Thứ Tư, 23/10/2019, 10:38 (GMT+7)
.
"Sống chung" với biến đổi khí hậu:

Bài 2: Mong manh đê biển

Rừng phòng hộ đê biển Gò Công dần biến mất.
Rừng phòng hộ đê biển Gò Công dần biến mất.

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển Gò Công dần biến mất, nhiều đoạn đê biển đang bị sóng biển “khoét” dần và đang mỏng manh hơn bao giờ hết.

RỪNG PHÒNG HỘ “CẠN” DẦN

Trở lại biển Gò Công đoạn qua xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), trước mắt chúng tôi là tuyến đê biển được xây dựng bằng kè bê tông chạy dài, không còn gì là dấu tích của rừng phòng hộ. Theo người dân khu vực này, những năm trước, nơi đây vẫn còn sót lại các mảng rừng, nhưng giờ đã bị sóng biển đánh tan tác.

Anh Nguyễn Thành Trung (38 tuổi, ấp Rạch Bùn, xã Tân Điền) cho biết, từ năm 1990 đến nay, rừng phòng hộ dọc đê biển Gò Công dần biến mất theo từng năm. Từ khoảng năm 2007 đến nay, tốc độ mất rừng diễn ra ngày càng nhanh.

Anh Trung cho biết, trước đây đê biển từ khu vực xã Tân Điền đến xã Tân Thành là một cánh rừng phòng hộ bạt ngàn. Từ đê ra tới biển, rừng dày khoảng 200 m, muốn đi ra biển phải men theo các con rạch để không bị lạc. Tuy nhiên, giờ đây cánh rừng bạt ngàn ấy chỉ còn trong ký ức của nhiều người.

Đẩy mạnh gây bồi, tạo bãi

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, để chủ động trong công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, UBND tỉnh Tiền Giang vừa có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tỉnh Tiền Giang 138 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 để đầu tư xây dựng Dự án thí điểm chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công thuộc khu vực Biển Đông.

Mục tiêu đầu tư là giảm sóng, chống xói lở, gây bồi, tạo bãi nhằm bảo vệ và phát triển đai rừng phòng hộ, hướng tới phục hồi 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển Gò Công, đảm bảo an toàn cho tuyến đê biển Gò Công dưới tác động của sóng, nước dâng và gió bão (cấp 10). Quy mô dự án là xây dựng kè chống xói lở bờ biển xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) dài 4.600 m (đoạn từ cống Tân Thành đến cống Rạch Gốc).

Giải pháp kỹ thuật là sử dụng kết cấu cọc bê tông cốt thép làm khung, bên trong thả đá hộc (mô hình đã triển khai thành công tại khu vực biển ở tỉnh Cà Mau và tỉnh Kiên Giang). Ngoài ra, đối với phần sạt lở đê biển còn lại, đề nghị hỗ trợ tỉnh Tiền Giang về thủ tục, cơ chế kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện xã hội hóa để đầu tư khép kín tuyến đê biển Gò Công.

Tuyến đê biển thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) cũng là điểm nóng của tình trạng sạt lở bờ biển. Ghi nhận tại “điểm nóng” về sạt lở ở ấp Cầu Muống (xã Tân Thành), trước đây khu dân cư này với khoảng 40 hộ dân sinh sống và canh tác hoa màu.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng làm mất nhiều diện tích đất sản xuất của người dân, nhà cửa bị sóng đánh sập nên người dân phải di dời đi. Dù mới chỉ là đầu mùa gió chướng, nhưng sóng đã đánh rất mạnh vào khu vực này, nhiều ngôi nhà đóng cửa im lìm, căng mình chống chọi với sóng biển.

Đan xen với những ngôi nhà có người sinh sống là những ngôi nhà trống huơ, trống hoác hoặc tốc mái, sụp sàn. Đó là vết tích của tình trạng sạt lở để lại. Ít ai ngờ rằng, trước đây nơi này từng là khu dân cư sung túc, xung quanh được phủ một màu xanh của hoa trái. Giờ đây, mọi thứ gần như bị nước biển nhấn chìm.

Đề cập về những diễn biến vừa qua, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Nguyễn Quốc Minh cho biết, xã có khoảng 9 km bờ biển, nằm trên địa bàn 4 ấp (Đèn Đỏ, Cầu Muống, Cây Bàng, Tân Phú) đều bị sạt lở. Trước đây, diện tích đất trồng rừng ở xã khoảng 62 ha nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 25 ha. Trong các điểm sạt lở, có 2 điểm xảy ra nghiêm trọng nhất là khu dân cư Tân Phú và Cầu Muống. Trước kia, tại khu dân cư Cầu Muống có khoảng 40 hộ sinh sống, nhưng giờ chỉ còn 13 hộ. Ước tính, diện tích đất trồng trọt bị sạt lở tại khu dân cư Cầu Muống khoảng 300 - 400 m tính từ biển vào.

