Thứ Sáu, 10/01/2020, 23:03 (GMT+7)
.

Nguồn nước dồi dào, đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt

Cán bộ vận hành cống Xuân Hòa đo độ mặn trước khi  lấy nước vào Dự án Ngọt hóa Gò Công.
Cán bộ vận hành cống Xuân Hòa đo độ mặn trước khi lấy nước vào Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Với sự quyết tâm và quyết liệt trong công tác chủ động ứng phó, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp trong việc ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.

Những ngày này, mực nước trong nội đồng ở vùng Ngọt hóa Gò Công như: Huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông vẫn khá dồi dào, chất lượng nước tốt, đảm bảo nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

NƯỚC KINH KHÁ DỒI DÀO

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định về việc công bố tình huống thiên tai
xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định, cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn thuộc cấp độ 1. Vì vậy, các hoạt động, biện pháp công trình để thực hiện ứng phó trong thời gian diễn ra thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được thực hiện theo tình huống
khẩn cấp.
 

Ông Nguyễn Văn Mai (ấp Thạnh Lạc Đông, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) trồng 3 công lúa được hơn 25 ngày tuổi. Ông Mai cho biết, chưa bao giờ cuối năm mà mặn đã xuất hiện và xâm nhập sâu vào đất liền như năm nay khiến cho gia đình ông rất lo lắng. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và đưa ra nhiều giải pháp ứng phó của Nhà nước nên nguồn nước nơi đây vẫn khá nhiều, chất lượng nước tốt. “Hiện chúng tôi vẫn sử dụng nước dưới kinh để bơm vào ruộng lúa, tưới tiêu cho hoa màu. Với mực nước khá nhiều trong kinh, chúng tôi có thể yên tâm ăn tết” - ông Mai bày tỏ.

Còn tại huyện Gò Công Đông, nơi cuối nguồn của vùng Ngọt hóa Gò Công, nước trong các tuyến kinh vẫn còn nhiều. Người dân vẫn lấy nước dưới kinh sử dụng cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Điều đặc biệt, các tuyến kinh trục chính nơi đây đa số đều thông thoáng, không còn lục bình dày đặc như trước đây. Chính điều này đã giúp cho lượng nước cung cấp từ đầu nguồn về đây nhanh hơn, nhiều hơn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ấp Trung, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) trồng 2 công khổ qua bán vào dịp Tết Nguyên đán 2020 cho biết, nghe thông báo hạn, mặn, gia đình bà cũng thấy lo. Nhưng thực tế, nguồn nước vẫn dồi dào, chất lượng tốt và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Nơi đây, người dân thường xuyên vớt rác thải, trục vớt lục bình để khơi thông dòng chảy và tránh ô nhiễm môi trường. Từ đó, chất lượng nước dưới kinh tốt hơn và người dân biết sử dụng nước tiết kiệm hơn. Đến  nay, nước không chỉ đáp ứng nhu cầu trồng trọt, mà còn sử dụng được cho hoạt động sinh hoạt hằng ngày.

Mới đây, UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh xây dựng cống trên đầu kinh Nguyễn Tấn Thành (giáp sông Tiền) để ngăn mặn xâm nhập vào vùng Dự án Bảo Định và vùng kiểm soát lũ của tỉnh, kinh phí dự kiến khoảng 300 tỷ đồng; xem xét đưa vào danh mục công trình ưu tiên đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025), với 3 dự án: Hoàn thiện hệ thống thủy lợi Gò Công, kinh phí 400 tỷ đồng; hoàn thiện hệ thống thủy lợi Bảo Định (thuộc 2 tỉnh Long An và Tiền Giang), kinh phí 600 tỷ; hoàn thiện hệ thống thủy lợi bảo vệ vườn chuyên canh cây ăn trái, kinh phí 1.500 tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn, đến ngày 7-1, độ mặn trên sông Tiền bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ do sắp bước vào kỳ triều cường. Ngày 6 và sáng 7-1, độ mặn đo được tại cống Vàm Giồng (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây), cách cửa sông khoảng 25 km là 4,5 g/l, thấp hơn 3,5 g/l so với cùng kỳ năm 2016 và thấp hơn 1,6 g/l so với cùng kỳ năm 2019. Tại bến đò Hòa Định (xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo), cách cửa sông khoảng 34 km, độ mặn cao nhất đo được 4,1 g/l, thấp hơn 0,6 g/l so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn 2,1g/l so với cùng kỳ năm 2019. Tại Vàm Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), độ mặn cao nhất đo được 0,32 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 - 2019 là 0,32 g/l...

