Thứ Sáu, 07/02/2020, 15:19 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động phòng, chống hạn, mặn

Bên cạnh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCov) gây ra, Tiền Giang cũng đang tập trung cho công tác phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến đầu tháng 2, độ mặn tại các điểm đo trên địa bàn tỉnh chênh lệch không đáng kể so với cùng thời điểm năm 2016, có điểm độ mặn giảm, có điểm tăng.

Riêng độ mặn tại cống Xuân Hòa (cống chủ lực của vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, cách cửa sông 42 km) từ đầu năm đến đầu tháng 2 dưới 2 g/l nên cống vận hành lấy gạn.

Cống Xuân Hòa được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại. Việc vận hành cống này có vai trò rất lớn trong việc ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công.
Cống Xuân Hòa được đầu tư hoàn chỉnh, hiện đại. Việc vận hành cống này có vai trò rất lớn trong việc ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Ngọt hóa Gò Công.

CHỦ ĐỘNG TRỮ NƯỚC

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, sau đợt triều giảm kéo theo độ mặn trên các cửa sông giảm nhẹ, sau đó tăng trở lại đến ngày 9, 10-2 do ảnh hưởng triều cường rằm tháng Giêng, biên mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập đến xã Song Thuận (huyện Châu Thành) cách cửa sông khoảng 60 km.

Tuy nhiên, hiện tình hình sản xuất vẫn bình thường, toàn tỉnh xuống giống 58.058 ha, trong đó vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công xuống giống được 24.497 ha, trà lúa phát triển bình thường. Đến ngày 3-2, các huyện, thị phía Đông đã tổ chức 183 điểm bơm với 531 máy bơm, số giờ bơm là 77.039 giờ (trong đó TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông trên 50.000 giờ bơm).

Sở NN-PTNT cho biết, để bảo vệ sản xuất, các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung nạo vét các tuyến kinh bị bồi lắng, sửa chữa các cống không đảm bảo ngăn mặn, đắp các đập ngăn mặn để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn của địa phương mình.

Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã chuyển 10 thuyền bơm (công suất 1.800 m3/giờ/thuyền) về trạm bơm dã chiến đầu kinh Trần Văn Dõng và đầu kinh Champeaux; đồng thời, nạo vét bể hút, sửa 6 máy bơm (công suất 4.000 m3/giờ/máy) của Trạm bơm Bình Phan...

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Long An đắp 6 đập (đoạn từ cống Bắc Đông đến rạch Bến Kè) và các cống trên Quốc lộ 62, để trong trường hợp mặn 1 g/l xuất hiện tại đập sẽ kịp thời ngăn mặn bảo vệ sản xuất giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Long An...

GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ TỪNG VÙNG

Theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, các giải pháp ứng phó hạn, mặn bảo vệ sản xuất sẽ tiếp tục triển khai theo đặc thù từng vùng.

Cụ thể, vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ tiếp tục vận hành lấy gạn nước ngọt qua cống Xuân Hòa để trữ trên kinh trục chính và vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Bình Phan và 3 trạm bơm điện dã chiến tại cống Sơn Quy, đầu kinh Trần Văn Dõng, đầu kinh Champeaux nhằm hạ thấp mực nước trên kinh trục chính để cống Xuân Hòa vận hành lấy gạn tối đa lượng nước ngọt trữ trong vùng dự án.

Tiền Giang đã trang bị và lắp đặt các máy bơm công suất lớn để đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân vùng Ngọt hóa Gò Công.                                                                                                 Ảnh: NGUYỄN SỰ
Tiền Giang đã trang bị và lắp đặt các máy bơm công suất lớn để đảm bảo nguồn nước ngọt cho người dân vùng Ngọt hóa Gò Công. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Đối với khu vực nằm ngoài phạm vi phục vụ của các trạm bơm trên, các địa phương tiếp tục tổ chức bơm chuyền trữ nước trên các kinh nội đồng theo phương án; đồng thời, tiếp tục vận động nhân dân tích cực bơm trữ tối đa trên ruộng, ao, đầm để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Vùng Dự án Bảo Định, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý sự cố các công trình ngăn mặn của các huyện (nếu có), đắp các đập, đóng các cống dưới Quốc lộ 50 và các cống cặp sông Bảo Định, đóng các cống trên rạch Cái Ngang (TP. Mỹ Tho) và một số cống phía bờ Đông kinh Nguyễn Tấn Thành, trong trường hợp cần thiết sẽ đắp đập thép tại đầu kinh Nguyễn Tấn Thành khi độ mặn trên 1 g/l tại kinh Sáu Ầu - Xoài Hột.

Đối với vùng kiểm soát lũ, ngành chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre để theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền, kịp thời thông tin các địa phương đắp đập ngăn mặn. Song song đó, tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường để ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, đắp các đập tạm để đảm bảo công tác ngăn mặn, trữ ngọt...

Q.A

.
.
.