Chủ Nhật, 03/02/2019, 09:13 (GMT+7)
.

Tết của ngư dân

Tết cổ truyền của dân tộc (Tết Nguyên đán) luôn gợi trong lòng mỗi người niềm khát khao được sum vầy, quây quần bên người thân. Với những ngư dân ngày đêm bám biển, niềm khát khao ấy càng lớn hơn.

Thế nhưng, vì mưu sinh, nhiều ngư dân phải đón tết trên biển để kiếm thêm thu nhập. Những người còn lại tranh thủ được về chung vui, đầm ấm với gia đình, vợ con trong những ngày tết.

Những ngày cuối năm, ngư dân tranh thủ phơi cá phục vụ nhu cầu tết.
Những ngày cuối năm, ngư dân tranh thủ phơi cá phục vụ nhu cầu tết.

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại vùng biển Gò Công như: Thị trấn Vàm Láng, xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) để tìm hiểu không khí ăn tết của ngư dân.

Những người mà nắng gió khắc nghiệt nơi biển khơi đã nhuộm đen nước da, làm săn chắc cơ bắp, chỉ nụ cười mộc mạc, chân chất là vẫn thế. Giờ đây, họ lại sum vầy bên gia đình để tận hưởng niềm vui đón năm mới.

Xã Tân Phước cách trung tâm huyện Gò Công Đông gần 20 km. Nơi đây có khoảng 124 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và đánh bắt gần bờ, với gần 1.000 ngư dân ngày đêm bám biển.

Trong chuyến biển cuối cùng của năm 2018, ngư dân vẫn miệt mài ra biển đánh bắt những mẻ cá nặng trĩu để có thêm thu nhập về trang trải cuộc sống gia đình trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Giờ đây, không khí tết đã rộn ràng từng góc nhà, góc bếp của mỗi hộ ngư dân. Nhà nào cũng tranh thủ sơn lại cổng rào, quét dọn xung quanh vườn, sửa lại mấy chậu hoa trước cửa…

Gia đình bà Nguyễn Thị Lựu (ấp 4, xã Tân Phước) có 3 người đi biển. Hiện 2 người con đã về nhà ăn tết, còn chồng bà vẫn bám biển đến những ngày cận tết.

Khi hỏi về không khí chuẩn bị tết của gia đình, bà Lựu tươi cười nói: “Tết của ngư dân cũng như bao người dân khác, cũng thịt kho, dưa cải, dưa hấu, bánh tét và một số loại hải sản mà biển đã ban tặng cho ngư dân”.

Ngư dân xã Tân Phước sắp xếp ngư cụ để chuẩn bị đón tết.
Ngư dân xã Tân Phước sắp xếp ngư cụ để chuẩn bị đón tết.

Rời làng biển của xã Tân Phước, chúng tôi tìm về Cảng cá Vàm Láng (thị trấn Vàm Láng). Nơi đây được xem là khu vực sầm uất bậc nhất về nghề đánh bắt thủy, hải sản của tỉnh.

Vì thế không khí đón tết nơi đây cũng rộn ràng hơn. Giờ đây, những thanh niên đi biển đã khoác lên mình những bộ quần áo tươm tất để ngồi uống cà phê, nhâm nhi ly rượu, uống vài lon bia ở góc quán.

Nhiều ngôi nhà dọc theo tuyến đường dẫn về Cảng cá Vàm Láng được trang hoàng, bày trí đầy sắc xuân.

Anh Nguyễn Văn Tâm (khu phố 2, thị trấn Vàm Láng) vừa đi biển về cách nay 4 ngày cho biết: “Một năm đánh bắt thủy sản trên biển, tôi tích góp được vài chục triệu đồng để lo cho gia đình. Giờ đây, tôi được sum họp bên gia đình cùng đón mùa xuân mới. Qua tết cổ truyền, chúng tôi lại tiếp tục công việc thường ngày là ra biển để vừa đánh bắt thủy, hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

Công việc gấp rút tại một công ty hải sản trên địa bàn thị trấn Vàm Láng vào những ngày cuối năm.
Công việc gấp rút tại một công ty hải sản trên địa bàn thị trấn Vàm Láng vào những ngày cuối năm.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.300 tàu đánh bắt thủy, hải sản, tổng công suất trên 434 ngàn CV; trong đó, 994 phương tiện có công suất máy từ 90 CV trở lên và đủ khả năng đánh bắt tại các ngư trường xa bờ.

Riêng huyện Gò Công Đông hiện có 761 tàu cá, trung bình mỗi tàu từ 7 - 10 lao động; trong đó, nhiều nhất là thị trấn Vàm Láng 401 chiếc, xã Tân Phước 124 chiếc... Các tàu cá được đầu tư thiết bị khá hiện đại, hằng năm mang về đất liền hơn 22.000 tấn hải sản.

Mỗi năm, cứ dịp “đông qua, xuân đến”, ngư dân lại được “ngắt mạch” chuyến biển để nghỉ ngơi. Mùa xuân đến tiếp tục thắp lên hy vọng trong mỗi ngư dân về những mùa đánh bắt bội thu, thời tiết hiền hòa, thuận lợi để mỗi chuyến tàu ra khơi trở về đều chở nặng “quà tết”.

TUỆ NGUYÊN

.
.
.