Thứ Bảy, 03/06/2017, 06:34 (GMT+7)
.

Cần quan tâm công tác hướng nghiệp và dạy nghề

Bài 1: Câu chuyện thất nghiệp: Biết rồi, nói mãi, khổ lắm!
Bài 2: Khó khăn cho các trường nghề
Bài cuối: Cần quan tâm công tác hướng nghiệp và dạy nghề

Để học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp cho tương lai của mình, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường bậc trung học cơ sở (THCS), chương trình giáo dục hướng nghiệp cần được đẩy mạnh. Đối với các trường nghề, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo thì việc “bắt tay” với các doanh nghiệp để đào tạo cho phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường được xem là việc làm hết sức cần thiết để giải nguy cho vấn đề khó tuyển sinh hiện nay. 

Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang.
Giờ học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang.

Tỉnh ta hiện có 126 trường THCS và 37 trường trung học phổ thông (THPT). Trong thời gian qua, tại các trường THCS, đặc biệt là đối với học sinh lớp 9, tiết hướng nghiệp được đưa vào chương trình học (1 tiết/tháng, với nhiều bài học xoay quanh các nội dung: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có khoa học; thông tin về thị trường lao động; tìm hiểu năng lực của bản thân, gia đình; phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp…).  Ở bậc THPT, công tác hướng nghiệp cho học sinh được quan tâm hơn, với nhiều hình thức khá phong phú: Giao lưu cựu học sinh; hái hoa dân chủ; phối hợp với các trường cao đẳng, đại học tổ chức Ngày hội Tư vấn tuyển sinh cho học sinh; tổ chức cho học sinh tham quan thực tế các mô hình công ty, nhà xưởng, xí nghiệp… Tuy nhiên, nhìn chung, hiệu quả công tác hướng nghiệp cho học sinh chưa được như mong muốn, dẫn đến thực trạng  “chuộng bằng cấp”, “thừa thầy, thiếu thợ”... Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

Với các trường nghề, những năm gần đây đã liên kết với các doanh nghiệp; Nhà nước có chính sách ưu đãi để thu hút học sinh theo học các trường nghề; liên thông lên cao đẳng, đại học… Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang được xem là địa chỉ uy tín trong công tác đào tạo nghề. Sinh viên học tại trường được bố trí 70% thời gian cho thực hành nghề nghiệp tại xưởng trường và tại doanh nghiệp. Hiện trường kết hợp với hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa sinh viên đến thực tập, tạo điều kiện cho các em có cơ hội tiếp cận với thực tế sản xuất, rèn luyện tác phong công nghiệp, bổ sung kiến thức thực tế và kỹ năng nghề nghiệp. Thầy Nguyễn Quang Khải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề cho biết: “Nhờ phối hợp tốt với các doanh nghiệp mà chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng lên. Thống kê số sinh viên có việc làm đúng nghề sau 1 năm tốt nghiệp đạt tỷ lệ 90% trở lên. Thế mạnh của trường là các ngành khối Kỹ thuật - Công nghệ (Cơ khí, Xây dựng, Điện - Điện tử), với tỷ lệ sinh viên có việc làm 100%...

Anh Nguyễn Thành Đạt, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang chia sẻ: “Tôi học ngành Điện tử công nghiệp, tốt nghiệp ra trường năm 2014, hiện tôi làm việc ở Công ty TNHH Giải pháp xây dựng DHN. Tôi thấy môi trường học tập và cơ hội nghề nghiệp của Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang rất tốt, rất cao...”. Đây được xem là kinh nghiệm quý của Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang, cần được các trường nghề khác trong tỉnh học hỏi và áp dụng...

Theo phân tích của PGS-TS Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, để giải quyết vấn đề việc làm cho học sinh, sinh viên hiện nay, các trường cần khảo sát nhu cầu lao động, dự báo được thị trường lao động đang và sẽ cần ngành nghề gì, mức độ yêu cầu công việc ra sao. Nhà trường phải tạo mối quan hệ chặt chẽ với nhà tuyển dụng để luôn cập nhật và điều chỉnh nội dung chương trình, phương thức, ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, hơn là đào tạo theo ngành trường đang có. Đưa người học vào môi trường của doanh nghiệp, tạo môi trường để người học phát triển năng lực bản thân và phát triển cái “khác biệt” của họ.

ĐỖ PHI

.
.
.