Thứ Hai, 16/03/2020, 10:26 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Cấp nước miễn phí cho dân cứu sầu riêng

Ông Trương Hoàng Nam lấy nước từ điểm cấp nước miễn phí do Nhà nước hỗ trợ về “giải khát” cây sầu riêng.	                                                                                                                                                  Ảnh: NGUYỄN SỰ
Ông Trương Hoàng Nam lấy nước từ điểm cấp nước miễn phí do Nhà nước hỗ trợ về “giải khát” cây sầu riêng. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Sáng 15-3, từng đoàn xe tải, xe ba gác máy, xe tự chế và xe máy... chở nhiều vật dụng chứa nước vào khu cấp nước ngọt miễn phí tập trung do Nhà nước hỗ trợ thuộc xã Phú Phong (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) lấy nước về giải khát cho vườn sầu riêng. Trên các tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên ấp, xe vận chuyển nước ngọt lưu thông dày đặc.

Tại điểm cấp nước miễn phí tập trung, địa phương đã huy động đoàn viên, xã đội và cả viên chức đến hỗ trợ việc bơm nước cho nhân dân. Lãnh đạo địa phương có mặt thường xuyên tại đây để kiểm soát việc lấy nước của nhân dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian hỗ trợ từ ngày 12-3 đến 30-4-2020. Trước mắt, tỉnh yêu cầu các địa phương giải quyết cho khoảng 13.044 ha sầu riêng đang cần nước, nhu cầu nước tưới khoảng 1,4 triệu m3; trong đó, huyện Cái Bè 1.322 ha, huyện Cai Lậy 9.286 ha, TX. Cai Lậy 2.062 ha, Châu Thành 374 ha.
 

NƯỚC NGỌT ĐÃ VỀ...

Ông Ngô Văn Sơn (ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) trồng 0,5 ha sầu riêng; trong đó, 0,1 ha sầu riêng được 13 năm tuổi, 0,15 ha sầu riêng được 5 năm tuổi và 0,25 ha sầu riêng 1 tuổi. Trong mùa hạn, mặn năm nay, gia đình phải tốn trên 10 triệu đồng để mua nước ngọt về tưới cho cây trồng. Do chi phí quá cao, gia đình phải tưới nhỏ giọt để cây cầm cự qua mùa khô hạn này. Tuy vậy, nhờ chủ động mua nước ngọt về tưới nên vườn sầu riêng của gia đình ông vẫn giữ được xanh lá, một số cây còn cho trái để bán trong thời gian tới. Vừa dùng xe kéo để vận chuyển 20 bình nước (loại 30 lít) được lấy từ điểm lấy nước tập trung về tưới cho cây trồng, ông Sơn phấn khởi: “Nhà nước hỗ trợ nước ngọt cho dân như vậy, chúng tôi rất vui mừng. Nếu Nhà nước không hỗ trợ, nông dân không còn tiền mua nước ngọt từ các ghe, tàu tư nhân thì cây trồng nơi đây sẽ chết dần”.

Gần đó, ông Trương Hoàng Nam trồng 0,25 ha sầu riêng được 5 năm tuổi tiếp lời: “Trong thời gian qua, nông dân rất chủ động trong việc mua nước ngọt về tưới cho vườn sầu riêng. Dù khó khăn nhưng gia đình vẫn phải vay mượn để có tiền mua nước ngọt về cứu sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái. Nhà nước cấp nước miễn phí cho người trồng sầu riêng làm cho chúng tôi rất vui mừng. Nếu có tiền, gia đình sẽ thuê xe chở nước ngọt từ các điểm cấp miễn phí của Nhà nước. Nếu không tiền, chúng tôi dùng xe máy gắn thùng 30 lít đến các điểm lấy nước miễn phí chở về cứu vườn sầu riêng. Nếu không có nước ngọt ở thời điểm này, cây sẽ chết hàng loạt”.

Đoàn viên xã Phú Phong hỗ trợ bơm nước ngọt cho người dân.
Đoàn viên xã Phú Phong hỗ trợ bơm nước ngọt cho người dân.

VÀO CUỘC KHẨN CẤP

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Phú Phong (huyện Châu Thành) Nguyễn Quốc Điền cho biết, 3 ngày qua, từ lãnh đạo UBND xã đến các đoàn thể phải chia nhau túc trực tại điểm cấp nước tập trung để phục vụ người dân. Ngày 13-3, chúng tôi cấp cho người dân được 800 m3; ngày 14-3, người dân đến lấy được 460 m3 nước. Trong ngày 15-3, người dân đến lấy nước về tưới cho cây trồng nhiều hơn.

Sáng 15-3, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm Trần Đỗ Liêm (đơn vị vận chuyển nước ngọt về cung cấp cho người dân trồng sầu riêng các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, sau khi có chủ trương từ UBND tỉnh, Hợp tác xã Rạch Gầm đã huy động nhiều sà lan để vận chuyển nước ngọt cấp cho dân. Tuy nhiên, thời gian quá gấp nên các địa phương chưa chủ động được các điểm lấy nước tập trung. Còn địa phương nào chuẩn bị được điểm lấy nước tập trung thì thủ tục xác minh, cấp giấy cho dân cũng còn chậm. Ngoài ra, người dân cũng chưa chủ động được phương tiện để đến các điểm lấy nước tập trung chở về tưới cho cây trồng. Trong thời gian tới, nếu địa phương và nhân dân chủ động được, hợp tác xã sẽ cung cấp nước đầy đủ và theo nhu cầu của các huyện, các xã trong huyện.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, phương án về việc vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp trên 36.000 ha sầu riêng và các loại cây ăn trái khác ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh, trong đó cung cấp khẩn cấp khoảng 1,37 triệu m3 nước ngọt cho hơn 13.044 ha sầu riêng. Đến 15 giờ ngày 14-3, các địa phương đã nhận được 5.120 m3 nước ngọt; trong đó, huyện Cai Lậy 2.707 m3, huyện Châu Thành 1.900 m3 và TX. Cai Lậy 462 m3. Các địa phương đã cấp 2.463 m3 cho 365 hộ dân; trong đó, huyện Cai Lậy cấp 1.306 m3/241 hộ dân, huyện Châu Thành cấp 1.146 m3/118 hộ dân và TX. Cai Lậy cấp 11 m3/6 hộ dân. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục vận chuyển nước ngọt và cấp miễn phí cho người dân theo phương án đã đề ra.

Tại buổi kiểm tra việc cấp nước ngọt miễn phí cho người trồng sầu riêng ở các huyện, thị phía Tây, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng biểu dương sự đóng góp, nỗ lực của lãnh đạo địa phương và Hợp tác xã Rạch Gầm trong việc hỗ trợ cung cấp nước ngọt cho người dân giải cứu cây sầu riêng. Đồng chí Lê Văn Hưởng cũng đề nghị các địa phương lấy nước liên tục từ các sà lan chở miễn phí và nghiên cứu mở thêm các điểm trữ, cung cấp nước ngọt trên địa bàn phù hợp với thực tế của từng địa phương.

Tiền Giang đã đi đầu trong việc cấp nước ngọt miễn phí cho người dân vùng trồng cây ăn trái. Việc tỉnh Tiền Giang thực hiện cấp nước ngọt cho người dân vùng trồng sầu riêng thời điểm này đã làm mát lòng người dân, mát cây sầu riêng đang trong giai đoạn ”khát” nước.

SĨ NGUYÊN

.
.
.