Thứ Hai, 26/08/2019, 21:27 (GMT+7)
.

Cây si rô "bén rễ" trên đất Tăng Hòa

Trái ngọt là nguồn lợi kinh tế mà cây si rô mang lại cho người trồng. Từ việc trồng cây si rô để tạo cảnh quan như hoa kiểng trong gia đình, đến nay nhiều người dân ở xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông) đã phát triển diện tích trồng cây si rô, hình thành nên mô hình cây trồng mới, góp phần phát triển kinh tế nông hộ.

Ông Vũ chăm sóc cây si rô giống.
Ông Vũ chăm sóc cây si rô giống.

Nhiều nông dân xã Tăng Hòa đã nắm bắt những đặc điểm của cây si rô để đầu tư phát triển cây trồng mới này, chỉ từ 3 - 5 năm là cho hiệu quả. Hiện nay, cây si rô đã “bén rễ” trên đất Tăng Hòa và đang cho trái ngọt. Trong đó, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vũ (ấp Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa) là người tiên phong của xã trong việc trồng cây si rô. Ông Vũ cho biết, cây si rô thì không lạ gì với giới thích chơi hoa kiểng, nhưng với nhiều nông dân thì không phải ai cũng biết.

Ông đã trồng cây si rô từ nhiều năm nay. Đặc biệt là vào khoảng năm 2018, trong một dịp có người quen ở nước ngoài về thăm quê đã ghé qua nhà ông và nhìn thấy sản lượng trái si rô nhiều, biết công dụng của nguồn nguyên liệu trái của cây trồng này nên đã chỉ cách ông nấu nước giải khát, làm mứt, ủ thành rượu vang… từ trái si rô.

“Việc chế biến nước giải khát từ trái si rô cũng rất đơn giản, có thể dùng trái còn non hoặc chín, bỏ cuống cho bớt mủ rồi rửa sạch, để ráo. Sau đó chà nát để lấy nước, lọc bỏ bã, thêm đường rồi đun sôi với lửa nhỏ khoảng từ 20 đến 30 phút là đã có thức uống từ trái si rô. Ngoài ra có thể chẻ nhỏ trái si rô rồi ủ đường để sử dụng nước lên men từ trái si rô thơm ngon…” - Ông Vũ nói.

Theo tài liệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cây si rô có tên khoa học là Carissa carandas , thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Indonesia, Ấn Độ. Si rô thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, dạng bụi, sống lâu năm, chiều cao khoảng 2 - 4 m. Cây có nhiều cành nhánh, thân và cành có gai nhọn. Do thân cây si rô nhỏ nên có thể leo dựa dạng cây hoa giấy. Lá cây si rô màu xanh đậm, hình bầu dục, hơi nhọn ở đầu, bứt lá chảy nhựa trắng. Hoa si rô nhỏ xinh màu trắng, mọc thành chùm, nở quanh năm. Cây si rô rất sai trái. Trái si rô tròn, khi non có màu trắng, chuyển hồng, đỏ rồi chín đen. Trái si rô còn non rất chua, có thể dùng làm
gia vị; khi chín có vị ngọt nên dùng làm nhiều món ăn, thức uống…

Theo ông Vũ, gần đây ông đã đón nhiều khách hàng tìm đến mua các sản phẩm chế biến từ trái si rô hoặc mua cây si rô giống, mua cây si rô lớn đã được chăm tỉa thành bon sai đẹp; đồng thời, trao đổi về mô hình cách trồng cây si rô.

Từ việc trồng cây si rô để làm cảnh cho đẹp, đến nay ông Vũ đã phát triển mô hình trồng cây si rô mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và trồng rau màu trước đây. Hiện tại giống cây si rô ông ươm bán với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/cây nhưng không đủ bán cho khách hàng. Các sản phẩm chế biến từ trái si rô của ông cũng hút hàng, với giá bán khoảng 20.000 đồng/chai (tùy sản phẩm).

Cây si rô đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Vũ mỗi ngày lên đến hàng trăm ngàn đồng, con số quả không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ của nông dân.
Tại ấp Giồng Lãnh 1, nhiều nông dân cũng như cựu chiến binh đã được ông Vũ tặng cây si rô giống để trồng làm kiểng cho đẹp.

Đến nay, khi thấy mô hình kinh tế từ cây si rô của ông Vũ, nhiều người trong xã, ấp cũng đã phát triển nhân rộng mô hình kinh tế từ cây trồng mới lạ này. Riêng ông Vũ hiện cũng đang mở rộng thêm diện tích trồng cây si rô. Theo ông Vũ, diện tích trồng cây si rô mở rộng thì cũng phải đi đôi với việc đầu tư bài bản hơn cho quy trình sản xuất thành phẩm.

Tiếng lành đồn xa nên vườn cây si rô của ông Vũ đã được các nhà nghiên cứu về ngành Công nghệ thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sản xuất nước ép sơ ri trên địa bàn Gò Công… tìm đến để tìm hiểu về nguồn thực phẩm từ trái si rô, mở ra nhiều triển vọng cho ông Vũ cũng như những người trồng cây si rô trên đất Tăng Hòa.

THẢO MAI

.
.
.