Không riêng gì khu vực đê biển Gò Công bị sạt lở nghiêm trọng, khu vực Cồn Ngang (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) cũng đang bị sóng biển tàn phá nặng nề. Chỉ tay về phía ngoài khơi, Đại tá Trần Văn Le, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nói, trước đây từ tòa nhà làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cồn Ngang, rừng kéo dài ra hướng biển tới vài trăm mét. Hiện diện tích rừng phòng hộ đó đã bị sóng biển đánh sập để lại tòa nhà làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Cồn Ngang nằm trơ trọi. Nếu không có công trình kè mềm, chắc có thể tòa nhà này không thể chống chọi được trước sóng biển.

3.000 tỷ đồng chống sạt lở

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và phức tạp đe dọa đến sự phát triển của đất nước. Trong 10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư đặc biệt đến phát triển ĐBSCL, nhất là bố trí nguồn lực để xử lý các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển. Tuy nhiên, tình hình sạt lở trên diện rộng, gây thiệt hại lớn khiến nhiều tỉnh gặp khó khăn, khiến chính quyền và nhân dân lo lắng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài xử lý sạt lở bờ biển vùng ĐBSCL. Về vấn đề kinh phí, Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông, với số vốn hơn 3.000 tỷ đồng trong 2 năm (2019 và 2020) để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong hỗ trợ ĐBSCL. Hiện nay, đa phần các địa phương chưa giải ngân hết các khoản vốn được giao.

MONG MANH ĐÊ BIỂN

Thực tế cho thấy, rừng phòng hộ dần biến mất khiến cho đê biển trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chưa kể, những năm gần đây, tình trạng nước biển dâng cũng đang đe dọa đến hệ thống đê biển ở tỉnh. Ông Nguyễn Văn Trứ (72 tuổi, ấp Hộ, xã Tân Điền) sống cặp đê biển Gò Công từ năm 1975 đến nay.

Theo quan sát và kinh nghiệm của ông, những năm gần đây, mực nước biển ngày càng cao hơn. Dù mới chỉ là đầu mùa gió chướng, nhưng sóng đã muốn tràn bờ đê, điều này chưa từng xảy ra trước đây.

Theo số liệu đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), toàn tỉnh có hơn 21 km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng. Giai đoạn 1990 - 2018, diện tích sạt lở trên 700 ha, tốc độ sạt lở khoảng 15 - 17 m/năm.

Chiều rộng sạt lở giai đoạn này bình quân khoảng 420 m. Các nguyên nhân gây sạt lở là do dòng chảy sông và thủy triều ra vào cửa sông Soài Rạp; sóng biển trong thời gian gió mùa Đông Bắc với các hướng sóng chính vùng ven bờ là Đông và Đông Nam.

Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở bờ biển còn do lượng phù sa bồi đắp các bãi biển suy kiệt dần làm cây rừng ngập mặn dần suy thoái, kết hợp với tác động mạnh mẽ của sóng biển làm cho diện tích rừng phòng hộ của tỉnh bị xâm thực nhanh chóng và bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là tại huyện Gò Công Đông.

Cũng theo Sở NN-PTNT, về lâu dài, giải pháp gây bồi và khôi phục rừng ngập mặn cũng phải là mục tiêu hàng đầu để bảo vệ an toàn đê biển Gò Công trước tác động của biến đổi khí hậu. Do sạt lở đang xảy ra mạnh mẽ trên hầu hết chiều dài bờ biển Gò Công nên để có thể trồng rừng cũng như để duy trì sự tồn tại và phát triển rừng ngập mặn, giải pháp công trình giảm sóng gây bồi, ổn định bờ biển là bắt buộc…

Trong chuyến làm việc tại Tiền Giang và khảo sát tình hình sạt lở đê biển, bờ sông trên địa bàn Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc hình thành đai rừng mới có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo bền vững cho các công trình kè chống sạt lở đã xử lý.

Chính từ yếu tố này, đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với Bộ NN-PTNT cùng các tỉnh, thành nghiên cứu ngay đề tài khoa học để gây bồi, tạo bãi đối với các cây chịu mặn phù hợp. Đồng thời, các bộ, ngành cần phối hợp để rà soát lại bờ biển của 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để lập dự án trồng rừng, hộ đê chống sạt lở.

Triều cường trở thành vấn nạn

Bên cạnh tình hình sạt lở, triều cường dâng cao bất thường cũng đang là vấn nạn mà khu vực ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng đang gặp phải. Năm 2018 là đợt triều cường “lịch sử” đối với các tỉnh miền Tây khi một loạt đô thị chìm trong biển nước. Chưa kể, triều cường dâng cao còn làm tràn các tuyến đê bao gây ngập các vườn cây ăn trái, nhà cửa của người dân. Mới đây, đợt triều cường vào đầu tháng 10 cũng làm nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập, trong đó có TP. Mỹ Tho. Đường sá, nhà cửa, vườn cây ăn trái bị triều cường gây ngập, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Hiện tượng triều cường dâng cao bất thường đang dần trở thành mối nguy hiện hữu đối với người dân.

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH
(Còn tiếp)

.
.
.