Thứ Hai, 06/03/2017, 21:27 (GMT+7)
.

"Đứng vững" trên đôi chân tật nguyền

Lúc lên 3 tuổi anh Đoàn Văn Lượm (sinh năm 1978, ấp Tịnh Mỹ, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) bị sốt bại liệt khiến 2 chân của anh yếu ớt, teo nhỏ lại. Từ đó, anh Lượm không thể tự đi đứng bằng đôi chân tật nguyền nhưng bằng nghị lực vượt lên số phận anh vẫn “đứng vững” ở đường đời với nghề hàn gió đá, làm đồng.

TÌM NGHỀ ĐỂ MƯU SINH

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh Lượm đã trăn trở: “Đôi chân mình bị tật như thế này, có thể học nghề gì để tự mưu sinh?”. Câu hỏi đó cứ ám ảnh trong tâm trí anh, từ ngày này qua ngày khác. Đến năm 13 tuổi, anh bắt đầu đi tìm câu trả lời.

Anh Lượm lên TP. Hồ Chí Minh ở nhà người cô học nghề sang băng cassette được một thời gian rồi nghỉ, chuyển sang nghề dán Decal xe máy, nhưng cũng không mấy mặn mà với nghề này. Anh Lượm lại trăn trở, suy nghĩ tìm một hướng đi khác. Anh kể: “Giữa lúc tôi không biết mình phải làm gì thì chiếc xe lăn của tôi bị gãy một mối hàn, tôi mang đến thợ sửa, ông ấy không lấy tiền, mà còn ngỏ ý nhận tôi làm đệ tử. Thế rồi tôi quyết theo ông ấy học nghề ròng rã suốt 6 năm. Tôi không chọn nghề này, hình như nghề đã chọn tôi”.

Thế là anh Lượm theo học cái nghề vừa nguy hiểm, vừa cơ cực với cả những người bình thường chứ chưa nói đến người bị tật nguyền như anh - nghề hàn gió đá, làm đồng - vì nghề này cần sức mạnh của cơ bắp và chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể gây nổ bất kỳ lúc nào. Anh Lượm chấp nhận đương đầu với khó khăn để thực hiện một niềm mong ước nhỏ: “Có cái nghề về quê kiếm 2 bữa cơm qua ngày để không phụ thuộc vào cha mẹ đã lớn tuổi là vui lắm rồi”.

Nghề khó học, anh lại bị tật ở đôi chân, nên người thầy đã rất nhiệt tình hướng dẫn để anh Lượm hoàn thành tâm nguyện “ngày kiếm 2 bữa cơm của mình”. Hỏi anh Lượm thời gian học nghề có khó khăn không, anh bảo: “Khó đủ thứ hết, không có gì là dễ dàng với một người chẳng thể tự đi đứng được nhưng khó thế nào cũng phải cố để có cái nghề kiếm ăn”.

NGHỊ LỰC VƯỢT KHÓ

Phải là một người có tinh thần tự lập rất lớn cùng với ý chí vượt lên số phận, anh Lượm mới có thể hành nghề hàn gió đá, làm đồng. Sau 6 năm học nghề, anh Lượm về quê, thuê mặt bằng nhỏ ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo để hành nghề. Nơi đây, mỗi ngày đều có rất nhiều khách hàng đến để sửa chữa, hàn đồng… một phần vì thương anh Lượm nhưng phần lớn là vì ngưỡng mộ nghị lực vượt lên số phận. Cứ đến ấp Hòa Phú hỏi về tiệm hàn gió đá của chàng thanh niên có tật nhưng luôn cố gắng trong cuộc sống, chí thú làm ăn sẽ được chỉ ngay đến cửa tiệm của anh Đoàn Văn Lượm.

Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An cho biết: “Lượm sống ở địa phương rất tốt. Mặc dù bị tật ở chân nhưng Lượm luôn cố gắng làm việc để kiếm thu nhập nuôi sống bản thân. Thấy Lượm chịu thương, chịu khó, chí thú làm ăn bà con chòm xóm cũng yêu mến đến ủng hộ nhiều lắm”.

Tuy cửa tiệm nhỏ nhắn nhưng cũng đủ để anh Lượm hoàn thành niềm mong ước của cả cuộc đời mình là tự lập với đôi chân tật nguyền. Anh cho biết: “Hôm nào vắng khách cũng đủ ăn qua ngày, thường ngày kiếm được vài trăm ngàn, có dư chút đỉnh nhưng tôi không tiêu xài hoang phí mà dành dụm phòng khi ốm đau và giúp đỡ gia đình lúc cần thiết”.

Khi gánh nặng ngày 2 bữa cơm đã được nghị lực vượt khó gỡ xuống, hỏi anh mong muốn điều gì ở tương lai, anh bảo: “Sức khỏe và công việc ổn định như thế này thôi”. Cảm giác như anh Lượm đã bỏ quên điều gì đó rất quan trọng với một người đàn ông, tôi hỏi tiếp: “Anh không có ý định lập gia đình sao?”. Anh cố tỏ ra bình thản như không có gì, nhưng đôi mắt đượm buồn của anh lại đau đáu nhìn về một hướng bất định, rồi trải lòng: “Người ta thích mơ mộng, nhưng tôi lại rất thực tế, khó khăn thế nào cũng vượt qua được, còn thân thể này ông trời đã an bài rồi. Bị tật thế này tôi chẳng dám mơ đến ngày lập gia đình đâu”.

Chia tay anh Lượm khi nắng chiều đã tắt, nhưng hình ảnh về nghị lực vượt khó của anh vẫn đọng mãi trong tôi; mặc dù không may mắn nhưng anh luôn cố gắng vượt qua số phận, tự đứng vững trên đôi chân tật nguyền của mình. Đó là một tấm gương rất  đáng trân trọng.

QUỐC TUẤN

.
.
.