Thứ Hai, 23/04/2018, 16:04 (GMT+7)
.
Nghị định 67/2014 của Chính phủ:

Giúp vốn cho ngư dân bám biển

Tiền Giang là một trong những tỉnh có tàu cá đóng mới hạ thủy và đưa vào hoạt động theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ sớm nhất trong cả nước. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Các tàu đánh bắt thủy hải sản vào neo đậu tại cảng cá Vàm Láng.
Các tàu đánh bắt thủy hải sản vào neo đậu tại cảng cá Vàm Láng.

32 TÀU ĐÃ HOẠT ĐỘNG

Sau khi các bộ, ngành trung ương triển khai nội dung Nghị định 67/2014 của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã bắt tay vào triển khai đến các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay tỉnh đã phê duyệt 39/41 tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ. Các ngân hàng thương mại đã ký 32 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu, đã thực hiện hoàn thành và hạ thủy 32 tàu cá.

7 trường hợp dù được UBND tỉnh phê duyệt nhưng các chủ tàu không thỏa thuận được việc ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, UBND tỉnh đã duyệt danh sách 78 tàu cá tham gia nâng cấp và các ngân hàng đã tiếp nhận hồ sơ và cho vay 9/78 tàu.

Theo thống kê, đến nay các ngân hàng thương mại cam kết cho vay theo các hợp đồng trên 238 tỷ đồng, doanh số cho vay trên 236 tỷ đồng, doanh số thu nợ 25,8 tỷ đồng, dư nợ trên 210 tỷ đồng.

Riêng vay vốn nâng cấp tàu cá, Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Tiền Giang đã tiếp nhận hồ sơ và cho vay 9/78 tàu; số tiền cam kết theo hợp đồng 19,7 tỷ đồng, doanh số cho vay trên 19,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ 0,23 tỷ đồng, dư nợ trên 19,4 tỷ đồng.

Về hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa, UBND tỉnh ban hành 27 quyết định phê duyệt hỗ trợ 3.460 hồ sơ, với tổng số tiền trên 143 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ trên 29 tỷ đồng chi phí mua bảo hiểm; hỗ trợ 25 khách hàng vay vốn lưu động, với doanh số cho vay trên 19,4 tỷ đồng, doanh số trả nợ gần 19 tỷ đồng…

Đánh giá về triển khai Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết, Tiền Giang đã đi đầu trong việc đóng mới hạ thủy và đưa vào hoạt động tàu cá.

Đây là chính sách phù hợp với ngư dân, góp phần vào việc phát triển ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, phát triển đội tàu khai thác xa bờ, hướng đến ngành khai thác hải sản chuyên nghiệp, bền vững.

Đồng thời, chính sách trên còn là động lực mạnh mẽ tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển, tạo điều kiện trong việc tổ chức lại sản xuất nghề cá, nâng cao đời sống ngư dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Trong các khó khăn phải kể đến là giữa các ngân hàng thương mại và các chủ tàu cá chưa thống nhất về tổng giá trị đầu tư của các con tàu trong việc lập hợp đồng tín dụng.

Cụ thể, trong số 39 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới và được UBND tỉnh phê duyệt thì 7 trường hợp các chủ tàu không thỏa thuận được việc ký kết hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại. Và hiện 2 chủ tàu đã tiến hành đóng mới tàu cá từ nguồn vốn của gia đình và đưa vào hoạt động có hiệu quả.

Từ năm 2017, các ngân hàng thương mại đều siết chặt các điều kiện và hạn mức vay nên các chủ tàu không thực hiện được việc ký kết hợp đồng tín dụng. Từ đó, việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ không được thực hiện.

Riêng vay vốn nâng cấp tàu cá, có 78 tàu cá đã được UBND tỉnh duyệt danh sách tham gia nâng cấp. Tuy nhiên, các chủ tàu này chưa thực hiện các thủ tục như thiết kế, hợp đồng vay vốn.

Nguyên nhân là do các chủ tàu có xu hướng muốn mua máy đã qua sử dụng nhưng việc thẩm định máy đã qua sử dụng còn phức tạp về thủ tục và tốn kinh phí nên các chủ tàu không thực hiện.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp tàu theo quy định thì chỉ được sử dụng vật liệu mới, trong khi các chủ tàu đã quen với việc dùng vật liệu gỗ để sửa vỏ.

SĨ NGUYÊN

.
.
.