Thứ Tư, 27/02/2019, 15:51 (GMT+7)
.

Mùa khô 2019: Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Mặc dù mùa khô năm 2019 mới bước vào cao điểm, nhưng các huyện, thị phía Đông của tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn và giữ nước ngọt. Năm nay, các địa phương đều xây dựng phương án khá tốt, cộng với thời tiết không quá khắc nghiệt nên tình hình hạn, mặn vẫn được kiểm soát.

Các đập giáp biển đã được đóng kín để ngăn mặn, trữ ngọt.
Các đập giáp biển đã được đóng kín để ngăn mặn, trữ ngọt.

NGƯỜI DÂN CHỦ ĐỘNG   

Thời điểm này, mùa khô năm 2019 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm. Chính vì vậy, ông Nguyễn Văn Minh, ở ấp Nam, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông luôn theo dõi thông tin từ báo, đài để cập nhật tình hình hạn, mặn nhằm chủ động đối phó. Gia đình ông Minh trồng 0,8 ha lúa và 0,2 ha dừa. Những năm trước đây, hạn, mặn gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lúa cũng như khả năng đậu trái trên vườn dừa của mình. Năm nay, ngay sau Tết Nguyên đán 2019, ông thuê nhân công cho nạo vét sâu các con mương trong vườn để trữ nước ngọt. Ngoài ra, các cống dẫn vào ruộng lúa cũng được ông dọn sạch để dẫn nước và trữ nước ngọt. Hiện ruộng lúa của ông đã được hơn 60 ngày tuổi đang trong giai đoạn ngậm sữa. “Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn xã nói riêng và khu vực Gò Công nói chung những năm gần đây diễn ra phức tạp. Nước mặn xuất hiện đôi lúc khó đoán trước được. Có năm, nước mặn đã lấn sâu vào nội đồng, làm nhiều diện tích lúa của bà con trong giai đoạn làm đòng, chín bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã có ý thức hơn trong việc cùng với chính quyền có phương án chủ động ứng phó hạn, mặn” - ông Minh cho biết.

Tân Điền là một trong những xã của huyện Gò Công Đông chịu ảnh hưởng trực tiếp của hạn, mặn hằng năm. Chính vì vậy, người dân ở xã Tân Điền đã chủ động hơn trong việc tích trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Bên cạnh đó, xã còn tuyên truyền cho người dân thay đổi tư duy sản xuất, nhất là kịp thời đưa những giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, chịu được hạn, mặn mà vẫn cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, độ mặn cao nhất mùa khô năm 2019 có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 3-2019. Theo đó, độ mặn đo được hiện nay tại bến đò Rạch Vách là 11,0 - 13,0 g/l, tại cống Xuân Hòa là 4,0 g/l - 6,0 g/l, tại TP. Mỹ Tho (vườn hoa Lạc Hồng) là 2,0 g/l - 4,0 g/l, tại Đồng Tâm là 1,0 g/l - 2,0 g/l.

Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, căn cứ trà lúa hiện nay, nếu cống Xuân Hòa lấy nước không ổn định như dự kiến, thì khả năng trên 2.086 ha lúa đông xuân 2018 -2019 ở Vùng dự án ngọt hóa Gò Công có khả năng bị ảnh hưởng của hạn, mặn do việc bổ cấp nguồn nước ngọt vào dự án gặp khó khăn, chủ yếu tại các khu vực có địa hình cao hoặc cuối nguồn và giáp biển. Trong đó, huyện Gò Công Đông có trên 353 ha, TX. Gò Công gần 1.000 ha, huyện Gò Công Tây khoảng 757 ha và huyện Chợ Gạo 20 ha.

