọn trẻ hôm nay làm gì có những niềm vui ăn bánh tét giao thừa như chúng tôi ngày xưa!

TRÚC LINH LAN

.
.
.