Thứ Năm, 02/08/2018, 21:27 (GMT+7)
.
CỰU CHIẾN BINH HUYỆN CAI LẬY:

Làm theo Bác, sống gương mẫu, trách nhiệm trong công việc

2 năm qua, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Chỉ thị 05) đã lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên cựu chiến binh trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cựu chiến binh là tấm gương vượt khó, tận tâm, trách nhiệm với công việc và hỗ trợ đồng đội vươn lên.

Ông Thoại chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Ông Thoại chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.

Năm 1987, ông Đào Ngọc Thoại xuất ngũ sau thời gian tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trở về địa phương, ông cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế gia đình và tham gia sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh ấp 11, xã Long Trung.

Năm 2004, ông được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ ấp, đã dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự...

Qua được học tập, quán triệt Chỉ thị 05, ông Thoại thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Ấp 11 (xã Long Trung) có diện tích hơn 140 ha, 320 hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp.

Trong phát triển kinh tế, Chi bộ và Ban Chủ nhiệm ấp đã tích cực vận động người dân chuyển đổi vườn tạp thành vườn chuyên canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo, ông Thoại dành thời gian tìm hiểu, động viên, cùng các đoàn thể có biện pháp hỗ trợ phù hợp về vốn vay, kỹ thuật sản xuất, giới thiệu việc làm..., tác động đời sống người dân trên địa bàn ấp từng bước được cải thiện, đến cuối năm ngoái tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 2 năm qua, Chi bộ ấp 11 vận động các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 750 triệu đồng để nâng cấp 7 công trình giao thông, xây tặng 8 nhà tình nghĩa, nhà tình thương...

Không chỉ làm tốt chức trách Bí thư chi bộ, ông Thoại còn là điển hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền. Tuy khởi điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần cần cù, nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay với 1,3 ha vườn chuyên canh sầu riêng, gia đình ông có thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Thoại chia sẻ: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cơ sở để mỗi cán bộ, đảng viên học tập, hoàn thiện bản thân. Là bộ đội phục viên và với chức trách Bí thư Chi bộ ấp, tôi nghĩ, qua được học tập, quán triệt Chỉ thị 05, phải được thể hiện cụ thể bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, nhất là những việc có liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Được nhân dân tin yêu, quý mến, nên dù việc lớn hay nhỏ, tôi luôn nỗ lực thực hiện”.

Ông Mãnh trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cựu chiến binh địa phương.
Ông Mãnh trao đổi kinh nghiệm sản xuất với cựu chiến binh địa phương.

Ở ấp 3 (xã Thạnh Lộc), ông Hồ Văn Mãnh được hội viên Hội Cựu chiến binh biết đến là tấm gương nghị lực và giàu lòng nhân ái. Năm 1983, ông Mãnh tham gia nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Năm 1984, ông bị thương trong một trận đánh và xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 81%, là thương binh ¼.

Trở về địa phương, ông Mãnh bước vào cuộc sống mới với vô vàn khó khăn: Đất sản xuất ít, những vết thương tái phát vào những lúc trái gió trở trời... Với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông nỗ lực lao động để cải thiện cuộc sống gia đình. Vợ chồng ông cần mẫn với 5 công ruộng và sắm thùng phóng thu hoạch lúa thuê, xây dựng chuồng trại nuôi heo thịt, heo sinh sản.

Sau thời gian tích lũy, ông mở rộng diện tích canh tác hơn 1,4 ha và tập trung phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Những vụ mùa bội thu là thành quả xứng đáng cho tinh thần và ý chí của người thương binh chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn.

Nhiều năm liền ông được bình chọn là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện. Sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh ấp 3 (xã Thạnh Lộc), ông Mãnh gương mẫu trong các phong trào do Hội Cựu chiến binh phát động: Hiến đất xây dựng đường giao thông, hỗ trợ đồng đội về kinh nghiệm sản xuất, cho mượn vốn không tính lãi... Mỗi năm, ông hỗ trợ 2 hội viên với số tiền 20 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình; sau khi kinh tế ổn định, đồng vốn sẽ được chuyển giao cho cựu chiến binh khác.

Ông Mãnh bộc bạch: “Nhớ lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi luôn thực hiện những việc có thể, chỉ mong san sẻ một phần khó khăn để bà con nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống”.

Sau thời gian triển khai thực hiện, Chỉ thị 05 đã tạo sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh trên địa bàn huyện Cai Lậy. Hội viên sôi nổi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, nêu gương sáng về lòng yêu thương con người, hỗ trợ đồng đội vươn lên…

Hội Cựu chiến binh huyện và cơ sở cũng đã nhân rộng những gương điển hình, mô hình mới, cách làm sáng tạo và động viên, khen thưởng những tấm gương tiêu biểu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong mỗi việc làm, cựu chiến binh huyện Cai Lậy đã góp phần tô thắm phẩm chất, truyền thống  tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, góp sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.