Thứ Tư, 18/03/2020, 16:17 (GMT+7)
.

Cấp nước miễn phí cho dân là giải pháp tối ưu

Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã và đang đẩy nhanh tiến độ cấp nước ngọt miễn phí cho người dân về tưới cho vườn sầu riêng và các loại cây ăn trái khác. Theo ghi nhận, các cây sầu riêng sau khi có thêm nguồn nước ngọt tưới đã có dấu hiệu hồi phục.

Xung quanh vấn đề cấp nước miễn phí cho người dân, một số ý kiến cá nhân cho rằng cần phải cấp tiền để người dân tự lo cho vườn mình. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa đã thẳng thắn nêu quan điểm của tỉnh: Cấp nước miễn phí cho dân là giải pháp tốt nhất.

Một điểm cấp nước tập trung trên địa bàn TX. Cai Lậy.
Một điểm cấp nước tập trung trên địa bàn TX. Cai Lậy.

NHIỀU VƯỜN SẦU RIÊNG TƯƠI LẠI

Ngày 16-3, chúng tôi theo chân các hộ dân lấy nước ngọt miễn phí từ các điểm cấp nước tập trung do Nhà nước hỗ trợ về tưới cho vườn sầu riêng đang “khát nước”. Vừa vận chuyển nước về đến vườn, ông Nguyễn Văn Minh (ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) tưới ngay cho vườn sầu riêng của mình. Vừa tưới, ông Minh vừa cho biết, gia đình trồng 0,4 ha sầu riêng, thời gian qua nước ngọt khan hiếm, gia đình phải mua nước từ các ghe về “giải khát” cho cây trồng.

Tuy nhiên, nguồn nước không đủ thấm vào cây, trong khi không còn tiền mua nước. Mấy ngày qua, gia đình đến điểm lấy nước tập trung của xã về tưới cho vườn sầu riêng nhà mình. Việc Nhà nước hỗ trợ miễn phí nước cho nhân dân khiến chúng tôi rất phấn khởi. Nếu không có nước ngọt vào thời điểm này, cây sẽ suy kiệt và chết nhanh hơn. Nhờ tưới được 2 - 3 đợt nước vừa qua, cây có dấu hiệu hồi phục trở lại.

* Chiều 16-3, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp cấp nước cho vùng cây ăn trái ở các huyện phía Tây và vùng Dự án Bảo Định.

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ và giải pháp linh hoạt trong việc tiếp nước sản xuất cho người dân vùng cây ăn trái phía Tây của tỉnh. Ngoài ra, các địa phương phải thống kê, khảo sát nhu cầu và giúp người dân trong việc tiếp nhận, vận chuyển nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất…

* Chiều cùng ngày, đồng chí Lê Văn Nghĩa đến kiểm tra các điểm cấp nước miễn phí tập trung cho người dân các xã Thanh Hòa, Nhị Quý và phường 3 (TX. Cai Lậy).

Tại các điểm cấp nước, đồng chí thăm hỏi người dân về tình hình cây ăn trái hiện nay, nguồn nước ngọt mà người dân chủ động được, việc cấp nước ngọt miễn phí của Nhà nước cho người dân, các điểm bố trí cấp nước, phương tiện vận chuyển nước… Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu các xã phải chủ động nơi trữ nước, con người giúp dân lấy nước ngọt một cách nhanh nhất, không để người dân xếp hàng chờ đợi lấy nước quá lâu ở các điểm cấp nước tập trung. Nếu có khó khăn, các địa phương phải báo cáo nhanh cho lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo tăng cường thêm sà lan chở nước ngọt.

Tam Bình là xã có diện tích trồng sầu riêng lớn trên địa bàn huyện Cai Lậy. Trong thời gian hạn, mặn, 20% diện tích vườn sầu riêng cây đã suy kiệt, nhiều vườn có cây chết rải rác. Bà Huỳnh Thị Bé Bảy (ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình) có 0,6 ha sầu riêng được 8 năm tuổi, cho biết vườn sầu riêng của gia đình bà đang bị cháy lá, chết nhánh.

Trong mấy ngày qua, gia đình bà thuê xe đến điểm lấy nước tập trung của Nhà nước vận chuyển về vườn tưới cho cây trồng. “Nhà nước hỗ trợ nước ngọt miễn phí cho nhân dân, chúng tôi rất vui mừng. Bởi thời điểm này, người dân rất cần nhiều nguồn nước ngọt cung cấp cho vườn sầu riêng đã bị suy kiệt vì hạn, mặn kéo dài. Mặc dù gia đình chủ động mua nước tưới nhưng không đảm bảo đủ nước. Được Nhà nước hỗ trợ thêm nước ngọt, chúng tôi tập trung chăm sóc để giảm suy kiệt thêm cho cây và khôi phục lại dần các cây sầu riêng” - bà Bảy chia sẻ. 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tam Bình Đặng Văn Lâm cho biết, trên địa bàn xã có 1 điểm cấp nước tập trung. Đến thời điểm này, xã đã cấp cho người dân 1.300 m3 nước ngọt. Vài ngày tới, xã sẽ triển khai thêm 4 điểm cấp nước tập trung miễn phí để kịp thời cung cấp cho người dân. Qua thời gian triển khai, nhiều vườn sầu riêng đã dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, việc thiếu nước ngọt trong một thời gian dài, nước tưới nhỏ giọt và nắng gắt khiến cây hồi phục chậm, thậm chí có nhiều vườn dù có tưới nước ngọt thì cây cũng khó phục hồi trở lại.