Ngoài ra, lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng cho biết, với việc lấy nước liên tục trong thời gian qua ở cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) cho vùng Ngọt hóa Gò Công, mực nước nội đồng khu vực này còn khá nhiều. Mực nước trên kinh trục chính dao động từ 0,33 - 0,44 m.

NHIỀU BIỆN PHÁP ỨNG PHÓ

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã thi công lắp đặt đường điện 3 pha để phục vụ bơm chống hạn tại trạm bơm Bình Phan, cống Sơn Quy, đầu kinh Trần Văn Dõng và đầu kinh Champeaux (gần Cầu Cháy).

Ngành Nông nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng cho lắp đặt máy bơm tại trạm bơm Bình Phan, thuyền bơm tại công trình trạm bơm cống Xuân Hòa và Sơn Quy; riêng trạm bơm Bình Phan đã nạo vét bể hút, sửa 6 máy bơm, vận hành chạy thử từ ngày 2 đến 6-1 và đã sẵn sàng bơm chống hạn; công trình trạm bơm cống Xuân Hòa đã lắp đặt xong 10 thuyền bơm và đã nghiệm thu chạy thử ngày 30-12-2019. Hiện nay, cơ quan chức năng cũng đang lắp đặt 12 thuyền bơm tại cống Sơn Quy và vận hành lấy nước ngọt bổ sung cho vùng Ngọt hóa Gò Công trong thời gian tới.

Bên cạnh việc vận hành lấy nước vào các tuyến kinh nội đồng, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành chức năng khẩn trương thi công 8 giếng khoan bổ cấp nguồn nước cho khu vực Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức. Hiện nay, các giếng khoan này đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Trong đợt kiểm tra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho biết, trong trường hợp mặn gay gắt và Nhà máy nước Đồng Tâm, Bình Đức không còn lấy được nước ngọt, ngành chức năng sẽ vận hành 8 giếng khoan này bổ cấp cho 2 nhà máy nước trên tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Khi các nhà máy này lấy nước trở lại bình thường thì các giếng khoan trên sẽ ngưng hỗ trợ và đóng lại. Khi trường hợp khẩn cấp, các giếng khoan này tiếp tục xúc rửa và vận hành hỗ trợ.

Ngoài ra, ngành chuyên môn đang tiến hành các bước để đắp đập thép phía Tây Tiền Giang trên tuyến kinh 1, kinh 2, kinh 3 (phía bờ Đông kinh Nguyễn Tấn Thành); kinh Cầu Đập, Cầu Bần, Cầu Ván, Cầu Dừa (phía bờ Tây kinh Nguyễn Tấn Thành)...

Có thể nói, trong các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hạn, mặn những năm qua và trong năm nay, tỉnh Tiền Giang được đánh giá có những giải pháp phòng, chống hạn, mặn khá hiệu quả. Điều này được các bộ, ngành Trung ương chỉ ra tại một cuộc họp về phòng, chống hạn, mặn tại tỉnh Bến Tre.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn, đồng thời đưa ra giải pháp trong mùa khô 2019 - 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Tiền Giang tập trung nạo vét các tuyến kinh cấp 2, cấp 3; đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm trữ nước vào hệ thống kinh, rạch nội đồng; tranh thủ vận hành lấy nước qua cống ở trạm bơm Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khi độ mặn cho phép. Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cho người dân không thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm nay…

SĨ NGUYÊN

.
.
.