Thứ Hai, 03/12/2018, 09:53 (GMT+7)
.

Giải quyết vấn đề môi trường cho Làng nghề cá khô Vàm Láng

Nghề làm cá khô ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) ra đời hàng chục năm nay, gắn liền với nghề khai thác hải sản. Bên cạnh giải quyết việc làm, tăng thu nhập, làng nghề này cũng đã và đang chịu áp lực lớn về ô nhiễm môi trường.

1. Bắt đầu từ những hộ sản xuất nhỏ, mang tính cha truyền con nối, ở thị trấn Vàm Láng dần hình thành nên những cơ sở sản xuất cá khô có quy mô lớn, cung ứng hàng chục loại khô cho thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Làng nghề cá khô Vàm Láng được hình thành trên cơ sở như thế.

Tuy làm ra nhiều loại khô nhưng thường các cơ sở sản xuất chia ra 2 nhóm là khô cá mặn (ướp muối) và khô cá lạt (không ướp muối). Nghề làm cá khô ở thị trấn Vàm Láng được hình thành đã tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Họ bắt đầu công việc từ sáng sớm đến khi chiều muộn, với mức tiền công tùy thuộc vào sản lượng làm được hằng ngày và còn tùy thuộc vào lượng cá của những chuyến tàu khai thác.

Bên cạnh giải quyết việc làm, Làng nghề cá khô Vàm Láng cũng đối mặt  với tình trạng ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh giải quyết việc làm, Làng nghề cá khô Vàm Láng cũng đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

Làng nghề cá khô Vàm Láng chủ yếu tập trung ở khu phố Chợ 1 và khu phố Chợ 2 của thị trấn Vàm Láng. Thống kê gần đây cho thấy, số hộ tham gia làm nghề cá khô có quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 40% trên tổng số hộ dân trong khu vực làm nghề chế biến thủy, hải sản đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Nghề chế biến cá khô ở đây mỗi năm sử dụng hơn 5.000 tấn cá các loại, cung cấp cho thị trường 1.500 tấn khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá lù đù…

Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Long An…

Chủ một cơ sở sản xuất, cung ứng hải sản, khô, ruốc nổi tiếng ở thị trấn Vàm Láng cho biết, thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, vào những lúc tàu đánh bắt được mùa thì thu nhập có thể tăng hơn vì lượng cá xẻ khô nhiều.

Sản phẩm khô của chị chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, với lượng thành phẩm trung bình mỗi ngày 1 tấn khô cá mối, cá đổng, cá lưỡi trâu…

Thống kê sơ bộ, thị trấn Vàm Láng hiện có khoảng 50 cơ sở sản xuất cá khô các loại. Thông thường vào mùa cận Tết Nguyên đán, giá cá khô có tăng lên do vào thời điểm này nguyên liệu làm khô hiếm dần trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao.

Bên cạnh giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân trong khu vực, Làng nghề cá khô Vàm Láng là một trong những làng nghề bị cảnh báo về ô nhiễm môi trường.

Để đầu tư và phát triển nghề truyền thống này, thị trấn Vàm Láng đã lập Đề án Phát triển làng nghề cá khô. Đề án cũng đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quản lý chất lượng, ô nhiễm môi trường...

2. Để giải bài toán môi trường cho Làng nghề cá khô Vàm Láng, UBND huyện Gò Công Đông đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề chế biến cá khô tại thị trấn Vàm Láng.

Qua kiểm tra, các cơ sở trong làng nghề đều thực hiện đầy đủ thủ tục môi trường theo quy định (8 cơ sở lập Cam kết bảo vệ môi trường, 18 cơ sở lập Đề án bảo vệ môi trường đơn giản).

Trong số 26 cơ sở thuộc làng nghề, hiện nay có 3/26 cơ sở (Công ty Minh Thắng, Công ty Minh Tùng và Công ty Nam Tuyền) đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp cơ sở chế biến đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhưng nước thải sau xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Hiện tại, trong làng nghề còn lại 22/26 cơ sở đầu tư hệ thống xử lý nước thải sơ bộ bằng hầm sinh học yếm khí.

Ngoài ra, UBND huyện Gò Công Đông cũng đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông cũng tăng cường thực hiện các giải pháp xử lý vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn, tránh để phát sinh những “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường; chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư và phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường ở địa phương.

Đồng thời, các ngành địa phương cũng vận động, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động trong các khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường, thực hiện các giải pháp hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc có lộ trình di dời phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển của địa phương.

Riêng các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch và được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.

A.P

.
.
.