Thứ Sáu, 15/12/2017, 22:10 (GMT+7)
.
TRUNG TÂM DS-KHHGĐ HUYỆN GÒ CÔNG TÂY:

Nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên

Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gò Công Tây (gọi tắt là Trung tâm) nỗ lực thực hiện tốt, trong đó nổi bật là hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên (CTV), đi đôi với quản lý tốt công tác nhập dữ liệu dân cư.

Công tác tuyên truyền được Trung tâm quan tâm thực hiện trên diện rộng.
Công tác tuyên truyền được Trung tâm quan tâm thực hiện trên diện rộng.

Hiện tại, huyện có 200 CTV tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại. Trung tâm luôn quan tâm nâng cao năng lực của đội ngũ này thông qua các buổi họp lệ và cử tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ đạt tỷ lệ cao, cụ thể: Trong năm 2017, toàn huyện có 6.305 người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 165% kế hoạch năm, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, Trung tâm còn làm tốt vai trò tham mưu cho UBND huyện triển khai Chiến dịch Tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn tại 2 xã Đồng Thạnh và Bình Tân. Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế tăng cường tư vấn đối tượng sàng lọc sơ sinh, rà soát nhân khẩu, hộ khẩu phục vụ in sổ AO giai đoạn 2016 - 2020 và tổng số sinh cập nhật vào kho dữ liệu...

Bác sĩ Phạm Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Công tác nhập dữ liệu được Trung tâm tổ chức theo từng cấp. Đầu tiên, CTV ở các ấp (khu phố) sẽ cập nhật dữ liệu cho cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở cấp xã. Sau đó, cán bộ chuyên trách cấp xã sẽ đến trực tiếp Trung tâm để nhập dữ liệu dân cư trên địa bàn mình phụ trách. Việc thực hiện cập nhật dữ liệu dân cư theo từng cấp giúp thông tin về dân số được bảo đảm chính xác. Quản lý tốt dữ liệu dân cư giúp Trung tâm nắm chắc các số liệu quan trọng như tổng số trẻ sinh ra, số trẻ em là con thứ ba, số đối tượng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, đời sống kinh tế của các cặp vợ chồng trong diện sinh đẻ…, từ đó đề ra kế hoạch, chương trình thực hiện công tác DS-KHHGĐ cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại cơ sở...”.

Theo thống kê của Trung tâm, tổng số sinh của toàn huyện trong năm 2017 là 1.591 trẻ, giảm 17 trẻ so với năm 2016; tỷ suất nam/nữ là 116/100; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 3,21%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 41,92% và sơ sinh đạt 69%. Các xã thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao là: Bình Nhì, Thạnh Trị, Yên Luông…

Ngoài ra, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả trên diện rộng, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tất cả các đối tượng bằng nhiều hình thức như: Phát thanh trên sóng truyền thanh cấp huyện, cấp xã được 514 lần, với 189 tin, bài và phát hơn 12.600 tờ bướm; tuyên truyền các biện pháp tránh thai hiện đại, hiệu quả sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính...

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh các hoạt động: Tuyên truyền, vận động trên diện rộng để người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ; cung cấp kịp thời dịch vụ KHH cho đối tượng; thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh; duy trì mức sinh thay thế hợp lý; hạn chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 112 bé trai/100 bé gái…

CAO THẮNG

.
.
.