Thứ Ba, 11/04/2017, 21:36 (GMT+7)
.

Công tác giảm nghèo ở một huyện nghèo

Trong những năm gần đây, diện mạo và đời sống của người dân huyện Tân Phước đã có sự “thay da, đổi thịt” từng ngày, do nỗ lực làm tốt công tác giảm nghèo.

Đương bàng - nghề truyền thống mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ huyện Tân Phước những lúc nông nhàn. 				   	            Ảnh: H. NGA
Đương bàng - nghề truyền thống mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ huyện Tân Phước những lúc nông nhàn. Ảnh: H. NGA

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chỉ tính trong năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện Tân Phước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình Giảm nghèo, huy động mọi nguồn lực, đề ra nhiều giải pháp để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chính sách an sinh xã hội được huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phủ rộng trên địa bàn huyện. Hàng ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước như: Giáo dục, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn…

Cụ thể, đã cấp 3.373 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo và 2.650 thẻ BHYT cho người cận nghèo. Thực hiện miễn, giảm học phí cho 1.323 học sinh là con em của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 811 triệu đồng và dành 1,7 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vay ưu đãi để trang trải chi phí học tập. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ xây dựng 44 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Phối hợp với Ban vận động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang tổ chức Chương trình “Tiếp sức đến trường”, tặng nhiều phần quà có giá trị cho các em vượt khó học tốt của huyện...

Một điều đáng ghi nhận là, trong năm qua, hàng ngàn lượt nông dân trong huyện được ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả vật nuôi, cây trồng và đã được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trên 20 tỷ đồng cho gần 900 lượt người nghèo, cận nghèo vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều mô hình hay, cách làm ăn mới cho hiệu quả cao cũng đã được huyện phổ biến và được áp dụng rộng rãi như: Mô hình nuôi lươn, mô hình trồng khóm VietGAP, mô hình trồng chanh không hạt, mô hình cải tạo đàn bò theo phương pháp gieo tinh nhân tạo… Huyện còn tổ chức 16 lớp dạy nghề cho lao động nghèo ở nông thôn và giới thiệu gần 700 lao động vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, trong năm 2016, toàn huyện có 237 hộ được thoát nghèo, chiếm tỷ lệ 6,6% so với tổng số dân của huyện.

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, huyện Tân Phước tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về huy động nguồn lực tại chỗ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để xóa tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước của một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo…

ĐỖ PHI

.
.
.