Thứ Sáu, 21/07/2017, 11:00 (GMT+7)
.

Tình người ở " Xóm chạy thận"

Theo chân Đoàn Từ thiện đến phát cơm và tặng quà cho bệnh nhân vào các buổi trưa, chúng tôi tìm đến những bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang và Bệnh viện Quân y 120 Quân khu 9 (tọa lạc tại phường 6, TP. Mỹ Tho).

Bệnh nhân “Xóm chạy thận” nhận quà của các nhà hảo tâm tại quán cà phê trước khu nhà trọ.
Bệnh nhân “Xóm chạy thận” nhận quà của các nhà hảo tâm tại quán cà phê trước khu nhà trọ.

NHỌC NHẰN CUỘC SỐNG

Tôi gặp anh Trần Văn Lự (34 tuổi, ngụ  xã Phú An, huyện Cai Lậy) cùng con trai là Trần Thanh Khiết với chân đi khập khiễng, tay bị gãy. Anh đang chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh đã gần 10 năm. Trước đây, đi phụ hồ, anh hay bị nhức đầu, cứ ngỡ dang nắng nhiều bị nhức đầu, nên mua thuốc về uống. Rồi một ngày không thể làm gì được, anh đi khám, mới biết mình suy thận mãn. Lúc đầu chạy thận xong, anh còn về để đi làm kiếm tiền. Sức khỏe ngày càng giảm sút, vợ lại bỏ đi, anh đành gửi 1 đứa con cho bà nội, đưa 2 đứa còn lại xuống TP. Mỹ Tho (bé Thanh Liêm, học Trường Tiểu học Hồ Văn Nhánh và bé Thanh Khiết, 5 tuổi), lấy bệnh viện làm nhà để chạy thận.

Cùng với anh Lự, là 2 bệnh nhân: Trương Hoàng Tèo (huyện Cái Bè) và Dương Phạm Thảo Trang (huyện Gò Công Đông). Cũng là những bệnh nhân của Khoa Thận nhân tạo, họ chọn hành lang bệnh viện để ngả lưng qua đêm.

Khác với đa số bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang không ở lại, bệnh nhân ở Bệnh viện Quân y 120 thì lại chọn cách ở trọ. Đó là những dãy nhà trọ ẩm thấp trên đường Nguyễn Thị Thập (khu phố Mỹ Thạnh Hưng, phường 6). Dân xung quanh gọi là “xóm chạy thận”.  Xóm gồm 3 dãy nhà trọ, mỗi dãy cách nhau vài chục mét. Có khoảng 30 phòng, diện tích mỗi phòng không tới 20m2. Vào những phòng trọ, chúng tôi thấy vật dụng gồm những thứ thật cần thiết: Ít cái nồi, vài cái chén, ly, thau, xô, chiếc chiếu, cái mền, cái gối, ghế bố và vài bộ quần áo cũ... Phòng nào “sang” có thêm giường, quạt máy. Đa số họ nằm nghỉ trên ghế bố hay trên nền gạch. Đi hết 3 dãy nhà trọ, chúng tôi không thấy có phương tiện giải trí nào.

Giá phòng trọ ở đây 700.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nước. Dù giá không hề rẻ, nhưng không phải lúc nào cũng có phòng trống. Trời nóng hầm hập, mọi người chỉ dám quạt tay, hay tìm gốc cây gần đó để trốn nắng... Tất cả phải tiết kiệm, bởi bệnh nhân ở đây đều nghèo, nhưng lại mang “bệnh nhà giàu”. Chị Trần Thị Hồng Thủy (39 tuổi, ngụ Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) chạy thận 5 năm tại đây, chia sẻ: “Mỗi lần chạy thận, nhờ có sổ hộ nghèo nên chỉ đóng thêm khoảng 60 ngàn đồng. Ngoài việc chi tiêu tằn tiện đủ thứ, khi khỏe chị tranh thủ bán vé số kiếm thêm tiền thuốc thang. Mấy công đất cha mẹ cho đã bán hết để trị bệnh, chồng chia tay, các con phải nương nhờ ngoại, mà ngoại cũng đã già yếu...”. Nhắc đến con, mắt chị ngấn lệ.

