Thứ Năm, 14/12/2017, 21:16 (GMT+7)
.

Công tác dân số góp phần nâng chất lượng cuộc sống

Xác định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cái Bè (gọi tắt là Trung tâm) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác này. Qua đó, tỷ lệ gia đình sinh con thứ ba từng bước được kéo giảm, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống...

Trung tâm tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh  cho đối tượng vị thành niên và thanh niên thị trấn Cái Bè.
Trung tâm tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng vị thành niên và thanh niên thị trấn Cái Bè.

Theo Ban Giám đốc Trung tâm, trong năm qua, Trung tâm đã đẩy mạnh nhiều hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi; thực hiện các đề án can thiệp, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; nhân rộng mô hình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng và chú trọng nâng chất hoạt động tư vấn DS-KHHGĐ qua đăng ký kết hôn… Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các cơ quan, các xã, thị trấn trong huyện nỗ lực thực hiện tốt các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ.

Với sự nỗ lực của các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, các chỉ số về tỷ suất sinh, tỷ số giới tính khi sinh đều giảm so với năm 2016; tỷ lệ sinh con thứ 3 là 3,09% (chỉ tiêu được giao là 6%). Tính đến thời điểm đầu tháng 12-2017, toàn huyện đã có 67,34% cặp vợ chồng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (tăng 1,56% so với năm 2016). Bên cạnh đó, toàn huyện có gần 30.000 lượt người dân được cung cấp thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí.

Trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức 2.678 cuộc truyền thông, với 57.678 lượt người dự. Công tác truyền thông được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú như: Phát tờ rơi, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm... Qua đó, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân được nâng cao, đã tự giác tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tự nguyện tham gia các biện pháp tránh thai...

Bên cạnh công tác truyền thông, việc thực hiện Đề án Mở rộng các mô hình, giải pháp can thiệp góp phần nâng cao chất lượng dân số cũng được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Theo đó, trong năm qua, Trung tâm đã thực hiện 515 cuộc truyền thông về sàng lọc trước sinh, 842 thai phụ được khám sàng lọc, 43 thai phụ được xét nghiệm máu nguy cơ cao. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm sóc vật chất, tinh thần cho 1.737 người cao tuổi, với tổng kinh phí trên 180 triệu đồng.

Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đoàn Thị Minh Phương cho biết: “Công tác truyền thông về DS-KHHGĐ được Trung tâm thực hiện thường xuyên. Nội dung truyền thông xoay quanh việc hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới thiệu các biện pháp tránh thai hiện đại, hậu quả của việc nạo phá thai, những hệ lụy mất cân bằng giới tính... Chị Trần Thị Diệu Linh, người dân xã An Cư tâm sự: “Tôi có đứa con gái, định sinh thêm con trai. Qua nghe các cán bộ của Trung tâm giải thích, vợ chồng tôi đã không lựa chọn giới tính khi sinh, lần sinh kế tiếp dù gái không quan trọng”.

Giám đốc Trung tâm Tô Văn Chính cho biết: “Mặc dù đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhưng Trung tâm vẫn còn thiếu nhân sự; quản lý địa bàn rộng nên không sao tránh khỏi những sai sót trong công tác quản lý đối tượng diện sinh đẻ… Trong năm 2018, Trung tâm tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu về tỷ lệ sinh con thứ 3 còn dưới 6%; 40% thai phụ sẽ được khám sàng lọc trước khi sinh; vận động hơn 14.000 đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại…”.

ĐỖ PHI

.
.
.