Thứ Tư, 24/10/2018, 08:44 (GMT+7)
.

Cá chết hàng loạt do thiếu oxy

Những ngày qua, một số khu vực nuôi cá điêu hồng trong bè trên vài nhánh sông thuộc huyện Cái Bè xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày 17-10, cá điêu hồng nuôi bè trên sông Cái Nhỏ (đoạn qua xã Tân Thanh) và sông Cổ Cò (đoạn qua xã Mỹ Lương) có hiện tượng chết rải rác.

Đến ngày 19 và 20-10, cá ở đây bắt đầu chết hàng loạt. Nhận được thông tin, lãnh đạo và các phòng chuyên môn của Sở NN&PTNT đến ghi nhận hiện trường, lấy mẫu nước phân tích và hướng dẫn người dân xử lý để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Các bè cá điêu hồng của ông Tăng chết gần như hoàn toàn, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Các bè cá điêu hồng của ông Tăng chết gần như hoàn toàn, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Cụ thể, tại xã Tân Thanh, cá điêu hồng chết chủ yếu ở bờ Nam của sông Cái Nhỏ. Theo đó, 5 hộ nuôi 58 lồng bè có cá chết hàng loạt (cỡ cá chết từ 2 - 4 con/kg). Ước lượng cá chết khoảng 160 tấn, tổng giá trị thiệt hại trên 6 tỷ đồng. Ông Đỗ Văn Tăng (ngụ ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè) là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề do cá chết.

“Gia đình có 17 bè cá nuôi trên sông sắp đến ngày thu hoạch. Nhưng chỉ trong mấy ngày qua, cá chết mà tôi phải vớt lên đến 50 tấn, rồi “bán đổ, bán tháo” cho những người thu mua làm phân bón.  Ước tính thiệt hại ban đầu hơn 2 tỷ đồng” - ông Tăng buồn rầu cho biết.  

Ngoài trường hợp của ông Tăng, mỗi hộ nuôi cá ở đây đều lỗ vốn từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng do cá chết bất thường.

Đánh giá sơ bộ của ngành NN&PTNT, cá chết chủ yếu là cá cỡ lớn, gần thu hoạch,  chiếm khoảng 70 - 80%; cá cỡ nhỏ thì chết ít hơn. Tại xã Mỹ Lương, 111 bè nuôi cá ở bờ Đông sông Cổ Cò cá nổi đầu nhiều và chết rải rác đều ở các bè, với lượng cá chết khoảng 15 - 20%. 

Kết quả quan trắc môi trường vào ngày 19 và 20-10 cho thấy, các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ có lượng oxy hòa tan trong nước ở sông Cái Nhỏ hơi thấp (giá trị giới hạn bằng hoặc trên 4 mg/l, nhưng tại thời điểm quan trắc chỉ bằng 3,5 mg/l); còn tại sông Cổ Cò, lượng oxy hòa tan trong nước chỉ bằng 3 mg/l.

Nhận định ban đầu của các ngành chuyên môn, cá chết ở sông Cái Nhỏ và sông Cổ Cò là do nguồn nước trong mùa lũ bị ô nhiễm, mang nhiều chất lơ lửng…

Thời điểm cá chết nhiều là lúc giao giữa nước lớn và nước ròng (đứng nước) làm cho cá nuôi trong bè thiếu oxy cục bộ và xảy ra chết hàng loạt. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng đã tiến hành lấy mẫu nước ở đây để phân tích về khả năng nhiễm thuốc trừ sâu nhưng chưa có kết quả.

Ngày 23-10, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn của sở tiếp tục có mặt tại các điểm cá chết ở xã Tân Thanh và xã Mỹ Lương để chỉ đạo xử lý.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phan Hữu Hội khuyến cáo, các hộ nuôi cá bè tại các điểm cá chết ở 2 xã Tân Thanh và Mỹ Lương cần dùng mô - tơ bơm nước để tạo dòng chảy, sục khí để tạo oxy cho cá. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá bè ở bên bờ Nam sông Cái Nhỏ (thuộc xã Tân Thanh) cần di dời bè cá sang bờ Bắc của sông này…              

   SĨ NGUYÊN

.
.
.