Riêng tại huyện Gò Công Tây, nguồn nước trong nội đồng hiện nay khá dồi dào, chất lượng nước tốt. Ông Trần Văn Nhơn, ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, trồng 3,1 công lúa VD20. Đến nay, lúa của ông đang trổ đều và trong giai đoạn cần nước ngọt. Đang bơm nước vào ruộng, ông Nhơn cho biết, khoảng 1 tháng nữa, lúa của khu vực này mới thu hoạch. Để tránh hạn, mặn, người dân nơi đây tranh thủ sạ sớm hơn vài ngày so với lịch thời vụ. Theo dự đoán, giữa tháng 3 này, hạn, mặn mới vào cao điểm. Tuy nhiên, nguồn nước đang có trong nội đồng nhiều, cộng với thời điểm đó lúa cũng đã bớt cần nước nên khả năng ảnh hưởng đến năng suất là không có.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong vụ đông xuân 2018 - 2019, các huyện phía Đông xuống giống khoảng 27.801 ha. Hiện nay, lúa tập trung chủ yếu giai đoạn đứng cái, làm đòng đến trổ. Lúa phát triển tốt, ước năng suất đạt kế hoạch đề ra.

CHỦ ĐỘNG MỌI PHƯƠNG ÁN

Theo nhận định, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra sớm, lấn sâu, kéo dài và cao hơn năm 2018. Chính vì vậy, các địa phương đã xây dựng kế hoạch từ khá sớm để chủ động ứng phó trong nhiều tình huống. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí cho biết: “Đến thời điểm này, mực nước trên nội đồng còn rất dồi dào, chất lượng nước tốt. Tuy vậy, huyện đã xây dựng các phương án để chủ động ứng phó với tình hình hạn, mặn như nạo vét thủy lợi nội đồng nhằm ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo nguồn nước cho sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019 và nước sinh hoạt mùa khô năm 2019. Trong đó, tỉnh và huyện đầu tư 24 công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện Gò Công Đông, phục vụ cho gần 2.500 ha lúa và hoa màu trong mùa khô này. Ngoài ra, nếu hạn, mặn gay gắt, địa phương sẽ cho đắp 51 đập ngăn mặn ở đầu kinh trên địa bàn 8 xã ven đê, bảo vệ diện tích 4.398 ha lúa và hoa màu; sửa chữa và thay mới 2 cống. Bên cạnh đó, nếu có hạn, mặn xảy ra gây tình trạng  thiếu nước ở một số diện tích xa kinh chính khi mực nước ở hệ thống kinh nội đồng cạn kiệt, thì cần phải triển khai 195 điểm bơm chuyền 2 cấp để cứu lúa”.

Huyện Tân Phú Đông chịu ảnh hưởng nhiều do hạn, mặn hằng năm. Vì vậy, việc chủ động ứng phó từ sớm luôn được địa phương quan tâm. Năm nay, kế hoạch phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất trong mùa khô được xây dựng khá chi tiết. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Huỳnh Tiến Huân, huyện có kế hoạch thi công nạo vét 12 công trình kinh, rạch; duy tu, bảo dưỡng, quản lý và vận hành 16 cống. Trong đó, giải pháp cụ thể là tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế tối đa việc xuống giống vụ lúa thu đông và không xuống giống vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 mà chuyển sang trồng các loại cây như: Sả, rau màu, mãng cầu Xiêm.  Huyện tích cực trữ nước ngọt trên ao, hồ, kinh, rạch và trên ruộng; sửa chữa kịp thời những cống không đảm bảo ngăn mặn…

Theo thông tin từ Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn, năm nay, hạn, xâm nhập mặn không sâu và gay gắt bằng năm 2016. Cùng với đó, các công trình phục vụ phòng, chống và ứng phó với hạn, mặn đã được đầu tư hoàn thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để ứng phó với tình trạng xấu nhất có thể xảy ra, tỉnh tăng cường nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kinh nội đồng; khẩn trương trữ nước ngọt, chống rò rỉ mặn, chuẩn bị phương án bơm chuyền; thường xuyên thông báo diễn biến tình hình mặn cho các địa phương để có kế hoạch chủ động ngăn mặn hiệu quả, giúp nhân dân lấy nước phục vụ sản xuất; tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh trục, kinh cấp 1 và kinh cấp 2; thường xuyên tổ chức trục vớt lục bình, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch. Đối với diện tích trên 2.086 ha lúa đông xuân 2018 - 2019 ở Vùng dự án ngọt hóa Gò Công có khả năng bị ảnh hưởng của hạn, mặn, các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách để thực hiện nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3 để trữ nước, bơm chuyền cấp nước cho lúa...

SĨ NGUYÊN

.
.
.