Thứ Sáu, 08/03/2019, 14:31 (GMT+7)
.

Phụ nữ xã Tân Lập 2: Phát triển mô hình trồng chanh không hạt

Phụ nữ xã Tân Lập 2 mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển  kinh tế gia đình với mô hình trồng chanh không hạt.
Phụ nữ xã Tân Lập 2 mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng chanh không hạt.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và sự nỗ lực của bản thân, nhiều chị em phụ nữ xã Tân Lập 2 (huyện Tân Phước) đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng chanh không hạt, vươn lên khá, giàu.

Vượt qua mọi khó khăn, thử thách ban đầu, gia đình chị Nguyễn Thị Nhanh (ấp Tân Phong) đã chinh phục, buộc vùng đất phèn của huyện Tân Phước nói chung và xã Tân Lâp 2 nói riêng trở nên màu mỡ để cho những liếp khóm phát triển tươi tốt, cho năng suất cao sau mỗi vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, qua quá trình canh tác lâu dài, chị Nhanh nhận thấy cây khóm không còn phát triển tốt so với trước đây. Chính vì thế, chị Nhanh đã nhanh chóng chuyển hết 3,5 ha trồng khóm sang trồng chanh không hạt.

Hiện vườn chanh với hơn 1.000 cây đã gần 2,5 năm tuổi của chị Nhanh đang phát triển xanh tươi, cho trái đạt năng suất và chất lượng cao.

Nhớ lại những ngày tháng vất vả của gia đình, chị Nhanh cho biết, trước đây, gia đình chị rất khó khăn, không có đất sản xuất nên vợ chồng chị phải rời Cai Lậy vào lập nghiệp ở Tân Phước cho đến nay.

Chị đã được Nhà nước hỗ trợ cho canh tác 1,5 ha đất nông trường để trồng khóm. Với bản tính chăm chỉ, cần cù, chị đã tích lũy mua thêm 2 ha đất. Là người ham học hỏi nên chị Nhanh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN huyện Tân Phước cũng như xã Tân Lập 2 tổ chức về khởi nghiệp kinh doanh, sản xuất, trồng trọt. Từ đó, chị quyết định đầu tư trồng cây chanh không hạt để thay thế cho cây khóm đã già cỗi.

Theo chị Nhanh, trồng và chăm sóc cây chanh rất vất vả, phải tưới nước hằng ngày cho cây, nhất là vào mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, sâu bệnh hay ruồi đục trái, nhện đỏ là những tác nhân gây hại đặc trưng trên cây chanh mà chị Nhanh phải thường xuyên lưu ý phòng trị.

Tuy nhiên, cây chanh cho trái quanh năm và năng suất cao nên cho thu nhập ổn định. Hiện chị Nhanh đang thu hoạch vụ chanh đầu tiên. Với mức giá bán 20.000 đồng/kg đang mang lại cho gia đình chị niềm hy vọng sẽ có lợi nhuận cao sau thu hoạch.

Với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên, chị Nhanh đã có cuộc sống gia đình sung túc, với ngôi nhà khang trang và con cái được chăm lo ăn học. Bản thân chị Nhanh còn được Hội LHPN xã Tân Lập 2 biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự thành công.

Còn chị Trần Thị Luyến (ấp Tân Phong) cũng đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình với trồng chanh không hạt. Chị Luyến cho biết: “Khi thấy nhiều người trồng chanh không hạt cho thu nhập cao nên đầu năm 2015, tôi đã tìm đến Hội LHPN xã Tân Lập 2 để được hỗ trợ vay vốn. Khi vay được vốn, tôi bắt tay ngay vào việc chuyển đổi cây trồng từ khóm sang trồng chanh không hạt trên mảnh đất 1 ha của gia đình. Đến nay, vườn chanh của tôi đang cho thu hoạch, với giá bán cao hơn khóm, hy vọng sẽ có được nguồn thu nhập khá”.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập 2 Phan Thị Thủy, hiện nay, phong trào phụ nữ phát triển kinh tế gia đình với mô hình trồng chanh không hạt đang phát triển khá mạnh, với hơn 20 chị em đã chuyển từ trồng lúa, khóm, tràm không hiệu quả sang trồng chanh không hạt, bước đầu cho hiệu quả khá cao.

Để hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự với phong trào trồng chanh không hạt, thời gian qua, Hội LHPN xã đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyệnTân Phước tổ chức tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp. Kết quả, đến nay, toàn xã đã có hàng chục hội viên, phụ nữ vay vốn khởi nghiệp với mô hình trồng chanh không hạt.

“Tuy mô hình phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn xã mới bước đầu triển khai, nhưng nhận thức của chị em về phát triển kinh tế gia đình đã được nâng lên. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như: Giúp tiếp cận các nguồn vốn; hướng dẫn cách lập đề án phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… để chị em nắm vững, làm chủ quy trình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao” - đồng chí Phan Thị Thủy cho biết thêm.

MỸ PHƯƠNG

.
.
.