Thứ Hai, 09/04/2018, 11:06 (GMT+7)
.

Shipper, nghề "hái" ra tiền, nhưng lắm gian nan

Ngày nay, thị trường mua sắm trực tuyến bùng nổ đã kéo theo nghề shipper (nhân viên giao nhận hàng hóa) cũng trở nên “hot”. Người làm nghề này chỉ cần có xe máy, điện thoại truy cập Internet và thông thạo về đường đi là có thể hành nghề. Nghề shipper tưởng chừng nhẹ nhàng, đơn giản, lương cao nhưng ít ai biết cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, các shipper thường tập trung nhận tất cả các đơn hàng vào buổi sáng.
Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, các shipper thường tập trung nhận tất cả các đơn hàng vào buổi sáng.

NGHỀ MƯU SINH

Nhu cầu mua sắm qua mạng Internet của người dân chưa bao giờ bùng nổ như hiện nay. Mỗi người chỉ cần ngồi một chỗ lướt web là có thể tha hồ lựa chọn những mặt hàng ưa thích từ giày dép, quần áo cho đến đồ ăn, nước uống... Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, nhiều cửa hàng, quán ăn, shop quần áo… đã mở thêm dịch vụ giao hàng tận nơi. Chính vì điều này, nhiều chủ cửa hàng thường thuê shipper đi giao hàng. 

Công việc chính của shipper là nhận đơn hàng từ chủ, sau đó dựa trên địa chỉ được cung cấp để giao hàng. Để nhận được đơn hàng từ chủ, shipper phải ứng trước cho chủ hàng khoản tiền có giá trị tương đương.

Sau khi giao hàng xong, shipper sẽ được nhận lại khoản tiền đã ứng trước đó và số tiền công tương ứng với giá trị đơn hàng. Số tiền công của shipper ít hay nhiều phụ thuộc vào quãng đường vận chuyển, giá trị của mặt hàng giao cho khách.

Anh Đặng Phương Khải (phường 6, TP. Mỹ Tho) cho biết, anh đến với nghề shipper như một cơ duyên. Hiện anh Khải làm shipper cho Công ty TNHH MTV V-Tradex Tiền Giang. Lúc trước anh Khải làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tình cờ được người bạn giới thiệu, anh Khải nộp đơn vào công ty và được nhận vào làm việc tháng 6-2017.

Nhờ tính tháo vát, siêng năng, mỗi ngày anh Khải giao từ 40 đến 50 đơn hàng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, tiền công nhận được 200.000 - 300.000 đồng. Riêng những tháng gần tết, Ngày Lễ tình nhân, Quốc tế Phụ nữ 8-3…, thu nhập thường tăng gấp 2 đến 3 lần.

Theo kinh nghiệm của anh Khải, để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, các shipper thường tập trung nhận các đơn hàng vào buổi sáng, sau đó tiến hành sắp xếp và phân chia theo từng khu vực để tiện giao hàng.

Theo những người làm nghề shipper, công việc shipper không bị “gò bó” về thời gian, thu nhập cũng khá ổn định nếu kiên trì, chịu khó. Chính vì vậy mà nghề này khá phù hợp với những sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học.

Bạn Nguyễn Mạnh Tuấn, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Tiền Giang cho biết, sau giờ học, Tuấn thường nhận giao hàng cho một số cửa hàng trên địa bàn TP. Mỹ Tho. Theo Tuấn, để làm nghề shipper đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, trong đó sự nhanh nhạy, am hiểu công nghệ và đường sá là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Hơn 6 tháng làm shipper, ngoài việc có thêm thu nhập để trang trải việc học, công việc này còn giúp Tuấn có thêm mối quan hệ, học được nhiều kỹ năng sống bổ ích. 

CÓ DỄ “HÁI” RA TIỀN?

Có đến với nghề shipper mới thấu hiểu được nỗi vất vả của những người giao hàng. Nhìn bề ngoài có thể thấy shipper là công việc đơn giản, dễ kiếm tiền, thế nhưng đằng sau đó là biết bao khó khăn, vất vả của những người làm nghề.

Kể lại tình huống trớ trêu lúc mới vào nghề, Tuấn vẫn còn nhớ như in: “Khoảng cuối tháng 11 năm ngoái, tôi nhận một đơn hàng từ công ty mang giao chiếc áo khoác cho khách ở phường 9. Khi đến địa điểm giao hàng, khách yêu cầu cho xem hàng trước rồi mới trả tiền.

Thế nhưng, sau khi thử áo xong, do không vừa ý nên vị khách này không chịu lấy. Hôm đó, tôi phải bỏ gần 500 ngàn đồng để mua lại món hàng đó đền cho công ty”.

Anh Trần Trí Nhân, shipper giao đồ uống cũng gặp phải trục trặc không kém gì Tuấn. Anh Nhân cho biết, mặc dù trước khi giao hàng anh đã gọi điện liên lạc báo cho khách trước khoảng 10 phút, nhưng vẫn có nhiều trường hợp khi đến nơi lại không gặp được khách, gọi điện mãi vẫn không nghe máy. Những lúc như vậy, anh chỉ biết ngậm ngùi đi về.

Còn trường hợp của anh Lê Nguyễn Phát Tài, shipper tự do ở TP. Mỹ Tho thì bị giật điện thoại khi đi giao hàng. Anh Tài kể, sáng 26 Tết, anh nhận được đơn hàng giao cho khách tại xã Mỹ Phong. Như thường lệ sau khi nhận đơn hàng từ chủ, anh liền mang hàng giao cho khách. Thế nhưng, khi đến nơi anh lấy điện thoại ra để liên lạc với khách thì bất ngờ bị 2 thanh niên từ phía sau phóng xe lên giật điện thoại rồi tẩu thoát.

Theo bà Nguyễn Thụy Thanh Nguyệt, phụ trách bộ phận giao hàng của Công ty TNHH MTV V-Tradex Tiền Giang, để ngăn ngừa tình trạng bị lừa đảo, cướp giật, shipper cần hết sức cảnh giác khi đi giao hàng.

Trước khi giao hàng, shipper cần liên lạc nắm rõ thông tin của khách, xác minh đơn hàng có phải của khách hay không. Khi đến giao hàng, shipper không nên hẹn gặp nơi hẻo lánh mà yêu cầu khách ra địa điểm công cộng để giao hàng.

Có thể thấy, shipper là công việc không dễ “hái” ra tiền như nhiều người vẫn nghĩ. Có đến với nghề shipper mới hiểu được những vui buồn của  người làm nghề.

ĐỖ PHI

.
.
.