Thứ Sáu, 21/04/2017, 20:32 (GMT+7)
.

Tang lễ xưa và nay vẫn tồn tại những dị đoan, kiêng cử

Tang lễ là một trong những nghi thức quan trọng của đời người. Sách Gia Định thành thông chí viết: “Về tang lễ thì hay dùng Văn công gia lễ và nghi tiết Khâu thị... Lại có tục cử tang theo kiểu nhà Phật, cúng cơm chay trong 49 ngày mới thôi...”. Thực tế ở Nam bộ cũng như vùng Tiền Giang ngày xưa ít có gia đình nào thực hiện việc tang theo Văn công gia lễ (Gia lễ của Chu Văn Công đời Tống), mà chỉ dựa vào nghi thức Thọ Mai gia lễ (Gia lễ của Thọ Mai cư sĩ đời Lê) và kết hợp với nghi thức Phật giáo. 

COI NGÀY GIỜ VÀ RẢI GIẤY VÀNG BẠC

Gia đình có tang, việc đầu tiên là phải cử người làm chủ tang. Chủ tang thay mặt gia đình chỉ huy công việc tiếp khách, cúng tế. Trong trường hợp mẹ mất, có thể cha là người chủ tang lo việc tiếp tân, con trai trưởng lo việc tế lễ... Trong thực tế, nhiều gia đình phân công các con trai người lo việc tiếp tân, người lo tế lễ, người lo tẩn liệm, an táng...

Theo tục xưa, khi có người qua đời, chủ tang phải cử người đại diện gia đình mặc một bộ đồ rách, đội nón rách, đi chân trần, bưng khay trầu rượu đến chính quyền xin “rước trống” về lo việc tang. Thủ tục “xin rước trống” có thể hiểu là thủ tục khai tử cho người chết, bởi việc rước trống hàm ý vừa báo tử vừa báo tang. Tục thỉnh trống có ý báo tử nên viên Hương quan phải cử hai người tiền bối trong xóm đến giúp gia đình lo việc khâm liệm.

Hiện nay vẫn còn quan niệm, khi gia đình có người thân từ trần thì con cháu lập tức tìm thầy coi ngày giờ chết có kỵ con cháu hay không và chọn ngày giờ tẩn liệm, làm lễ phát tang, an táng... cho thật tốt đặng con cháu yên ổn, làm ăn khá.

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, tục lệ người Việt, trước khi tẩn liệm phải kiểm tra cắt giữ lại tất cả nút áo của người chết để đề phòng sau này cải táng không để lẫn lộn với xương người chết. Cũng có người nói, nút áo ngày xưa làm bằng ngọc ngà, vàng bạc nên phải cất để lại... Tục này hiện còn duy trì với nhiều các giải thích khác nhau.

Ngoài ra, người ta còn lấy giấy đỏ dán kín bài vị trên các bàn thờ, có gia đình buông màn che kín các bàn thờ và lấy giấy dán kín các gương kiếng trong nhà. Việc buông màn bàn thờ ngụ ý kính trọng, không muốn tổ tiên, thần thánh thấy vật xú uế trước mắt; còn dán kín gương kiếng là muốn người trong nhà không nhìn thấy một người chết thành hai, đem lại điều xui xẻo.

Việc rải giấy tiền vàng bạc trên đường di quan cũng là tục lệ phổ biến. Dân gian quan niệm, rải giấy tiền vàng bạc để bọn ma quỷ tranh nhau lượm, không níu kéo xe tang, để người khiêng nhẹ nhàng hơn. Cũng có giải thích rải giấy tiền là nhằm cho vong hồn sau khi an táng xong biết đường trở về nhà thăm con cháu. Hiện nay, có gia đình nhận thức đây là việc vừa hoang phí vừa gây ô nhiễm môi trường nên thực tế có giảm bớt, song vẫn còn.

ĐẶT NẢI CHUỐI VÀ ĐẬP SIÊU THEO TỤC CỔ

Theo dân gian, Thiên cẩu là con chó giữ cửa trời. Nếu nó nghe được dưới trần gian có người chết thì xuống móc ngũ tạng ăn. Do đó, ở Nam bộ khi đắp xác chết lại có tục đặt một nải chuối xanh trên bụng. Sau đó, người ta đốt 5 ngọn đèn, tượng trưng 5 vị thần canh giữ xác chết. Nếu Thiên cẩu xuống trần, 5 vị thần đánh không lại thì nải chuối giúp nó no lòng, không móc ruột người đã mất. 