Khi chúng tôi hỏi sao không ở ghép cho đỡ tiền trọ? Họ cười buồn: “Đa số bệnh nhân chạy thận khó ngủ, nên sợ ảnh hưởng đến những người cùng phòng”. Cô Phạm Thị Tuyết Mai (61 tuổi, ngụ xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) là cư dân của “xóm chạy thận” đã hơn 4 năm nay. Cô kể: “Hồi trước mãi lo buôn bán để nuôi các con ăn học. Một ngày nọ bỗng dưng ăn vào cứ ói mửa nhiều lần, phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết, tôi bị viêm thận cấp, phải mổ. Sau thời gian chạy chữa ở TP. Hồ Chí Minh, tôi về quê (tỉnh Bến Tre), nhưng nơi ấy không chạy thận, phải sang Tiền Giang và gia nhập xóm này. Đến nay 5 công vườn và tiệm tạp hóa đã “đội nón” ra đi...”.

ẤM ÁP TÌNH NGƯỜI

Cư dân “xóm chạy thận” chủ yếu làm nghề bán vé số, nhặt ve chai, chạy “xe ôm”…, thu nhập mỗi ngày chưa đến 100.000 đồng. Cô Tuyết Mai cho biết: “Có lẽ vì được mọi người thương nên tôi bán vé số nhanh hết lắm. Những khi bệnh tật giày vò, đau đớn, nhớ con phải tha hương, có đứa theo chồng ra tận miền Trung kiếm sống, tôi chỉ muốn chết đi cho các con nhẹ gánh; nhưng nhờ sự động viên của anh chị em trong “xóm chạy thận”, tôi phải cố gắng. Đến nay, tôi đã ở đây được 4 năm rồi”.

Chú Lê Văn Hoàng và chiếc xe lăn đi phát quà cho bà con trong Bệnh viện Quân y 120.
Chú Lê Văn Hoàng và chiếc xe lăn đi phát quà cho bà con trong Bệnh viện Quân y 120.

Chúng tôi gặp chú Lê Văn Hoàng (70 tuổi, quê xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy). Chú được mọi người gọi thân mật là chú Ba và xem chú như là nhóm trưởng “xóm chạy thận”. Chú đại diện cho bà con để liên hệ các nơi tiếp nhận, phân chia những phần quà cứu trợ, hỗ trợ bệnh nhân không người chăm sóc… Chú từng là cán bộ Binh vận tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1968. Hòa bình lập lại, chú về địa phương sản xuất và tham gia công tác Hội Cựu chiến binh, làm Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản ở xã Mỹ Thành Bắc. Chú Ba chăm sóc vợ - cô Nguyễn Thị Ánh, chạy thận từ Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi về Bệnh viện Quân y 120. Cô hiện bị tai biến, phải di chuyển bằng xe lăn. Chiếc xe lăn ấy có lúc cũng trở thành xe chở đồ ăn, quà để chú Ba đi phân chia cho các bệnh nhân khác.

Trong số những bệnh nhân trong “xóm chạy thận” có ít bệnh nhân được người nhà ở bên cạnh chăm sóc, đa số đành phải nương tựa vào nhau để chống chọi với bệnh tật. Người còn khỏe chăm sóc người yếu hơn, cũng có khi phải nhờ đến hàng xóm, láng giềng nơi đây. “Chúng tôi sống thương yêu, đùm bọc nhau như một gia đình, có món gì ngon cũng sẵn sàng san sẻ cho nhau, nhường nhau công việc, cuốc xe…” - một bệnh nhân nói trong nghẹn ngào.

