Thứ Sáu, 07/04/2017, 21:08 (GMT+7)
.

Phát huy tốt vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế-xã hội

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, phụ nữ tỉnh nhà đã có mặt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đóng góp to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phụ nữ đóng vai trò nòng cốt trong lao động nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch… Nhiều chị em được vinh danh là điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, nữ doanh nhân năng động và nhà quản lý tài ba. Trong gia đình, với vai trò người vợ, người mẹ, phụ nữ luôn là “người giữ lửa cho tổ ấm”, tích cực góp phần định hướng tư tưởng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Phụ nữ có mặt và đóng góp lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.  		Ảnh: DUY NHỰT
Phụ nữ có mặt và đóng góp lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Ảnh: DUY NHỰT

Là trung tâm đoàn kết, tập hợp phụ nữ, nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển, có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của tỉnh.

Nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, trong đó có Hội LHPN nỗ lực thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ, đã triển khai, tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia tích cực vào đời sống chính trị, xã hội, khẳng định vai trò trọng yếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Tiền Giang cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy có nâng lên, nhưng so với chỉ tiêu ở từng cấp, qua từng nhiệm kỳ vẫn chưa đạt. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp, lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các tổ chức văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội và doanh nghiệp có tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với Kế hoạch hành động của tỉnh và quy định của Chính phủ vẫn chưa đạt.

Nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ nữ có nơi thực hiện chưa tốt, có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ kế thừa để thay thế, nhất là những ngành có đông nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo theo yêu cầu chuẩn hóa chiếm tỷ lệ thấp. Mặt khác, nhận thức và đánh giá của cấp ủy, chính quyền, một số cơ quan, đơn vị cơ sở về vai trò, vị thế, khả năng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động nữ chưa được đầy đủ, còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ, định kiến giới; thiếu sự mạnh dạn trong việc cất nhắc, đề bạt cán bộ nữ. Bên cạnh đó, bản thân một số chị em còn ràng buộc nhiều việc chăm lo gia đình và có tư tưởng an phận. Chính điều này làm ảnh hưởng đến việc học tập, công tác và cơ hội thăng tiến của phụ nữ.

Phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp.
Phụ nữ tham gia sản xuất nông nghiệp.

Mục tiêu xã hội hàng đầu của chúng ta là không ngừng nâng cao đời sống nhân dân và giải phóng phụ nữ… Các điểm đến này phải được hiện thực hóa bằng những chính sách cụ thể trên phạm vi quốc gia cho đến các tỉnh, thành, thể hiện qua những nội dung: Tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp trung học, đại học và sau đại học. Thu nhập bình quân đầu người trong gia đình, các chương trình thường xuyên, các phong trào, các câu lạc bộ, các thiết chế văn hóa - xã hội dành cho phụ nữ. Kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phụ nữ...

Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và cống hiến nhiều hơn. Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ. Quán triệt quan điểm, mục tiêu để nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết của Đảng trong các cấp ủy, chính quyền, nhất là đối với người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo ngành, để phụ nữ có nhiều cơ hội học tập, phấn đấu và giữ những vị trí quan trọng. Tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về bình đẳng giới, về vai trò, vị thế của phụ nữ, cán bộ nữ và gương các phụ nữ điển hình tiên tiến, tài năng.

Quan tâm quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý, phải xem đây là công việc quan trọng và thường xuyên của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở để tránh sự thiếu hụt số lượng cán bộ nữ. Xây dựng quy hoạch phải gắn với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đề bạt cán bộ nữ. Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ nữ đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch chung. Tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham dự các khóa  đào tạo lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và chuyên môn.

Thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ, đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển dụng vào cơ quan, ban, ngành theo đúng quy định. Cần chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng nữ, có kế hoạch phân công công tác để có điều kiện rèn luyện, phấn đấu trưởng thành. Quan tâm đến công tác phát triển đảng viên cho nữ đoàn viên trẻ ưu tú.

Tăng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nữ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa; thực hiện tốt việc đào tạo, đào tạo lại theo chức danh và quy hoạch. Song song đó, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất bổ sung và thực hiện tốt các chính sách nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Thường xuyên giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới...

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, phụ nữ cũng cần tự thân nỗ lực phấn đấu vươn lên, sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý để đảm bảo “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

MAI HÀ

.
.
.