Tính đến chiều 15-3, tỉnh đã triển khai được 15 điểm cấp nước miễn phí cho người dân vùng trồng sầu riêng của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy theo phương án của tỉnh. Các địa phương đã tiếp nhận trên 15.400 m3 và đã phân phối cho người dân trên 11.500 m3 cho trên 2.100 hộ. Trong đó, huyện Châu Thành đã tổ chức được 2 điểm, tổng khối lượng nước tiếp nhận là 4.200 m3 và đã phân phối 3.300 m3 nước cho 950 hộ; huyện Cai Lậy tổ chức được 7 điểm, tổng khối lượng nước tiếp nhận 9.500 m3 và phân phối gần 9.400 m3 nước cho 980 hộ; TX. Cai Lậy tổ chức được 3 điểm, tổng khối lượng nước tiếp nhận trên 1.800 m3 và phân phối gần 900 m3 cho 212 hộ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương triển khai nhiều điểm cấp nước tập trung hơn và dùng nhiều phương tiện để trung chuyển nước vào các vùng xa hơn.

Lực lượng thanh niên hỗ trợ dân bơm nước ở các điểm cấp nước tập trung.	                                                                                                                                                                                                           Ảnh: NGUYỄN SỰ -  VĂN THẢO
Lực lượng thanh niên hỗ trợ dân bơm nước ở các điểm cấp nước tập trung. Ảnh: NGUYỄN SỰ - VĂN THẢO

CẤP NƯỚC NGỌT LÀ HỢP LÝ NHẤT

UBND tỉnh ban hành phương án vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cây sầu riêng và phục vụ sản xuất các loại cây ăn trái khác ở các huyện phía Tây của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy từ ngày 12-3 đến 30-4-2020. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên cứu khẩn cấp 13.044 ha sầu riêng đang cần nước, cây suy kiệt.

Sau khi ngành chức năng và các địa phương triển khai phương án, một số ý kiến băn khoăn: Một số nơi chưa tiếp cận được nguồn nước, một số gia đình không có phương tiện vận chuyển; việc thuê phương tiện vận chuyển nước tại các điểm cấp nước miễn phí giá còn cao. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ tiền để người dân tự mua nước ngọt của tư nhân về tưới cho cây trồng…

Vấn đế này, đồng chí Lê Văn Nghĩa cho biết, trước tình hình hạn, mặn gay gắt và phức tạp, nhiều loại cây ăn trái phía Tây của tỉnh, trong đó có sầu riêng đang thiếu nước ngọt để tưới, UBND tỉnh đã xây dựng phương án cung cấp nước ngọt miễn phí và khẩn cấp cho người dân. Sau khi ban hành phương án, UBND tỉnh đánh giá lại và nhìn nhận công tác triển khai cấp nước miễn phí cho người dân còn chậm. Vì vậy, vấn đề này cần phải rút kinh nghiệm và cần chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh hơn, khẩn cấp hơn. Ngoài ra, sau khi phương án được triển khai và thực hiện, một số ý kiến cho rằng nên cấp tiền, còn nhiều ý kiến khác thì nên cấp nước ngọt. Phải nhìn nhận rằng, khi có tiền mà không có nước thì rất khó khăn cho người dân. Sau khi báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thấy rằng việc cấp nước ngọt cho dân là phương án tốt nhất. Qua khảo sát, nắm tình hình của cán bộ lão thành, cũng như nhân dân, đa số đều rất vui mừng và đồng tình với chủ trương, phương án của UBND tỉnh. Còn việc có ý kiến nên cấp tiền là số rất ít trong nhân dân.

Theo đồng chí Lê Văn Nghĩa, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và các địa phương triển khai nhiều điểm cấp nước tập trung hơn nữa ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đến lấy nước ngọt về tưới tiêu cho vườn cây ăn trái của mình. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh sẽ thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc để người dân được tiếp cận nước ngọt miễn phí một cách nhanh nhất. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ làm việc với các ngành, đoàn thể, kể cả lực lượng Công an, Quân sự trong việc hỗ trợ con người và phương tiện để giúp dân vận chuyển nước ngọt về tưới cho cây trồng ở các vùng xa điểm cấp nước tập trung một cách nhanh nhất nhằm giảm bớt một phần khó khăn của người dân.

Đồng chí Lê Văn Nghĩa cũng nhấn mạnh: Quan điểm của tỉnh là làm sao cứu được khoảng 13.000 ha sầu riêng đang “khát nước”, cây suy kiệt, rụng lá. Sau hơn 3 ngày triển khai việc cấp nước, các địa phương đã cấp cho nhân dân trên 10.000 m3 nước ngọt. Báo cáo từ các địa phương, việc cấp nước đã giúp cho vườn sầu riêng tươi lại. Chúng tôi hy vọng việc cấp nước như vậy sẽ giúp cho cây sầu riêng phục hồi lại.

Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã tăng cường cấp nước ngọt cho dân vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Chính điều này, nhiều diện tích đã cầm cự được trong mùa hạn, mặn gay gắt này. Trong đó, Hợp tác xã Rạch Gầm đã tình nguyện đưa khoảng 20 sà lan loại lớn vào vận chuyển khoảng 1 triệu m3 nước ngọt, với giá chia sẻ để kịp thời cấp nước cho nhân dân. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc thêm với các doanh nghiệp có điều kiện để cung cấp thêm nước ngọt nhằm giảm bớt thêm khó khăn cho người trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.

SĨ NGUYÊN - VĂN THẢO

.
.
.