Thứ Hai, 23/09/2019, 20:19 (GMT+7)
.

Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo bền vững

(ABO) Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững” vào sáng 23-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSHX) và tín dụng CSXH là một trụ cột của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Có thể khẳng định, tín dụng CSXH là điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Để phát huy hiệu quả tín dụng CSXH, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng CSHX.

Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng CSXH.

Song song đó, cần tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện tốt hơn nữa, có hiệu quả tín dụng CSXH từ nay đến năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hành CSXH tiếp thu ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, hộ gia đình để hoàn thiện các chương trình tín dụng CSXH…

Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng CSXH đã phát huy hiệu quả tích cực trên phạm vi toàn quốc.

Chỉ thị 40 đã tác động tích cực đối với hoạt động tín dụng CSXH, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Nguồn vốn ủy thác địa phương đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến hết tháng 8-2019 đạt hơn 14.500 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng (tương đương 43,59%) so với thời điểm cuối tháng 12-2015.

Ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ và cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng đạt hơn 35.000 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng nguồn vốn…

Đến hết tháng 8-2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 57.000 tỷ đồng (tương đương 40,2%) so với cuối tháng 12-2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Vốn tín dụng CSXH được đầu tư cho phát triển sản xuất, sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tập trung vào 9 chương trình tín dụng lớn, chiếm gần 98% tổng dư nợ.

M. THÀNH

.
.
.