Thứ Hai, 30/09/2019, 11:38 (GMT+7)
.
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VIỆT THÀNH:

Một đời nặng nợ ân tình

Gần 60 năm công tác, chiến đấu, Trung tướng Nguyễn Việt Thành, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang tự hào với những gì mình đã sống, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho ngành Công an.

55 tuổi Đảng, chưa một ngày ngơi nghỉ, ông vẫn thường bảo rằng mình chưa trả hết món nợ ân tình, đó là sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân trong những ngày khói lửa đạn bom trong chiến tranh; là tinh thần sẻ chia của anh em đồng đội những lúc nguy nan…

Trung tướng Nguyễn Việt Thành thắp nhang mộ các liệt sĩ.
Trung tướng Nguyễn Việt Thành thắp nhang mộ các liệt sĩ.

Chừng nào còn sống, ông sẽ vẫn còn làm việc, dù là những công việc nhỏ nhất để trả nợ - những món nợ ân tình. Ông không nghĩ rằng mình đã từng ở vị trí công tác nào, hay nghĩ đến một “chức phận” gì khi kết thúc đời binh nghiệp, mà sẽ luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng quê hương.

HẾT LÒNG VỚI CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Về với quê hương xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo), trong 10 năm qua (2009 - 2019), ông vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp nền, xây mộ và xây dựng nhà quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Bình. Hằng năm, ông đứng ra lo liệu chu đáo lễ giỗ liệt sĩ. Kể từ đó, người dân xã Thanh Bình đã trở nên thân quen với hình ảnh một vị tướng bình dị thường xuyên đến Nghĩa trang Liệt sĩ của xã. Những buổi thể dục sáng của ông bắt đầu bằng việc chăm tưới hoa kiểng tại nghĩa trang.

Công việc này kết thúc khi sương mai vẫn còn lung linh trên cành lá và tiếng chim ríu ran gọi bạn trên những vòm cây. Để mỗi chiều vàng, hoàng hôn nghiêng lấp lánh trên tượng đài Tổ quốc ghi công, những người mẹ đến thăm con tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Bình trào dâng cảm xúc vui mừng, ấm áp khi ngắm những đứa con xa nằm ngay ngắn, tinh tươm bên những luống hoa tỏa ngát hương…

Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thanh Bình là nơi yên nghỉ của gần 200 liệt sĩ, trong đó quá nửa còn chưa rõ họ tên, quê quán, được xây dựng từ năm 1975, với những nấm mộ đất đơn sơ, giờ được Trung tướng Nguyễn Việt Thành chăm sóc, nâng cấp khang trang.

Nghĩa tình ấy thấm đẫm một niềm tin: Trong số 320 liệt sĩ là con em của xã Thanh Bình, có quá nửa chiến đấu ở các chiến trường trên khắp mọi miền Tổ quốc, giờ đây đang yên nghỉ ở một nơi được sự quan tâm chăm sóc bởi tấm lòng và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Bình, đặc biệt là tấm lòng của Trung tướng Nguyễn Việt Thành.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành cho biết, ông hết lòng với công tác Đền ơn đáp nghĩa vì từng cùng đồng đội sống chết có nhau, vì ông là người may mắn trở về sau chiến tranh, trong khi nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại ở các chiến trường.

MƯUTRÍ, SÁNGTẠO TRONG CHIẾN ĐẤU

Trong chiến tranh, nhiều người biết đến Đại đội trưởng Đại đội An ninh bảo vệ Tỉnh ủy Mỹ Tho Nguyễn Việt Thành với sáng kiến bắn lựu đạn bằng giàn thun tiêu diệt đồn địch. Sáng kiến cài lựu đạn liên hoàn đã bẻ gãy hàng chục cuộc càn quét của địch. Có trận, địch điều tới 4.000 quân bao vây căn cứ Tỉnh ủy, ông lên phương án, chỉ huy chiến đấu.

Trận đánh kéo dài suốt 22 ngày đêm, cả hai bên đều bị không ít thương vong, ông cũng bị thương, nhưng cơ quan Tỉnh ủy thì thoát khỏi vòng vây an toàn. Có lần, bị địch bắn vào bụng, ông đã dùng khăn rằn cột chặt vết thương, bám địa hình chiến đấu, sau đó bò về trạm xá. Khi vết thương chưa kịp kéo da non, ông lại vác súng đánh giặc. Cho đến ngày giải phóng, ông may mắn trở về với những vết thương trên người.

Hòa bình, ông vào cuộc chiến mới, trải qua nhiều nhiệm vụ, được Tỉnh ủy tin cậy giao trách nhiệm lãnh đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân tỉnh nhà. Khi là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, ông đã chăm lo xây dựng lực lượng nền nếp, kỷ cương, nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ. Ông đã chỉ đạo triệt phá thành công hàng chục chuyên án lớn.

