Thứ Bảy, 04/08/2018, 09:15 (GMT+7)
.

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đón lũ đầu mùa từ ngày 13-8

Ngày 3-8, tại Hậu Giang, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì tổ chức hội nghị công tác thủy lợi phục vụ sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông 2018 và Đông Xuân 2018 - 2019 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN
Ảnh chỉ có tính minh họa. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, lũ tại ĐBSCL sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 13/8 và đạt đỉnh lũ vào tháng 10-2018.

Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn khu vực ĐBSCL sẽ ở mức báo động 2, khả năng lũ đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Với mức đỉnh lũ này, về cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao trong vùng đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy nhiên, các khu vực chịu ảnh hưởng cả lũ, triều cường và chịu ảnh hưởng mạnh bởi triều cường, cần đề phòng và có giải pháp gia cố các bờ bao xung yếu bảo vệ cuộc sống người dân, bảo vệ sản xuất.

Mặc dù dự báo lũ năm nay tại ĐBSCL không lớn kỷ lục, tuy nhiên do biến đổi thời tiết, cũng như không biết rõ việc vận hành các hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Mekong, nên ĐBSCL vẫn phải cảnh giác với tình hình bất thường, ngoài dự báo về lũ trong thời gian tới. Các địa phương cần rà soát và gia cố các hệ thống đê bao xung yếu, đẩy nhanh thu hoạch diện tích lúa Hè Thu ở các khu vực ngoài đê, đê bao chưa khép kín. Chỉ xuống giống vụ lúa Thu Đông ở các vùng có ô bao triệt để, không xuống giống ở các khu vực có ô bao không đảm bảo cao trình.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng phía Nam, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù dự báo lũ năm nay ở ĐBSCL chỉ đạt mức báo động 2, tuy nhiên nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất trong mùa lũ năm nay, các địa phương vùng đầu nguồn sông Hậu thuộc khu vực ĐBSCL cần xuống giống lúa Thu Đông chậm nhất là ngày 20/8. Đồng thời các vùng cuối nguồn sông Hậu thuộc khu vực ĐBSCL cần có kế hoạch bảo vệ hơn 300.000ha vườn cây ăn trái, hoa màu; nhất là các diện tích ở các cồn, cù lao cặp theo sông Hậu và sông Tiền.

Về xâm nhập mặn năm 2018-2019, dự báo có khả năng thuộc năm trung bình, diễn biến mặn ở mức ít nghiêm trọng, nhưng cần đề phòng một số thời đoạn dòng chảy về đồng bằng thấp, nên khả năng mặn xâm nhập sâu vẫn có thể xảy ra. Trên hệ thống sông Cửu Long mặn xâm nhập với ranh mặn 4g/l có thể đến 40-50km vào các ngày triều cường. Các vùng cách biển 20-30km khó xuất hiện nước ngọt kể từ cuối tháng 2/2019.

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã thu hoặc được hơn 600.000 ha/1,6 triệu ha lúa Hè Thu. Các địa phương trong khu vực cũng đã xuống giống được hơn 700.000ha lúa Thu Đông.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/dong-bang-song-cuu-long-se-don-lu-dau-mua-tu-ngay-138/517230.vnp)

.
.
.