Thứ Ba, 11/04/2017, 14:21 (GMT+7)
.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự nỗ lực tham gia của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của cộng đồng. Chính sự hợp lực này, cùng với sự phấn đấu vươn lên của bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mang hiệu quả tích cực.

“Quà Tết cho hộ nghèo” là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc mà tỉnh đã thực hiện nhiều năm qua.  Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Mỹ Tho trao quà tết cho đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
“Quà Tết cho hộ nghèo” là chương trình mang tính nhân văn sâu sắc mà tỉnh đã thực hiện nhiều năm qua. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy Mỹ Tho trao quà tết cho đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

HIỆU QUẢ TỪ CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Theo kết quả điều tra của ngành LĐ-TB&XH, đầu năm 2016, toàn tỉnh có gần 27.000 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,87%) và gần 17.000 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,68%). Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2016 toàn tỉnh giảm 3.000 hộ nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,22%. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên. Tất cả các chính sách ưu đãi đều được triển khai thực hiện đầy đủ đến hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Qua giám sát kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, người nghèo đã được tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Đã có trên 15.500 hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi trên 273 tỷ đồng; hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên được vay trên 6,4 tỷ đồng làm chi phí học tập. Hầu hết các đối tượng vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Song song đó, người nghèo còn được chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, có 1.137 lao động thuộc diện hộ nghèo được đào tạo nghề miễn phí và 80% trong số đó có việc làm sau học nghề.

Một số chỉ tiêu giảm nghèo năm 2017

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,37%.
- 100% người nghèo, mới thoát nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
- 100% học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn được miễn, giảm học phí.
- Trợ giúp pháp lý cho 100% hộ nghèo có nhu cầu trợ giúp.
- 100% đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp.
- 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có phương án sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, ngân sách đã chi hơn 100 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho gần 88.000 người nghèo và hơn 73.000 người cận nghèo. Xét miễn, giảm trên 3 tỷ đồng học phí cho hơn 11.000 học sinh, sinh viên là con em các hộ nghèo và hộ cận nghèo... Tỉnh còn triển khai thực hiện nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện Tân Phú Đông và các xã vùng bãi ngang ven biển nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt và phát triển sản xuất của người dân.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, các ngành trong tỉnh còn nỗ lực huy động nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác giảm nghèo. Trong đó, Quỹ Vì người nghèo đã vận động được trên 11,5 tỷ đồng, giúp xây dựng 365 nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, tỉnh còn vận động gần 12 tỷ đồng hỗ trợ quà tết cho hộ nghèo và cận nghèo. Các đoàn thể trong tỉnh vận động được trên 50 tỷ đồng để chăm lo cho hội viên, đoàn viên, công đoàn viên khó khăn...

Từ sự ưu đãi của Nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân và sự nỗ lực của hộ nghèo, hộ cận nghèo nên cuối năm 2016 toàn tỉnh đã giảm 4.346 hộ nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5,02%.

CÒN NHỮNG HẠN CHẾ

Theo ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương, cơ sở. “Qua kiểm tra, giám sát, chúng tôi ghi nhận sự nỗ lực của các địa phương, cơ sở. Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đã xây dựng kế hoạch, có giải pháp giảm nghèo cụ thể; đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, dự án có hiệu quả. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận được các chính sách trợ giúp của Nhà nước. Hộ thoát nghèo có khả năng thoát nghèo bền vững. Hộ nghèo phát sinh chủ yếu do có người nhà bị bệnh nan y, lao động chính bị tai nạn, hộ người già cô đơn và hộ tách ra từ hộ nghèo...” - ông Trần Vĩnh Hưng cho biết.

Bên cạnh những ưu điểm, vẫn còn  một số hạn chế, đã được Ban Chỉ đạo tỉnh nhìn nhận. Trước tiên là việc phê duyệt Chương trình mục tiêu của trung ương chậm làm ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo của tỉnh. Từ đó việc bố trí nguồn lực triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về nước sạch, vệ sinh, tiếp cận thông tin gặp khó khăn. Một hạn chế khác, một số nơi  và còn một bộ phận hộ nghèo trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn ngân sách. Mặt khác, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc huy động nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo bị hạn chế và còn một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo (nhất là ở cấp xã) thiếu kinh nghiệm và thiếu ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh trong năm 2016.

THỦY HÀ

.
.
.