Trước đầu quan tài có đặt hương án gọi là linh tòa. Trên linh tòa có di ảnh và bài vị của người chết. Trước đây, nhiều nhà khá giả lập thêm linh sàng - giường ngủ của “hồn bạch” ở gian bên cạnh. Khi nhập liệm xong thì đem đốt tất cả nệm, chiếu, mùng, màn. Còn chiếc giường thì tháo rời từng phần đem cất đi. Tục lập linh sàng đã bỏ từ lâu, nhưng tục đốt tất cả nệm chiếu, mùng màn và cả quần áo người đã mất vẫn duy trì.

Tục lệ xưa, tang lễ có các nghi thức: Lễ Thành phục phát tang, sau đó là các nghi tiết Triêu điện, Thượng thực, Tịch điện, được thực hiện mỗi ngày. Gần đến ngày an táng có các nghi thức tế Từ Tổ, tế Thần Ngũ phương đạo lộ, phá quàn chuyển cửu, tế Thần Hậu thổ, lễ an táng và cuối cùng là lễ mở cửa mả. Tuy nhiên, chỉ có hai lễ quan trọng là Thành phục và An táng. Đúng giờ quy định, con cháu dâng hương hoa, trà rượu và mâm cơm chay lên linh tòa để làm lễ Thành phục. Trên linh tòa phải có 3 chén cơm: Chén giữa đầy, có đủ đôi đũa để cúng linh hồn người chết. Hai chén hai bên vơi phân nửa, chỉ có 1 chiếc đủa, cúng hai “ông Kem”. Con cháu xõa tóc, quỳ trước linh tòa lạy và nhận tang phục theo sự điều khiển của thầy cúng. Ông Trương Ngọc Tường cho biết, nội dung nghi tiết lễ Thành phục dựa vào Thọ Mai gia lễ nhưng đã sửa đổi theo quan niệm Phật giáo - cũng có nghi thức dâng cơm, dâng rượu, trà và cuối cùng là bài Vãng sanh thần chú.

Sau lễ Thành phục, tang gia công bố chương trình tang lễ. Quan khách đến cúng viếng. Còn các nghi tiết triêu điện, thượng thực, tịch điện thực hiện mỗi ngày là thủ tục mời linh hồn dùng bữa sáng, trưa, chiều.

Thời xưa, các nhà giàu có thường quàn quan tài người chết tại chính tẩm khá lâu. Gần đến ngày an táng, gia đình mới làm lễ “di thính” chuyển quan tài ra tiền sảnh để thân bằng quyến thuộc đến phúng viếng. Quan niệm thời đó, quan tài người chết quàn nơi tối tăm, âm khí tích tụ thành ma quỉ, nên trước khi “di thính”, hai Phương tướng phải vào xem xét, trấn yểm và đập bể một cái siêu đất rồi mới khiêng quan tài ra ngoài. Ngày nay, nghi thức “di thính” không còn, nhưng nhiều gia đình vẫn còn tuân theo tục lệ, cho đạo tỳ nâng quan tài lên xuống ba lần và cũng đập bể một cái siêu mang tính tượng trưng nên mỗi người giải thích một cách.

Theo chúng tôi, tang lễ là việc quan trọng, việc thực hành các thủ tục với mục đích để tang chủ yên tâm, chớ ngày giờ chôn không ảnh hưởng gì đến thân nhân trong gia đình. Nói kỵ tuổi con cháu lại càng vô lý hơn. Các tuổi dần, thân, tỵ, hợi... là những biểu trưng của các nhà toán số Á Đông đặt ra cho dễ nhớ năm sinh, tháng đẻ mà thôi, chớ không có chuyện tuổi người chết kỵ với tuổi người sống. Người xưa có câu “sanh bất trạch nhựt, tử hà trạch nhựt”, lúc sinh ra sao không chọn ngày giờ tốt mà sinh, đến khi chết lại đi lựa ngày giờ tốt mà chôn. Về giờ tẩn liệm, di quan và hạ huyệt nên chọn giờ thích hợp cử hành cho thuận tiện, như buổi sáng di quan cho mát mẻ, hoặc ở thành thị chọn giờ tránh nạn kẹt xe, hoặc chọn giờ xế chiều, chớ đừng di quan vào giờ ngọ, giữa trưa nắng gắt hay an táng vào lúc 0 giờ.... dễ gây phiền toái, bệnh hoạn cho người đưa tang. Ngoài ra, để thực hiện nếp sống văn minh, tang lễ chỉ nên kéo dài trong 24 giờ và phải tổ chức tẩn liệm khoa học, vệ sinh, đơn giản.

PHAN LÊ

.
.
.