Thứ Sáu, 13/07/2018, 12:59 (GMT+7)
.

Thoát nghèo từ nguồn tín dụng chính sách

“Nhờ chương trình tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng để cải tạo 2.000 m2 sầu riêng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi dần ổn định hơn”- bà Phùng Thị Kim Khuyên (ấp Long Hòa B, xã Bàn Long, huyện Châu Thành) cho biết như thế.

Một trong những mô hình kinh tế được hỗ trợ thông qua gói tín dụng chính sách.                                                                                                                                                                                                                           Ảnh: ANH PHƯƠNG
Một trong những mô hình kinh tế được hỗ trợ thông qua gói tín dụng chính sách. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Thực tế cho thấy, gia đình bà Khuyên là một trong hàng trăm hộ được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chính sách. Bởi, thông qua 13 chương trình tín dụng chính sách mà Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Tiền Giang đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, góp phần rất lớn trong việc giải quyết việc làm, ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững. Trong đó, đáng chú ý có các chương trình tín dụng chính sách như: Chương trình cho vay đối với ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002 của Chính phủ, chương trình cho vay hộ thoát nghèo theo Quyết định 15/2013 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015 của Thủ tướng Chính phủ, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (NS-VSMT) theo Quyết định 62/2014 của Thủ tướng Chính phủ… Đây là những chương trình tín dụng đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi cuộc sống của người dân, nhất là người dân ở nông thôn.

Thực tế, từ những đồng vốn ở các chương trình tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, tác động lớn vào đời sống xã hội và từng hộ dân thông qua việc thay đổi mô hình sản xuất, cải thiện đời sống. Trường hợp hộ ông Đặng Thàng Công (ấp Ông Non, xã Tân Trung, TX. Gò Công) là một minh chứng. Ông Công cho biết, từ năm 2010 đến 2013, gia đình ông vay vốn từ chương trình hộ nghèo, chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo lần lượt là 10 triệu đồng và 20 triệu đồng. Đến năm 2017, gia đình ông đã tất toán hết các khoản nợ vay và tiếp tục vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm 20 triệu đồng để mua máy cưa, máy tiện gia công làm đôn ghế, lục bình, đế chân đèn... “Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, không chỉ cuộc sống gia đình đã ổn định hơn mà tôi còn tạo việc làm cho 3 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Vui mừng hơn là mới đây, gia đình còn được vay theo chương trình
NS-VSMT, với số vốn vay 12 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình nước sạch, nhà vệ sinh’’- ông Công cho biết.

 

Tương tự, những đồng vốn tín dụng đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Ái (ấp 2, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) tạo cơ sở làm ăn, cải thiện thu nhập và vươn lên trong cuộc sống. Theo đó, năm 2017, gia đình bà được vay theo chương trình vốn vay của hộ cận nghèo, với số tiền là 50 triệu đồng. “Gia đình sử dụng nguồn vốn vay để mua sắm máy may công nghiệp phục vụ cho việc may gia công hàng may mặc và tạo việc làm cho 10 lao động, với thu nhập bình quân mỗi lao động 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, vào đầu năm 2018, gia đình còn được vay gói tín dụng NS-VSMT, với số vốn vay là 12 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình nước sạch, nhà vệ sinh”- bà Ái cho biết.

Tất nhiên, danh sách hộ dân được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chính sách chưa dừng lại ở đó. Đến nay, có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân đã được tiếp sức kịp thời, vượt qua khó khăn, cải thiện cuộc sống. Chẳng hạn như hộ bà Thái Thị Liếu (ấp Long Hòa B, xã Bàn Long, huyện Châu Thành) vay chương trình hộ nghèo 40 triệu đồng để cải tạo 4.000 m2 cây sầu riêng; hộ ông Phạm Văn Dũng (ấp Bắc B, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) vay chương trình hộ nghèo 25 triệu đồng để chăn nuôi 3 con bò sinh sản và vay nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 33/2015 của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền 25 triệu đồng. Đặc biệt là hộ bà Nguyễn Thị Thương (ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành) vay 2 hồ sơ đối với học sinh, sinh viên, với tổng số tiền 146 triệu đồng. Kết quả, chương trình vay vốn này đã góp phần giúp cho 2 con bà hoàn thành chương trình đại học và có việc làm ổn định. Đó là em Nguyễn Công Nghĩa (sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành Bác sĩ Đa khoa) đã ra trường, đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa TP. Mỹ Tho và em Nguyễn Công Hậu (sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành học Bác sĩ Đa khoa) mới tốt nghiệp, chuẩn bị công tác ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Các mô hình kinh tế được hỗ trợ thông qua gói tín dụng chính sách.
Các mô hình kinh tế được hỗ trợ thông qua gói tín dụng chính sách.

Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Tiền Giang, nhiều chương trình tín dụng chính sách khác đã và đang được triển khai thực hiện, không ngừng phát huy tác dụng. Theo đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, trên địa bàn tỉnh có đến 1.095 lao động được tạo việc làm, 99 căn nhà được xây mới, 409 học sinh, sinh viên được vay vốn, 8.310 công trình nước sạch và 8.310 công trình vệ sinh được xây dựng. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay thông qua 13 chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 338 tỷ đồng…

P. A

.
.
.