Chủ Nhật, 15/09/2019, 15:42 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh các giải pháp ngăn ngừa trẻ em bị xâm hại

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bạo lực, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn diễn ra ngay tại gia đình, nhà trường và các cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.

Giáo dục giới tính trong trường học là một trong những giải pháp ngăn ngừa trẻ em bị xâm hại.
Giáo dục giới tính trong trường học là một trong những giải pháp ngăn ngừa trẻ em bị xâm hại.

THỰC TRẠNG

Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi như người quen, người lạ, người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè trong và ngoài nhà trường…

Các loại bạo lực, xâm hại trẻ em thường xảy ra bao gồm: Xâm hại tính mạng, sức khỏe; xâm hại tình dục; dụ dỗ, chứa chấp trẻ em phạm pháp; bạo lực về thể chất, tinh thần.

Qua nghiên cứu cho thấy, mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục kể cả những trẻ sống trong gia đình nghèo hay gia đình khá giả.

Điều đáng nói là sau khi bị xâm hại nạn nhân thường không hoặc không dám kể về những gì đã diễn ra với bản thân mình. Đôi khi việc xâm hại diễn ra trong thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm.

Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” (cho quà, bao ăn uống…) nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Theo báo cáo của ngành Công an từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 201 trường hợp trẻ em bị xâm hại (trong đó 196 trẻ em nữ và 5 trẻ em nam).

Số trẻ em bị xâm hại theo từng hình thức được quy định tại Điều 4 và các điều khác của Luật Trẻ em gồm: Bạo lực là 10 trường hợp (bị giết 7 trường hợp, bị đánh gây thương tích là 3 trường hợp); xâm hại tình dục là 181 trường hợp; các hình thức gây tổn hại khác là 10 trường hợp (bị cướp tài sản). Riêng trẻ em bị bóc lột, bị mua bán, bỏ rơi thì chưa phát hiện.

Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với các cơ quan chức năng.

Nhiều vụ việc để kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác thông tin trước công luận.

Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ

Tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng có nhiều nguyên nhân, có thể xuất phát từ chính gia đình hoặc cộng đồng xã hội trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

Phần lớn trẻ em là nạn nhân bị xâm hại đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ, người thân và những người xung quanh nên dễ sa ngã, dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.

Đa số những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều xảy ra ở địa bàn nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực có trình độ dân trí thấp.

Hoàn cảnh gia đình của các em rất khó khăn, cha mẹ phải đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà, chú bác… nuôi dưỡng, chủ quan ít chú ý đến con em mình.

Về bản thân trẻ thì do hạn chế trong nhận thức về các hình thức xâm hại tình dục, sự tò mò khám phá về giới tính, sự thiếu kỹ năng phòng ngừa và tố giác người xâm hại…

Đối với xã hội, tình trạng xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục nói riêng không phải là điều mới mẻ mà có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc và hầu như ai trong số người lớn đều biết nhưng thờ ơ hoặc không quan tâm tới vấn đề này.

Đặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính cũng như giáo dục các em biết cách tự bảo vệ mình còn bị coi nhẹ, chưa chú trọng.

Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây ra vết sẹo trên thân thể, mà còn tạo nên những vết thương lớn về mặt tinh thần cho trẻ.

Hành vi của những đối tượng xâm hại có thể ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ, thậm chí làm các em bị rối loạn tâm thần, rối loạn hành vi.

Bên cạnh đó, do tình dục không an toàn, hậu quả có thể để lại là việc mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền về tình dục, các rối loạn tình dục khi trưởng thành.

Hậu quả của vấn đề này hết sức nghiêm trọng cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

GIẢI PHÁP NGĂN NGỪA

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm góp phần kiềm chế tình trạng xâm hại trẻ em.

Riêng tại Tiền Giang, Ban Chỉ đạo chương trình bảo vệ trẻ em các cấp thường xuyên phối hợp lồng ghép để tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác phòng, ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng xã hội về công tác bảo vệ trẻ em.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 46 trường hợp trẻ em bị xâm hại được áp dụng các biện pháp can thiệp; trong đó đưa về hòa nhập cộng đồng là 30 trường hợp, còn 16 trường hợp đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Tùy theo tính chất, mức độ bị xâm hại của trẻ em mà áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp phù hợp. Chẳng hạn trẻ em bị bỏ rơi sẽ được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nuôi dưỡng theo Nghị định 136 của Chính phủ, nếu ai có nhu cầu nhận con nuôi sẽ được thực hiện giải quyết theo quy định pháp luật.

Đối với trẻ em bị bạo lực, ngược đãi nếu phát hiện sẽ được các ngành, đoàn thể có liên quan can thiệp như trao đổi, tư vấn với gia đình hoặc cách ly trẻ khi cần thiết.

Còn với trẻ em bị xâm hại tình dục nếu phát hiện sẽ được cán bộ lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&LĐ) phối hợp với ngành Công an tiếp nhận thông tin và xử lý theo tinh thần Nghị định 56 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Trường hợp tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tham gia phát hiện, can thiệp kịp thời trẻ em trong các gia đình, cộng đồng có nguy cơ bị ngược đãi, bạo lực, xâm hại tình dục hoặc nguy cơ phải đi lang thang kiếm sống, phải lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm và lao động xa gia đình.

Qua đó, tạo điều kiện để hỗ trợ vốn, giúp đỡ gia đình có đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn buôn bán nhỏ, chăn nuôi hoặc học nghề tùy theo lứa tuổi thông qua hoạt động mô hình “Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” theo tinh thần Nghị định 136 của Chính phủ...

Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và bị xâm hại không được phát hiện hoặc phát hiện chậm nên can thiệp không kịp thời.

CHÂU HẢO

.
.
.