Thứ Tư, 12/09/2018, 09:14 (GMT+7)
.

Tập trung bảo vệ vườn cây ăn trái và diện tích lúa

Triều cường trong những ngày qua đã uy hiếp nhiều ô bao, đê bao trồng lúa và vườn cây ăn trái; thậm chí một số nơi bị tràn, vỡ bờ bao. Ngành chức năng và người dân đang ra sức củng cố và nâng cấp đê bao để bảo vệ hàng chục ngàn ha cây ăn trái và lúa hè thu chính vụ ở các huyện phía Tây.

Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các ngành và địa phương về các công trình cần phải tiến hành nâng cấp ngay.
Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với các ngành và địa phương về các công trình cần phải tiến hành nâng cấp ngay.

   ĐẮP ĐẬP, KÈ ĐÊ BẢO VỆ SẢN XUẤT

Chúng tôi có mặt tại những điểm “nóng” bị triều cường uy hiếp trong những ngày qua, không khí người dân đắp đập tạm, cơi nới bờ bao… rất tất bật, diễn ra bất kể ngày đêm; chính quyền từ tỉnh đến các địa phương liên tục tiến hành khảo sát và chỉ đạo công tác phòng, chống.

Tại xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy), nhiều diện tích lúa hè thu chính vụ chỉ mới trổ đều, trong khi mực nước trên các tuyến kinh khá cao nên chính quyền huy động người dân dùng cây, bao, đất… để đắp tạm hầu hết các đập nhỏ đi vào những khu ruộng này. Càng vào sâu nội đồng, nước đã tràn vào những ô bao lửng, thiếu chắc chắn. Chính quyền, người dân thường xuyên kiểm tra dọc các tuyến kinh chưa đắp đập để dùng bao đất nâng cấp ở những đoạn thấp, yếu. Ông Nguyễn Văn Nuôi trồng 1,5 ha lúa hè thu chính vụ ở xã Mỹ Thành Bắc cho biết: “Lúa mới trổ, còn khoảng 1 tháng nữa mới đến ngày thu hoạch, vậy mà giờ mực nước kinh rất cao. Nếu vỡ đê, chúng tôi không biết phải xử lý như thế nào?”.

Ngành chức năng kiểm tra 1 đập tạm tại huyện Cái Bè.
Ngành chức năng kiểm tra 1 đập tạm tại huyện Cái Bè.

Tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), triều cường những ngày qua cũng đã uy hiếp nhiều diện tích lúa vừa mới ngậm sữa. Ông Nguyễn Văn Minh, ấp Mỹ Trinh A trồng 0,8 ha lúa trong vụ hè thu chính vụ này đang dùng máy để bơm nước ra ngoài cho khô mặt ruộng, bộc bạch: “Mực nước trong những ngày qua dâng quá cao. Những lúc triều cường lên cao, nước đã tràn qua một số đoạn đê. Lúa của chúng tôi còn hơn 20 ngày nữa mới thu hoạch. Con nước này mà như thế thì con nước rằm tháng 8 (âm lịch) tới sẽ còn khó khăn hơn…”.

Huy động lực lượng để đắp các đập tạm.
Huy động lực lượng để đắp các đập tạm.

Còn ở xã Tân Phong (huyện Cai Lậy), triều cường đã phá vỡ 1 đoạn đê ở ấp Tân Thiện. Nhiều nhà dân, cơ sở kinh doanh và vườn cây ăn trái đã bị ngập cục bộ. Có mặt tại đây vào ngày 10-9, một số hộ dân bắt đầu dọn đồ sinh hoạt trong nhà lên tuyến đê kiên cố hơn, cơ sở kinh doanh du lịch phải ngưng hoạt động; nhiều vườn mít, sầu riêng… có dấu hiệu vàng lá. Một số hộ dân khác dùng bao đất đắp tạm xung quanh vườn cây ăn trái của mình. Chính quyền huyện, xã cũng đã huy động lực lượng kiểm tra thường xuyên những điểm “nóng” này. Trong ngày 11-9, địa phương sử dụng lực lượng, máy móc để gia cố hầu hết những đoạn đê xung yếu, nhằm bảo vệ nhà dân và vườn cây ăn trái trong những ngày tới.

