Thứ Sáu, 03/11/2017, 14:33 (GMT+7)
.

20 năm sau bão Linda: khát vọng từ nỗi đau

Bão Linda năm 1997 (còn gọi là bão số 5) đi qua để lại cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long nhiều đau thương, mất mát. Mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha…, nỗi đau bao trùm lên nhiều làng biển. Tròn 20 năm sau bão Linda, nỗi đau vẫn còn đó nhưng con, cháu của những ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Anh Phạm Văn Tàu may mắn thoát chết trong cơn bão Linda.
Anh Phạm Văn Tàu may mắn thoát chết trong cơn bão Linda.

NỖI ĐAU CÒN ĐÓ

Trở lại vùng biển Gò Công tròn 20 năm sau bão Linda, điều mà chúng tôi ghi nhận là sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây. Các con hẻm 2, 3, 4 (khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông), nhà cửa “mọc” lên san sát. Có một điều mà chúng tôi không khó nhận ra là nhiều ngôi nhà thiếu bóng dáng người đàn ông, họa may là hình ảnh những cụ ông ngồi trước hiên nhà. Đàn ông, trai tráng nơi đây đều đi biển và trong đó có những người đã đi mãi không về. Trong từng con phố, ngõ hẻm, nỗi đau từ cơn bão năm nào vẫn còn đọng lại đâu đó. 

Nhiều năm rồi, ngôi nhà của chị Phạm Thị Phấn (khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng) thiếu bóng dáng đàn ông. Chị Phấn vừa làm mẹ, vừa làm cha, bươn chải lo cho các con từ khi chồng mất. Cơn bão Linda đã cướp đi chồng, cha của các con chị. Đây là nỗi đau khó phai đối với chị cũng như những gia đình có người thân thiệt mạng trong cơn bão năm đó. Cũng như nhiều gia đình khác, chị Phấn đã “gói ghém” nỗi đau, cố gắng làm lụng để nuôi con. Thế nhưng, dù thời gian đã 20 năm nhưng dường như nỗi đau mất chồng vẫn còn dai dẳng trong chị, nhất là những lúc ai đó vô tình nhắc đến. Chị Phấn bày tỏ: “Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh về những ngày tháng khi cơn bão cướp đi chồng mình. Tôi từng tuyệt vọng, muốn kết thúc cuộc đời mình nhưng vì con nên đã cố gắng sống”.

May mắn hơn nhiều người khác, anh Phạm Văn Tàu (khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng) đã thoát nạn trong cơn bão quái ác năm đó. Thế nhưng, cho đến bây giờ ký ức về cơn bão và những mất mát mà nó gây ra vẫn không thể phai mờ trong tâm trí của anh. Cố gắng vượt qua nỗi đau, một thời gian sau anh Tàu lại tiếp tục gắn bó với nghề biển. Hơn 20 năm gắn bó với nghề “ăn sóng, nói gió”, giờ đây anh đã có cho riêng mình một mái ấm nhỏ. Nó là điểm tựa tinh thần cho anh sau những chuyến mưu sinh nơi đầu bọt nước.

“GIỮ LỬA” NGHỀ

Có thể nói, truyền thống bao đời nay của người dân miền biển là thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước bám biển. Mặc dù có người thân mất trong cơn bão nhưng những đứa trẻ năm nào giờ đây vẫn tiếp tục nối nghiệp ông cha vươn khơi.

Chị Phạm Thị Phấn thắp hương cho chồng.
Chị Phạm Thị Phấn thắp hương cho chồng.

Lúc chồng mất, chị Phấn đang mang bầu đứa con trai được 4 tháng. Đứa trẻ mang bầu năm đó nay đã là gần 20 tuổi. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, con trai đã xin mẹ đi “bạn” cho tàu đánh bắt xa bờ. Dẫu biển đã cướp đi chồng của mình nhưng chị Phấn đã bị thuyết phục trước quyết tâm nối nghề của con. Thoáng một cái mà đã 3 năm rồi, con của chị đã tung hoành ngược xuôi trên biển, viết tiếp câu chuyện mưu sinh nơi trùng khơi còn dở dang của cha. Chị Phấn trải lòng: “Nghề biển mấy khi được ở nhà, mỗi năm chỉ về được 3 lần và lần nghỉ lâu nhất là dịp tết. Mỗi khi nghe có bão hay áp thấp nhiệt đới là lòng tôi lại phập phồng lo… Nhưng lòng lại thấy vui khi con mình đang nối nghề của cha nó”.

Sau lần thoát được “lưỡi hái tử thần”, anh Tàu trở về kết hôn và sinh con. Đứa con trai của anh cũng tiếp tục nối nghề của gia đình. Anh Tàu bày tỏ: “Đa phần thanh niên ở đây đều nối nghiệp ông cha. Thằng nhỏ nhà tôi cũng vậy, cái mùi biển, tôm cá dường như đã ăn sâu vào máu thịt nên rất quyết tâm đi biển. Ngoài ra, con của người chị thứ 4 (có chồng mất trong cơn bão Linda) cũng tiếp tục nối nghề cha”. Rồi anh tâm tình: “Đời đi biển không biết trước điều gì, nhưng cũng cảm thấy vui vì con quyết tâm theo nghề”.

Mấy hôm nay, thông tin về dãy hội tụ áp thấp trên Biển Đông làm dấy lên lo ngại về cơn bão quái ác như cách đây 20 năm. Những gia đình có người thân bị mất trong cơn bão Linda lại thắc thỏm khi người thân của họ đang mưu sinh giữa trùng khơi. Tuy nhiên, có một điều mà chúng tôi cảm nhận được trong những cuộc gặp gỡ này chính là sự lạc quan và niềm tin ở các gia đình ngư dân. Những đau thương, mất mát mà thế hệ trước phải gánh chịu chẳng thể nào làm vơi nguồn nhiệt huyết - quyết tâm vươn khơi, bám biển của thế hệ trẻ. Những con tàu sẽ ngày đêm tung hoành giữa biển khơi chở theo biết bao khát vọng - khát vọng làm giàu, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo, khát vọng tiếp nối câu chuyện của những thế hệ đi trước còn dở dang.

MINH THÀNH

.
.
.