Thứ Tư, 16/08/2017, 21:01 (GMT+7)
.

Tuyên truyền làm chuyển biến nhận thức về bình đẳng giới

Bình đẳng giới (BĐG) là một trong những mục tiêu quan trọng được Đảng, Nhà nước ta đặt ra trong thời kỳ đổi mới. Để thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BĐG là hết sức cần thiết.

Lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt tổ, nhóm đem lại hiệu quả tích cực.
Lồng ghép tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt tổ, nhóm đem lại hiệu quả tích cực.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật BĐG, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về BĐG đã giúp các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thấy rõ nguy cơ, thực trạng của vấn đề bất BĐG làm ngăn cản sự phát triển của đất nước, từ đó có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của BĐG đối với sự phát triển xã hội, cộng đồng.

Công tác tuyên truyền về BĐG đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và BĐG trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình, trong lựa chọn sinh con theo giới tính, về vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Trong công cuộc đổi mới, công tác này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò của chính chị em...

Bên cạnh tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng..., góp phần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về giới cho mọi đối tượng nâng cao hiểu biết về giới và BĐG. Vấn đề BĐG còn được tiến hành lồng ghép trong nhiều hoạt động chuyên đề của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong nhiều chương trình, dự án kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành, các địa phương.

Tuy nhiên, nhận thức vấn đề BĐG trong các nhóm xã hội (gia đình, dòng họ, khu dân cư, dân tộc, nghề nghiệp...) vẫn còn thiếu sự thống nhất. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tiếp tục là hệ quả xấu trong đối xử với nữ giới, là rào cản trong quá trình thực hiện BĐG. Sự bất BĐG vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực như: Về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến... giữa nam và nữ. Vấn đề này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết và chủ yếu do công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và BĐG chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, sâu rộng, chưa sát với đối tượng. Các cấp, các ngành, đoàn thể chưa có sự quan tâm đúng mức về vấn đề này. Nhận thức của phụ nữ về quyền lợi của mình còn nhiều hạn chế, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trong thời gian tới, để pháp luật về BĐG ngày càng có hiệu lực, hiệu quả, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật BĐG để góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện BĐG cho cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện BĐG không chỉ của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp. Đồng thời, sẽ tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và BĐG cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban, ngành, đoàn thể; những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ. Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về BĐG cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn.

CHÂU HẢO

.
.
.