Theo Chi cục Thủy lợi, mực nước cao nhất đo được tại các trạm đo trên địa bàn tỉnh vào ngày 10-9 đều tăng so với ngày hôm trước. Theo đó, mực nước cao nhất tại Tam Bình (huyện Cai Lậy) là 1,85 m, tăng 0,13 m; tại ngã Năm - kinh 10 (huyện Cai Lậy) 1,3 m, tăng 0,03 m; tại Hậu Mỹ Bắc (huyện Cái Bè) 1,57 m, tăng 0,06 m; tại Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) 1,04 m, tăng 0,01 m; tại ngã Năm Bắc Đông (huyện Tân Phước) 1,1 m, tăng 0,02 m…

Một lãnh đạo ngành Nông nghiệp cho biết, triều cường đợt này lớn đã uy hiếp nhiều diện tích lúa, vườn cây ăn trái. Dự báo triều cường vào rằm tháng 8 (âm lịch) sẽ còn lớn hơn. Bởi thời điểm này, mực nước lũ ở đầu nguồn đã đạt đỉnh, còn ở Tiền Giang mới bắt đầu xuất hiện lũ. Triều cường kết hợp với lũ sẽ khiến cho tình hình phức tạp hơn trong thời gian tới.

Người dân xúc đất vào bao để đắp những đoạn ô bao thiếu chắc chắn.
Người dân xúc đất vào bao để đắp những đoạn ô bao thiếu chắc chắn.

HUY ĐỘNG LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

Vụ lúa hè thu chính vụ 2018, toàn huyện Cái Bè xuống giống hơn 17.000 ha và đa số trà lúa đang trong giai đoạn trổ và chín. Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cho biết, đa số diện tích lúa nằm trong các ô đê bao lửng, được xây dựng khá lâu, đã xuống cấp, hư hỏng nặng, cần phải gia cố mới có thể bảo đảm cho việc thu hoạch lúa an toàn trước khi lũ về. Vì vậy, để bảo vệ diện tích lúa này, các ngành chức năng huyện Cái Bè tiến hành xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hơn 160 đê bao, cống đập, điểm sạt lở…, với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.

Trước thông tin về tình hình lũ và triều cường diễn biến phức tạp, chính quyền huyện Cái Bè luôn theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ công tác ứng phó với lũ; đồng thời, phát động nhân dân củng cố hệ thống đê bao lửng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa và tổ chức thu hoạch số diện tích lúa chín tránh lũ. Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh cũng kiến nghị tỉnh cấp kinh phí hơn 8 tỷ đồng để nâng cấp đê bao, hơn 5,5 tỷ đồng để sửa chữa cống, gần 3 tỷ đồng xây đập tạm và 5,6 tỷ đồng xử lý sạt lở…

Còn tại huyện Cai Lậy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Thị Nguyên cho biết, toàn huyện xuống giống trên 8.300 ha lúa hè thu chính vụ 2018. Theo thống kê của các xã, diện tích lúa thu hoạch trước ngày 15-9 là 950 ha, thu hoạch sau ngày 15-9 trên 7.300 ha, trong đó đặc biệt có hơn 2.200 ha thu hoạch sau ngày 30-9. Diện tích lúa này có hơn 3.000 ha nằm trong ô bao không đảm bảo khi lũ về sớm. Để bảo vệ diện tích lúa thu hoạch sau ngày 15-9 được an toàn, huyện cần nâng cấp 29 tuyến kinh, với chiều dài trên 3 km và đắp 63 đập tạm, với tổng kinh phí ước tính trên 3,8 tỷ đồng…

Với diễn biến phức tạp của mưa lũ năm nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (BCH) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bảo vệ diện tích lúa hè thu chính vụ 2018 và vườn cây ăn trái trên địa bàn các huyện phía Tây. Trong đó, BCH đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp và thông tin để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động gia cố, nâng cấp bờ bao thấp không đảm bảo cao trình, bờ bao hở chưa khép kín; đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đối với những diện tích xuống giống trễ thu hoạch sau ngày 30-9; chuẩn bị phương tiện bơm tát đảm bảo thu hoạch lúa, tránh để thiệt hại do lũ.

Đối với diện tích vườn cây ăn trái, BCH yêu cầu các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao và diện tích vườn cây ăn trái vùng có nguy cơ bị ngập lũ; gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở ở các vùng có nguy cơ ngập lũ. Đồng thời, BCH đề nghị các địa phương phát động rộng rãi trong nhân dân tăng cường kiểm tra và có biện pháp phòng, chống, xử lý sạt lở đê bao trên phần đất của mình; kiểm tra thường xuyên những khu vực bờ sông, kinh, rạch đang có diễn biến sạt lở, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để tổ chức cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.

Trước tình hình phức tạp của lũ và triều cường, ngày 10-9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cùng các ngành chức năng đã kiểm tra thực tế tình hình lũ, triều cường, cũng như biện pháp ứng phó của các địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đến khảo sát những điểm “nóng” về ngăn lũ, triều cường để bảo vệ vườn cây ăn trái ở các xã thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành; đồng thời, chỉ đạo các địa phương cấp thiết làm ngay các công trình bờ bao, ô bao và các cống đập chống lũ. Công trình nào các địa phương có khả năng về kinh phí thì tiến hành ngay, còn công trình nào xin kinh phí của tỉnh thì cũng phải làm khẩn trương…

SĨ NGUYÊN

.
.
.