Điển hình là vụ bắt cóc, thủ tiêu ông Lý Văn Nhựt, chủ hãng xe Thuận Thành; triệt phá chuyên án cướp xe đông lạnh; bắt đối tượng giết người, cướp tài sản Nguyễn Tấn Phát trốn sang Campuchia; triệt xóa băng cướp Nguyễn Hữu Phước… đưa hàng chục tên tội phạm ra trước vành móng ngựa, giữ vững an ninh trật tự địa phương.

Thiếu tướng Nguyễn Văn On, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đã dành những tình cảm hết sức trân trọng khi nói về người anh, người bạn chiến đấu, người lãnh đạo tiền nhiệm: Ông Tư Bốn, tên thường gọi của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, là một đảng viên trung kiên. Với tinh thần quả cảm, kể cả trong chiến tranh và thời bình ông luôn quyết đoán, thẳng thắn, chân tình trong đấu tranh tự phê bình và phê bình. Vì vậy, hiệu quả công tác, chiến đấu, xây dựng lực lượng rất cao. Tinh thần đó luôn thấm nhuần, lan tỏa trong các thế hệ. 9 năm liền (1994 - 2002), Công an tỉnh Tiền Giang được Chính phủ tặng Cờ luân lưu.

Khi là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban chuyên án và đã cùng với Ban chuyên án lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng triệt phá tổ chức xã hội đen do Trương Văn Cam cầm đầu, đưa 155 tên tội phạm ra xử lý nghiêm trước pháp luật...

Gần cả một đời xông pha chiến đấu, đến khi được về hưu, ông lại chẳng một ngày ngơi nghỉ. Ông đi tìm mộ liệt sĩ, tham gia phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), đóng góp xây dựng xã nông thôn mới…

Mới đây, trong buổi lễ trao quyết định tặng nhà đại đoàn kết cho 12 hộ dân khó khăn trên địa bàn xã, Trung tá Ngô Thanh Phong, Trưởng Công an xã Thanh Bình phấn khởi cho biết: Nhờ uy tín và tiếng nói của Trung tướng Nguyễn Việt Thành mà phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của xã đã được xã hội hóa; đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Cụ thể như, mô hình Ánh sáng gần 400 triệu đồng để kéo điện, lắp bóng đèn thắp sáng trên các tuyến đường toàn xã, 11 cổng rào ANTT hơn 37 triệu đồng… đều nhờ có Trung tướng đi đầu trong đóng góp và vận động.

Riêng trong công tác phòng, chống tội phạm, không có tuần nào là Trung tướng không gọi điện, hoặc trực tiếp gặp gỡ, nhắc nhở, động viên Công an xã. Ông không chỉ quan tâm việc lớn, những việc nhỏ, chi tiết cũng được ông nhắc nhở chu đáo. Đặc biệt, ông chưa bao giờ vắng mặt trong các cuộc sinh hoạt chi bộ và thường đưa ra những ý kiến xác đáng để xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong chi bộ.

Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh) Phạm Chánh Dưỡng vừa hỗ trợ 600 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết tặng 12 hộ dân ở huyện Chợ Gạo, đã xúc động chia sẻ: “Tôi biết Trung tướng Nguyễn Việt Thành đã lâu. Quý trọng Trung tướng là người quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng và tấn công tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, nhưng đến khi Trung tướng về hưu thì 2 người mới gặp nhau. Từ tình cảm quý trọng Tướng Thành, tôi muốn chung tay đóng góp xây dựng quê hương Thanh Bình nơi Trung tướng về sinh sống sau khi nghỉ hưu...”.

Nói về Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Việt Thành, đã có rất nhiều bài báo ca ngợi. Kể về Trung tướng, đã có không ít những câu chuyện dài kỳ. Nhưng phản ánh sâu đậm nhất về món nợ trả hoài không xong thì chỉ có chính Trung tướng mới là người kể nhiều nhất. Ông luôn kể rằng, ông vẫn còn mắc nợ nhiều lắm. Vì nặng món nợ ân tình ấy mà ông chưa hề ngơi nghỉ.

Vì nặng nợ ân tình, vì nặng trách nhiệm với thế hệ mai sau nên ông lại tiếp tục đắm mình trong bộn bề vất vả, thầm lặng góp công vào quá trình xây dựng quê hương.

Ông là một tấm gương sáng cho sự cống hiến, nêu gương, là biểu tượng của lòng trung thành tuyệt đối, là người đảng viên đã, đang và sẽ truyền ngọn lửa của niềm tin và lòng nhiệt tình cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

THANH DUY

.
.
.