Thứ Sáu, 07/04/2017, 10:56 (GMT+7)
.

Mưu sinh bằng nghề "bán ước mơ"

Bán vé số từ lâu đã được mặc định là nghề để mưu sinh, nhất là đối với người nghèo, người già, tàn tật… Hằng ngày, họ lặn lội đi hàng cây số, qua các con đường, góc phố để bán từng tờ vé số nuôi sống bản thân và gia đình. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống nhưng họ vẫn mơ ước về một ngày mai tốt đẹp.

Hằng ngày, ở TP. Mỹ Tho, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán vé số dạo.
Hằng ngày, ở TP. Mỹ Tho, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người bán vé số dạo.

NGHỀ CỦA NGƯỜI NGHÈO

Bán vé số có nhiều hình thức, người mở quầy ra bán, người lấy lại vé số từ các đại lý để bán. Ở TP. Mỹ Tho khó có thể thống kê được bao nhiêu người bán vé số, chỉ biết rằng đâu đó trong cuộc sống chúng ta vẫn thường bắt gặp hình ảnh những người khuyết tật, hay các em nhỏ, cụ già dìu dắt nhau đi bán vé số dạo. Qua những ngày tìm hiểu, chúng tôi cảm nhận được rằng, hầu như ở họ đều có chung một hoàn cảnh là cái nghèo đeo bám.

Tờ mờ sáng, dưới ánh đèn đường vàng vọt, chị Huỳnh Thị Mỹ (quê ở huyện Chợ Gạo) ngồi xe lăn, tay vừa đếm vé số, vừa ăn vội ổ bánh mì lót dạ mà vẫn không quên mời khách đi đường mua vé số. Chị cho biết, chị đi bán vé số được 6 năm rồi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị liệt 2 chân từ nhỏ. Có lúc chán nản, chị muốn buông xuôi, nhưng rồi nghĩ đến cha mẹ, chị lại tiếp tục bôn ba đi khắp nơi bán vé số với mong muốn một ngày nào đó có đủ tiền để học nghề may vá. Chị cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi đẩy xe lăn đi hàng chục cây số lên TP. Mỹ Tho bán được 80 - 100 tờ vé số, kiếm được vài chục ngàn đồng. Bữa nào trời nắng, tôi có thể cố gắng bán hết vé số, còn những khi trời mưa ế lắm. Những ngày bán ế, tối về ngang qua quán cơm của một người quen, tôi mua 5.000 đồng cơm trắng về ăn với rau”.

Cùng bán vé số ở TP. Mỹ Tho, ông Đỗ Văn Bảo (70 tuổi) hằng ngày vẫn đi trên chiếc xe đạp mấy chục cây số vào từng ngõ hẻm, góc phố để mời người mua vé số. Rong ruổi như vậy nhưng mỗi ngày, ông Bảo cũng chỉ bán được khoảng gần 50 vé. Ông cho biết, số tiền vài chục ngàn đồng kiếm được chỉ đủ cho ông 2 bữa cơm và tiền thuốc men. Ngày nào sức khỏe kém, bệnh không đi bán được coi như hụt vốn. “Giờ bán vé số cũng gặp nhiều khó khăn lắm, bởi nhiều người bán, ít người mua, đôi khi còn bị kẻ gian giật, tráo vé số… xem như ngày đó mất trắng. Có bữa xe hư, tôi chỉ biết cầu xin người đi đường mua giúp” - ông Bảo nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Minh Ân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang cho biết: Thời gian qua, công tác xã hội, từ thiện thường xuyên được công ty quan tâm, nhất là đối với những người bán vé số có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, công ty đều có kế hoạch tặng túi xách, áo mưa, xe lăn cho người bán vé số, ủng hộ kinh phí để xây dựng nhà tình thương cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tìm đến nhà của một số người bán vé số, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào cuộc sống chật vật, gian khổ mà hằng ngày họ phải đối mặt. Bà Trần Kim Chi (phường 4, TP. Mỹ Tho) sống trong căn nhà cấp 4 đã xiêu vẹo, nằm khuất sâu trong con hẻm, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc tủ thờ. Vừa ăn xong buổi cơm chiều, bà lại tất bật chuẩn bị xấp vé số đi bán đêm. Bà cho biết vừa bị kẻ xấu giật mất hơn 100 tờ vé số hồi tuần trước. “Tôi không đi bán lấy tiền lo cho tôi mà cho mấy miệng ăn trong nhà. Mấy ngày qua, tôi bị bệnh nằm ở nhà mà trong bụng lúc nào cũng thắc thỏm” - Nói đến đây, nước mắt của bà chực trào ra vì nỗi lo không biết ngày mai sẽ ra sao.

GIẤC MƠ ĐỔI ĐỜI

Trong số những người bán vé số mà chúng tôi gặp, tất cả họ đều nuôi ước mơ đổi đời, mơ về một ngày mai xán lạn hơn. Trong những tháng ngày đi bán vé số cơ cực, họ chắt chiu từng đồng với mong muốn nhỏ nhoi là sửa lại mái nhà, lo cho con cái ăn học… Mỗi người một ước mơ nhưng hiện tại với họ, nghề bán vé số phần nào cũng đã giúp họ trang trải được những khó khăn nhất thời, lo cho miếng cơm, manh áo của gia đình.

Chị Trần Thị Thủy (quê xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) cho biết, lúc nào đi bán vé số chị cũng mang theo đậu phộng luộc để bán thêm. Mỗi ngày, cứ sáng sớm, chị mang vé số, đậu phộng đi bán ở những chợ nhỏ, quán cà phê…; còn tối đến thì đi bán ở các quán nhậu. Chị nói trong sự tự hào: “Có con gái đang học năm nhất đại học ở TP. Hồ Chí Minh nên tôi phải ráng mới có tiền gửi cho con ăn học. Đi bán vé số cực thiệt nhưng mỗi khi con gái về khoe thành tích học tập tốt là mọi buồn phiền, lo âu của tôi đều tan biến. Mình cố gắng để sau này con mình không phải cực khổ nữa. Nghĩ đến đó là mình thấy mãn nguyện rồi”. Chị kể thỉnh thoảng chị vẫn gặp phải những “tai nạn” như vài lần đi bán khuya ở quán nhậu bị người ta sàm sỡ, đe dọa đánh đập. Những lúc như thế, chị chỉ biết tự động viên mình phải cố gắng. Thế nhưng, cá biệt có một ít phụ nữ bị đồng tiền làm mờ mắt, chấp nhận đánh đổi bản thân để kiếm thêm thu nhập mà giới vé số thường gọi là “vé số đùi”. Chỉ cần xấp vé số trên tay cộng thêm ít “tài lẻ” ve vãn cánh đàn ông thì mỗi ngày bán vài trăm tờ vé số là chuyện bình thường.

Đối với nhiều người, nhìn bề ngoài, nghề bán vé số tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa bên trong là biết bao nỗi niềm về cuộc mưu sinh. Trong cuộc sống, để kiếm được đồng tiền chân chính, không có nghề nào gọi là thấp kém hay sang trọng. Mỗi nghề đều có sự vất vả, gian khổ riêng và nghề bán vé số cũng được gọi là nghề kiếm sống chân chính.

Đ. PHI

.
.
.