Thứ Tư, 05/07/2017, 10:08 (GMT+7)
.
TIẾN TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỐ MỸ THO (24-8-1967 - 24-8-2017)

Từ Mỹ Tho đại phố đến thành phố trung tâm

Với bề dày lịch sử ngoài 3 thế kỷ, đô thị Mỹ Tho lưu giữ tinh hoa văn hóa của vùng đất Nam bộ ngày đầu cha ông đi mở cõi. Vốn là một đô thị lâu đời, TP. Mỹ Tho không ngừng nỗ lực nâng cao vị thế là trung tâm về kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực.

Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Mỹ Tho là đô thị loại I.     	                   Ảnh: Duy Sơn
Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Mỹ Tho là đô thị loại I. Ảnh: Duy Sơn

NƠI LƯU DẤU MỘT THỜI MỞ CÕI

Mỹ Tho là một trong những đô thị hình thành sớm và sầm uất vào bậc nhất của đất Nam bộ xưa. Từ năm 1623, ở vùng tả ngạn sông Bảo Định đã có lưu dân Việt từ đàng ngoài vào đây khẩn hoang, lập ấp. Đến năm 1679, Mỹ Tho đại phố ra đời.

Năm Mậu Thìn (1698), khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, lập phủ Gia Định, lấy đất Sài Gòn lập dinh Phiên Trấn, bấy giờ Mỹ Tho thuộc dinh Phiên Trấn. Năm Nhâm Thìn (1772), chúa Nguyễn Phúc Thuần cho lập tại Mỹ Tho một đơn vị hành chính là đạo Trường Đồn, đứng đầu là một quan võ cấp Cai cơ. Lỵ sở đạo Trường Đồn đặt tại giồng Kiến Định. Đến năm 1779, đạo Trường Đồn được nâng lên thành dinh Trường Đồn, rồi năm 1781 đổi tên thành dinh Trấn Định.

Năm Nhâm Tý (1792), chúa Nguyễn cho dời lỵ sở dinh Trấn Định về Mỹ Tho thuộc thôn Mỹ Chánh, đồng thời cho xây dựng thành Trấn Định. Đến năm 1826, Vua Minh Mạng lại cho dời lỵ sở Trấn Định sang phía tây sông Bảo Định thuộc 2 thôn Điều Hòa và Bình Tạo của huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An. Cũng năm này, một ngôi chợ được lập bên thành mới vừa được xây dựng, tức chợ Mỹ Tho hiện giờ. Thống kê ngày 12 tháng giêng năm Mậu Thìn, tức năm Gia Long thứ 7 (1808), vùng đất nay thuộc TP. Mỹ Tho có tất cả 39 thôn. Đến ngày mồng 3 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) còn lại 20 thôn và tên thôn cũng có nhiều thay đổi, xáo trộn.

Trước năm 1900 Mỹ Tho là tỉnh lỵ của tỉnh Định Tường. Đến ngày 1-1-1900 tỉnh Mỹ Tho được thành lập. Tỉnh chia thành nhiều quận, mỗi quận chia nhiều tổng, mỗi tổng chia nhiều làng. Năm 1914, làng Điều Hòa được chọn làm tỉnh lỵ Mỹ Tho, phía đông 2 làng Bình Tạo và Thạnh Trị phải nhường một số đất đai và lùi đến bờ kinh Nicolais (bờ giếng nước). Từ năm 1933, ranh giới làng Điều Hòa kéo dài đến Vòng Nhỏ. Và ngày 13-12-1935 thị xã (TX) Mỹ Tho được thành lập: Phía bắc giáp rạch cũ Mỹ Tho (đã lấp), đông giáp tỉnh lộ 22 (nay là đường Nguyễn Huỳnh Đức), tây giáp rạch Mỹ Tho (tức vàm Bảo Định) và nam giáp sông Tiền. Đến tháng 9-1939 lại có nghị định mở rộng ranh giới TX. Mỹ Tho về phía đông đến rạch Đạo Ngạn.

