Thứ Sáu, 05/01/2018, 18:18 (GMT+7)
.

Vai trò Công đoàn trong phát triển kinh tế, xã hội

LÊ VĂN HƯỞNG (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với dân số 1,751 triệu người, mật độ dân số đông (698 người/km2, xếp thứ 2/13 tỉnh ĐBSCL, chỉ sau TP. Cần Thơ), có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông thủy, bộ… Thời gian qua, tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí Lê Văn Hưởng tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động.	Ảnh: HỮU NGHỊ
Đồng chí Lê Văn Hưởng tặng quà cho công nhân bị tai nạn lao động. Ảnh: HỮU NGHỊ

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) tăng khá nhanh, giai đoạn 5 năm (2012 - 2017) tăng bình quân 7,8%/năm, luôn nằm trong 3 tỉnh, thành phố tăng trưởng cao nhất vùng ĐBSCL; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (năm 2017 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 39,2% và tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp chiếm 60,8%); thu nhập bình quân đầu người tăng khá nhanh (từ 27,3 triệu đồng/người vào năm 2012, tăng lên 43,4 triệu đồng/người năm 2017); thu ngân sách trong 5 năm tăng hơn 4.000 tỷ đồng, bình quân tăng 800 tỷ đồng/năm (từ 3.527 tỷ đồng năm 2012, tăng lên 7.529 tỷ đồng năm 2017); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20,9%/năm (năm 2017 kim ngạch đạt 2,52 tỷ USD); số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng (năm 2015 - 2016 bình quân 610 doanh nghiệp thành lập mới/năm), giải quyết việc làm cho hơn 22.000 người/năm…   

Lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội đạt được những kết quả quan trọng. Chất lượng giáo dục được duy trì, tỷ lệ học sinh các cấp học đạt khá, giỏi và thi đậu vào trường đại học tăng lên hằng năm; công tác phổ cập giáo dục đảm bảo tính bền vững. Phát triển y tế, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,03% năm 2012 xuống còn 4,2% năm 2017 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Văn hóa, thông tin, truyền thông, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được quan tâm; nhiều mô hình và hình thức hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, đa dạng, sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn và lực lượng công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà. Các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã thể hiện tốt vai trò giám sát, phản biện và là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với CNVCLĐ. Cụ thể, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chủ động đề xuất và phối hợp với các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật trong CNVCLĐ, không để xảy ra tranh chấp lao động quy mô lớn, phòng ngừa được đình công, lãn công trong các khu, cụm công nghiệp. Công đoàn cùng với các ngành chức năng thành lập các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp; qua đó kiến nghị chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp có hành vi vi phạm. Công đoàn đã vận động CNVCLĐ tích cực thi đua lao động sản xuất, công tác, nhất là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhằm tăng năng suất - chất lượng - hiệu quả. 

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tổ chức Công đoàn và lực lượng CNVCLĐ Tiền Giang đã có những bước trưởng thành về số lượng và chất lượng. Các cấp Công đoàn Tiền Giang đã khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Toàn tỉnh có 11 LĐLĐ cấp huyện; 6 Công đoàn ngành và tương đương; 1.464 Công đoàn cơ sở, với 121.845 đoàn viên. Lực lượng CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức.

Các cấp Công đoàn của tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của CNVCLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Tích cực tuyên truyền, phổ biến và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền với các cấp Công đoàn trong tỉnh ngày càng mang lại hiệu quả thực chất hơn, trong đó đặc biệt quan tâm, từng bước bảo đảm điều kiện vật chất, tinh thần cho người lao động, như về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế Công đoàn tại các khu, cụm công nghiệp…

Bước vào nhiệm kỳ mới (2018 - 2023), tổ chức Công đoàn Tiền Giang và phong trào CNVCLĐ tỉnh nhà đứng trước thời cơ và thách thức đan xen. Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tác động đến nhiều mặt, trong đó có tác động đến người lao động và tổ chức Công đoàn. Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp Công đoàn tỉnh Tiền Giang cần phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Công đoàn trong vận động, tập hợp đông đảo CNVCLĐ phát huy trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp đổi mới của Đảng; tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Một là, tổ chức Công đoàn tiếp tục đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động. Hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu. Lấy CNVCLĐ làm đối tượng vận động, tập hợp; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững và tiến bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội làm mục tiêu hoạt động. Tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên trong tất cả các thành phần kinh tế, gắn phát triển đoàn viên với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, để hoạt động Công đoàn mang lại hiệu quả thiết thực đối với người lao động.

Hai là, Công đoàn các cấp trong tỉnh tích cực tham gia xây dựng thể chế, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, phổ biến pháp luật, nhất là các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động; đồng thời góp phần xây dựng chính quyền “liêm chính, kiến tạo”, phục vụ người dân và doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quan tâm phát triển doanh nghiệp; thúc đẩy giải quyết việc làm cho người lao động; quan tâm vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, hội nhập quốc tế…
Ba là, Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền phát động sâu rộng và tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ; tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có giải pháp, kế hoạch để bảo vệ, tạo điều kiện cho người lao động có quyền chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh và được hưởng lợi xứng đáng với những đóng góp của mình.

Đổi mới cách thức tổ chức và nội dung thi đua để thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia, tạo động lực hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội. Các phong trào thi đua yêu nước phải đặt trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao ý thức giác ngộ giai cấp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Thi đua cần có phát động, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhất là các điển hình về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

Bốn là, Công đoàn làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chính trị, tạo niềm tin cho người lao động. Phối hợp với chính quyền các cấp tiếp tục chăm lo lợi ích thiết thực của người lao động, nhất là giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác. Công đoàn các cấp có trách nhiệm giám sát việc thực hiện, bảo đảm quyền lợi cho người lao động; đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát xã hội; phối hợp tăng cường kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời kiến nghị giải quyết vướng mắc, xử lý vi phạm, góp phần xây dựng các quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Năm là, tăng cường tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại với người lao động để lắng nghe ý kiến và kịp thời giải quyết các bức xúc của người lao động. Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động.
Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã và đang có những chủ trương, chính sách, giải pháp để phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên và CNVCLĐ.

Trên tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm”, cùng với sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ Công đoàn và sự đồng lòng của CNVCLĐ, tin tưởng rằng, phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn tỉnh nhà trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành công và sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

.
.
Liên kết hữu ích
.