Thứ Hai, 05/08/2019, 14:59 (GMT+7)
.

TP. MỸ THO: Quyết tâm khống chế dịch tả heo châu Phi

Bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên đàn heo của TP. Mỹ Tho vào ngày 15-7. Chỉ hơn nửa tháng, bệnh dịch này đã lan ra trên 10 hộ ở 4 xã của thành phố là: Mỹ Phong, Phước Thạnh, Trung An, Đạo Thạnh. Hiện TP. Mỹ Tho đang quyết tâm khống chế dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng làm việc với UBND TP. Mỹ Tho về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng làm việc với UBND TP. Mỹ Tho về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi.

Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, đến ngày 1-8, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra nhiều ổ trên địa bàn thành phố. Hiện thành phố đã tiêu hủy khoảng 300 con heo, với trên 16 tấn, trong đó các ngành chuyên môn phối hợp với các xã tiêu hủy 30 con heo (gần 2 tấn) tại hộ ông Lê Văn Thể, 7 con heo (686 kg) của hộ Nguyễn Thị Đạt (xã Mỹ Phong); 11 con heo (110 kg) của hộ ông Nguyễn Văn Bé Hai, 19 con heo (trên 1 tấn) của hộ Lưu Văn Đáng (xã Phước Thạnh); 42 con heo (trên 1,5 tấn) của hộ Trần Văn Diễm (xã Đạo Thạnh); 12 con heo (trên 1 tấn) của hộ ông Nguyễn Văn Bình (Trung An)…

Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng cho biết, sau khi nhận được tin báo, phòng phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và các xã tiến hành xác minh, lấy mẫu gửi xét nghiệm. Sau khi có kết luận của cơ quan chức năng xác định đàn heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi, cơ quan chuyên môn tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Hướng dẫn bổ sung biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến ngày càng phức tạp (dịch đã xảy ra tại 62/63 tỉnh, thành phố và chưa có dấu hiệu dừng lại), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công văn về việc hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch.

Nội dung hướng dẫn bổ sung như sau: Đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại lớn xảy ra ổ dịch tả heo châu Phi đều tiêu hủy heo chết, heo mắc bệnh và heo có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch. Heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng có heo mắc bệnh thì được giết mổ, tiêu thụ ngay tại địa bàn cấp huyện. Heo khỏe tại hộ nuôi có thể được chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh nuôi với sự giám sát của thú y địa phương.

Riêng ổ dịch có quy mô nuôi trang trại, heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng có heo mắc bệnh được chuyển đến nơi khác nuôi thuộc phạm vi cấp huyện với sự giám sát của thú y địa phương. Còn heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có heo mắc bệnh được giết mổ và tiêu thụ tại địa bàn cấp tỉnh và được nuôi tại địa bàn cấp tỉnh dưới sự giám sát của thú y địa phương.

Đối với tất cả các trường hợp trên, heo phải được lấy mẫu xét nghiệm kết quả âm tính với dịch tả heo châu Phi thì mới đủ điều kiện được giết mổ, tiêu thụ, hoặc đưa đi nơi khác nuôi.

Theo đó, biện pháp tiêu hủy, các biện pháp bảo vệ môi trường đã được áp dụng tại các điểm tiêu hủy và thực hiện theo 3 phương pháp: Chôn được áp dụng tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Phước Thạnh, với 1 con, trọng lượng 110 kg do diện tích đất vườn rộng, cách xa khu dân cư; heo nhiễm bệnh của 2 hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Phong được ngành chức năng thành phố thực hiện đốt, sau đó chôn do có diện tích đất vườn rộng, cách xa khu dân cư; heo nhiễm bệnh được đốt cháy hoàn toàn sau đó lấp đất lại được áp dụng tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Phước Thạnh; heo nhiễm bệnh của 3 hộ chăn nuôi ở xã Trung An và của 2 hộ ở xã Đạo Thạnh được đốt cháy hoàn toàn. “Các điểm chôn lấp, tiêu hủy heo vừa qua đều xa nguồn nước cấp sinh hoạt. Riêng ở xã Mỹ Phong có 1 điểm tiêu hủy heo bệnh cách giếng nước khai thác phục vụ cho mục đích chăn nuôi 30 m” - đồng chí Đinh Ngọc Tùng cho biết.

Trong suốt thời gian qua, các biện pháp khống chế phát tán ô nhiễm, xử lý hậu quả của ô nhiễm môi trường do chôn heo nhiễm bệnh được thực hiện bằng biện pháp cô lập, xử lý môi trường xung quanh khu vực chôn lấp; phun xịt thuốc khử trùng, rải vôi xung quanh chuồng trại nơi chôn, đốt; đào rãnh phong tỏa xung quanh hố chôn, xử lý trên mặt hố chôn bằng cách rải vôi, phun chế phẩm EM; thiết lập hàng rào bảo vệ, cảnh báo đối với hoạt động dân sinh, sản xuất tại các khu vực phụ cận…

Đồng chí Đinh Ngọc Tùng cho biết thêm, trên địa bàn chưa xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do quá trình tiêu hủy heo không đúng cách (do vận chuyển heo không đúng quy định, chôn lấp không hợp vệ sinh và vứt xác heo chết ra môi trường…).

Dịch tả heo châu Phi trên địa bàn còn diễn biến khá phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại, vì thế TP. Mỹ Tho đang rất quyết liệt khống chế bệnh dịch này, tránh lây lan trên diện rộng.

SĨ NGUYÊN

.
.
.