KIÊN CƯỜNG TRONG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước của Đảng và nhân dân ta, Mỹ Tho là địa bàn chiến lược và là “thủ phủ” của Trung Nam bộ.

Với vị trí chiến lược của TX. Mỹ Tho với khu Trung Nam bộ, tháng 6 năm 1967, Hội nghị Khu ủy Khu 8 đã quyết định chọn TX. Mỹ Tho làm chiến trường trọng điểm tấn công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy. TX. Mỹ Tho bấy giờ là cơ quan đầu não của địch trên địa bàn Khu 8. Khu ủy Khu 8 đã đề xuất và được Trung ương cục Miền Nam chuẩn y cho nâng TX. Mỹ Tho lên thành phố trực thuộc khu vào ngày 24-8-1967. Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Mỹ Tho được thành lập gồm 11 đồng chí, đồng chí Nguyễn Thanh Hà được cử giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Đến ngày 27-8-1967, Thành ủy Mỹ Tho họp phiên đầu tiên tại Rạch Đập, xã Thạnh Hưng, huyện Cái Bè. Hội nghị đã quán triệt chủ trương, Nghị quyết của trên và bàn về nhiệm vụ công tác của Đảng bộ, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Thành ủy viên và triển khai quyết định thành lập các cơ quan tham mưu giúp việc của Thành ủy.

Tháng 11-1967, cơ quan Thành ủy được dời về xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy; sang tháng
12-1967, tiếp tục dời về đóng tại xã Đạo Thạnh để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Sau cuộc tổng tiến công, trong những năm 1969 đến 1972, phong trào cách mạng ở TP. Mỹ Tho tuy gặp nhiều khó khăn, phải nhiều lần dời căn cứ, song dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, quân và dân thành phố vẫn kiên quyết tiến công địch trên 3 mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận, giữ vững quyền làm chủ ở ngoại ô và tiến công địch ở nội ô, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.

Sau Hiệp định Paris (1973), TP. Mỹ Tho được Khu 8 giao về trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Nhiệm vụ của Thành ủy lúc này là lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang đánh địch lấn chiếm, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh xây dựng 3 thứ quân và lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận.

Đầu năm 1975, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Khu ủy Khu 8 quyết định chuyển TP. Mỹ Tho từ trực thuộc tỉnh lên trực thuộc Khu. Ngay sau đó, Thành ủy đã chỉ đạo tăng cường lực lượng vũ trang ở ngoại và nội ô, đẩy mạnh hoạt động đánh địch, gây cho chúng nhiều thương vong, rệu rã về tổ chức và tinh thần.

19 giờ ngày 30-4-1975, TP. Mỹ Tho cơ bản được giải phóng. Sau giải phóng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thành phố bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Năm 1976, TP. Mỹ Tho được sáp nhập với tỉnh Mỹ Tho và tỉnh Gò Công thành tỉnh Tiền Giang. TP. Mỹ Tho từ đây trở thành đô thị trung tâm, là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Tiền Giang và được Trung ương công nhận là đô thị loại III.

Vượt qua khó khăn, thử thách, TP. Mỹ Tho đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Tốc độ phát triển nhanh, các ngành nghề kinh tế mở rộng, đa dạng, quy mô sản xuất, kinh doanh không ngừng nâng lên; cơ sở hạ tầng được xây dựng làm thay đổi lớn diện mạo thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

Ghi nhận quá trình đi lên của TP. Mỹ Tho, tháng 10-2005, TP. Mỹ Tho được công nhận là đô thị loại II. Đến tháng 2-2016, TP. Mỹ Tho đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là đô thị loại I.

Hiện nay, TP. Mỹ Tho được mở rộng với diện tích trên 8.100 ha với 17 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 11 phường và 6 xã. Thành phố đang tiếp tục đầu tư phát triển, phát huy mạnh mẽ vai trò của đô thị cấp vùng và là trung tâm của tỉnh. Theo định hướng của thành phố, song song với việc hoàn thiện các chỉ tiêu của chuẩn văn minh đô thị, Mỹ Tho tiến tới xây dựng Thành phố thông minh, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

MAI HÀ

.
.
.