Người dân ở đây kể, cách đây không lâu, có bệnh nhân tên Sang, khoảng 30 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, bị biến chứng ung thư máu, gục xuống sau khi chạy thận về. Mọi người gọi chú Ba đến, chính chú Ba thay đồ và phát hiện em chết dần từ chân lên. Chú vận động bà con góp tiền để thuê chuyến xe đưa Sang về quê nhà.

VÀ ƯỚC MƠ NHO NHỎ

Mỗi bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần. Mỗi lần chạy thận khoảng 3 giờ. Chạy thận xong, có người phải cố rướn chút sức còm tranh thủ đi làm thuê.

Chỉ cho chúng tôi xem những cánh tay nổi u to, da dẻ xám xịt, gầy guộc, một bác cho biết: “Sau thời gian chạy thận ai cũng như thế. Hơn nữa, ăn uống cũng phải kiêng cữ đủ thứ, như không ăn trái cây và hạn chế thức ăn có nhiều nước. Uống nước cũng hạn chế. Không lao động nặng. Nhiều lúc muốn ăn một bữa cho đỡ thèm cũng không dám…”.

Chị Nguyễn Thị Út nuôi mẹ là cụ Nguyễn Thị Lợi (85 tuổi), cho biết, 2 anh em chị thay phiên nhau chăm sóc mẹ. Mỗi khi tết đến, trái hẳn với không khí nhộn nhịp, vui vẻ của phố phường là không khí im ắng, buồn bã của xóm này. Bởi đó là lúc những cư dân chạy thận thèm khát được sum họp bên gia đình, người thân. Ngày tết mọi người thường chúc nhau sức khỏe, đôi lúc như một thói quen, nhưng ở nơi này đó là nguyện ước đến nhói lòng.

Chị Hồng Thủy cho biết: “Tôi mong mình được một lần ngủ thẳng giấc để có thêm sức khỏe. Ban ngày đi bán vé số, có khi buồn ngủ lắm nhưng phải cố lê những bước chân nặng nhọc, bởi không bán thì lấy tiền đâu trả tiền thuê nhà trọ, tiền thuốc men…”. Cô Tuyết Mai chỉ đôi chân mang vớ, cho biết cô chỉ mong chân mình bớt tê để đi làm thuê kiếm thêm ít tiền đỡ đần con cái.

Mỗi năm anh em chị Út đưa mẹ 1 lần về thăm nhà ở xã An Thái Trung, huyện Cái Bè. Chị bộc bạch: “Phải cố gắng lắm, bởi  chi phí cho 1 chuyến xe đi - về hơn 1 triệu đồng. Mẹ đã già, gắn với căn bệnh này, lại ở trong phòng trọ ẩm thấp, nóng nực thiệt khổ!”.

CÒN SỐNG, CÒN HY VỌNG

Đời người suy thận sống nhờ vào máy móc, thuốc thang và người thân. Bệnh thận tiến triển rất khó nhận biết. Khi phát hiện bệnh là ở giai đoạn cuối, cũng là lúc án tử treo lơ lửng. Trong thời gian chạy thận, bệnh nhân phải đối diện với những biến chứng khác như: Tim mạch, huyết áp, dạ dày, khớp, não… Cuộc sống của họ như chỉ mành treo chuông. “Còn được sống là còn hy vọng. Chúng tôi hy vọng vào sự tiến bộ của y học và “phép mầu” trong cơ thể mình” - một bệnh nhân tâm sự. Tuy vậy, khi hỏi về sự cố chạy thận ở tỉnh Hòa Bình, mọi người bảo họ có biết, nhưng tin rằng mình không rơi vào hoàn cảnh éo le như thế.

Cư dân “xóm chạy thận” này đã chứng kiến nhiều người đến và đi, già có, trẻ có. Đến đây là không hẹn ngày về, và cũng chẳng biết sẽ “ra đi” lúc nào. Ai cũng biết điều đó, nhưng vẫn thường động viên nhau: “Còn sống được ngày nào là mừng ngày đó, phải cố thôi!”.

ĐÀM THỊ XUÂN UYÊN

.
.
.