Thứ Tư, 10/10/2018, 22:29 (GMT+7)
.
Mang đến sự hài lòng cho người dân

Bài 1: Chuyển động thực chất

Tinh thần chung của tỉnh là thay đổi thực chất trong chất lượng quản trị và hành chính công ở các địa phương theo sự đánh giá chung từ phía người dân. Trước mắt là thông qua việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), vấn đề công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách gắn liền với lợi ích, đời sống của người dân.

Tỉnh đang quyết tâm thay đổi tư duy điều hành và cung cách phục vụ. 						               Ảnh: Minh Thành
Tỉnh đang quyết tâm thay đổi tư duy điều hành và cung cách phục vụ. Ảnh: Minh Thành

Một trong những nội dung quan trọng là tỉnh chú trọng vào việc cải thiện tích cực các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công và Cung ứng dịch vụ công. Bởi xét về Chỉ số PAPI của Tiền Giang trong những năm gần đây cho thấy có sự dao động theo hướng tăng, giảm.

Đây có lẽ là xu thế chung, bởi mỗi tỉnh, thành đều không ngừng điều chỉnh phương thức điều hành, với quyết tâm là thay đổi Chỉ số PAPI nói riêng và thay đổi hình ảnh địa phương nói chung. Chỉ số PAPI năm 2017 của Tiền Giang được công bố vừa qua cho thấy, tuy có nhiều nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt được như mong đợi của tỉnh.

Tất nhiên, sự tăng, giảm của các chỉ số thành phần cấu thành Chỉ số PAPI dường như cũng chỉ mang tính nhất thời, chưa phản ánh toàn diện những nỗ lực chung của tỉnh trong thời gian qua.

Trên thực tế, nếu vào soi rọi Chỉ số PAPI trong 5 năm gần đây, Tiền Giang cũng có nhiều chỉ số thành phần duy trì ở mức điểm số khá cao (trên 6 điểm) như: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; TTHC công và Cung ứng dịch vụ công.

Còn nếu nhìn kỹ vào nội dung của từng chỉ số cũng cho thấy nhiều điểm sáng. Chẳng hạn như Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công bao gồm 4 nội dung: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công, công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước và quyết tâm chống tham nhũng của Tiền Giang đều duy trì ở điểm số khá cao qua nhiều năm, đặc biệt là ở nội dung kiểm soát tham nhũng trong chính quyền và kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công.

Điểm nhấn quan trọng của Tiền Giang là Chỉ số TTHC công luôn được duy trì ở mức điểm tương đối cao trong thời gian qua. Trên thực tế, quyết tâm ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cải thiện, hiện đại hóa nền hành chính công là một trong những bước đi quan trọng đã được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện.

Theo kết quả công bố về Chỉ số Mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT năm 2018 (Vietnam ICT Index 2018), Tiền Giang tăng 2 bậc so với năm 2017 và giữ vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Điều này cho thấy, những nỗ lực lớn của tỉnh trong xây dựng, cải thiện và hiện đại nền hành chính công của tỉnh theo chủ trương chung của Chính phủ. Điểm đáng chú ý trong việc ứng dụng CNTT của tỉnh là việc đầu tư triển khai các dự án có liên quan.

Chẳng hạn như Dự án Ứng dụng CNTT vào công tác giải quyết TTHC theo mô hình “Một cửa - Một cửa liên thông tỉnh Tiền Giang” (giai đoạn 2) được Sở Thông tin và Truyền thông triển khai trang thiết bị phần cứng, phần mềm một cửa điện tử và đưa vào sử dụng tại tất cả các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã (24 sở, ngành; 11 UBND cấp huyện và 173 UBND cấp xã); đồng thời, tiến hành rà soát, kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu TTHC Quốc gia.

Kết quả cụ thể của việc ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành là đến nay toàn bộ thủ tục (dịch vụ) hành chính công của tỉnh đã được tích hợp lên phần mềm một cửa điện tử tỉnh, trong đó, mức độ 2 đạt 1.958 dịch vụ (đạt 100%); mức độ 3 đạt 1.145 dịch vụ (đạt gần 59%); mức độ 4 đạt 616 dịch vụ (đạt gần 32%).

Chưa kể, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã triển khai và cho phép gửi liên thông tất cả các sở, ngành, các cơ quan nhà nước cấp huyện, cấp xã; thực hiện ký số và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông qua phần mềm, không gửi văn bản giấy đạt 80% các hồ sơ, văn bản; 20% các hồ sơ, văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử kèm văn bản giấy; 90% văn bản, tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin.

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu của lãnh đạo tỉnh là không ngừng mang sự hài lòng đến cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và ứng dụng CNTT; ban hành văn bản chỉ đạo nhiều nội dung cải cách hành chính; tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI; ban hành kế hoạch tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân về các nội dung liên quan đến Chỉ số PAPI; thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên môn giúp việc Ban Chỉ đạo nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch tổ chức Hội thi “Tìm hiểu công tác cải cách hành chính tỉnh Tiền Giang” năm 2018…

Tất nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, mặc dù có rất nhiều cố gắng, quyết tâm của tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhưng việc thay đổi thực chất trong chất lượng quản trị và hành chính công hay chuyển động Chỉ số PAPI của Tiền Giang là điều thực sự không dễ và cần phải có lộ trình.

Bởi trên bình diện tổng thể, muốn thay đổi Chỉ số PAPI nói riêng và thay đổi tư duy điều hành, quản lý nói chung còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, chưa kể yếu tố cạnh tranh trong cải cách giữa các tỉnh, thành với nhau…

NHÓM PVKT

(Còn tiếp)

.
.
.