Thứ Năm, 30/04/2020, 09:26 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới: Cuộc bứt phá ngoạn mục

Dù xuất phát điểm thấp, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM  (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Tiền Giang, cuối năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ có 12 xã đạt chuẩn NTM, xếp vào nhóm thấp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nhưng trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác xây dựng NTM đã được đẩy mạnh, tạo sự bứt phá ngoạn mục. Tính đến hết tháng 2-2020, toàn tỉnh có 97/143 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (tăng thêm 85 xã so với cuối năm 2015). Số tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 16,9 tiêu chí/xã.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình về  kết cấu hạ tầng để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa  các xã sớm về đích NTM.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ các công trình về kết cấu hạ tầng để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đưa các xã sớm về đích NTM.

TĂNG TỐC

Có thể nói, những năm đầu giai đoạn 2016 - 2020, dù công tác xây dựng NTM đã được tỉnh quan tâm và đẩy mạnh nhưng vẫn chưa thể được đẩy nhanh. Cụ thể, việc triển khai các công trình đầu tư kết cấu hạ hầng xã NTM chậm, gặp một số vướng mắc nên ảnh hưởng đến lộ trình ra mắt NTM của các xã.

Để giải quyết “điểm nghẽn” trên, trên cơ sở tờ trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 05 về chi phân bổ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Nghị quyết 29 về việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 05. Nghị quyết này đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phong trào xây dựng NTM ở tỉnh. Đồng thời, khắc phục được tình trạng trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách cấp tỉnh, chậm trễ trong quá trình thực hiện đầu tư các công trình về kết cấu hạ tầng.

Cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của vùng ĐBSCL, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%. Đến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh đã chiếm 67%, cao hơn tỷ lệ bình quân chung của vùng ĐBSCL và bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước; vượt chỉ tiêu của Trung ương và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (chỉ tiêu 50% số xã đạt chuẩn NTM).

Mặt khác, quá trình xây dựng NTM ở tỉnh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm định hướng, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự điều hành quyết liệt, tập trung của UBND tỉnh. Từ đó, công tác xây dựng NTM được tính toán cụ thể và đầu tư đúng hướng.

Tỉnh đã điều tra cụ thể từng tiêu chí và đặt ra lộ trình xã nào đến thời điểm nào phải hoàn thành tiêu chí đó. Việc xác định mục tiêu sớm nhằm lồng ghép vốn đầu tư trung hạn và các nguồn vốn khác để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đạt.

Trên cơ sở đó, những năm trở lại đây, ngay từ đầu năm, nhiều xã đã về đích NTM. Đặc biệt, nhờ sự chủ động nên có những xã dù không nằm trong danh mục phấn đấu ra mắt NTM trong năm nhưng cũng đã về đích NTM sớm hơn 1 năm. Không khí hân hoan, một khí thế mới dần lan tỏa tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Quá trình xây dựng NTM ở tỉnh còn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp,  nâng cao thu nhập cho người dân.
Quá trình xây dựng NTM ở tỉnh còn gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo TP. Mỹ Tho Đinh Ngọc Tùng, đến thời điểm này, thành phố đã về đích NTM trước 1 năm. Chính phủ vừa có quyết định công nhân TP. Mỹ Tho hoàn thành xây dựng NTM năm 2019.

Còn theo Ban Chỉ đạo huyện Gò Công Đông, đến thời điểm này, 11 xã trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn NTM. Địa phương cũng cơ bản hoàn thành 9 tiêu chí để được công nhận huyện NTM. Có thể nói, là huyện ven biển với 3 xã bãi ngang nên việc xây dựng NTM ở Gò Công Đông cũng là một quá trình khá gian nan. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của tỉnh, huyện, đến nay các xã bãi ngang đã lần lượt ra mắt NTM, mức độ đạt cao hơn so với những xã ra mắt trước đó của huyện.

Hay tại huyện Chợ Gạo, quá trình xây dựng NTM còn gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Tại địa phương đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất hiệu quả như: Trồng và tiêu thụ thanh long; chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng màu dưới chân ruộng… qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của huyện đạt khoảng 59,5 triệu đồng/người.

Theo Ban Chỉ đạo tỉnh, hiện UBND tỉnh đang xem xét lựa chọn mỗi đơn vị hành chính cấp huyện 1 xã (trừ huyện Tân Phú Đông do chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM) để hướng dẫn, hỗ trợ phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong giai đoạn 2019 - 2020 (làm điểm để nhân rộng); phấn đấu trong năm 2020 có từ 8 đến 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tiếp theo đó, tỉnh sẽ xem xét đến việc hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã công nhận TP. Mỹ Tho hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019. Đối với TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, huyện Gò Công Đông, huyện Chợ Gạo đã cơ bản hoàn thành, đạt chuẩn NTM theo quy định và đang khẩn trương hoàn thành các nội dung còn lại để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh thẩm tra và trình Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định trong quý II-2020.

HIỆU QUẢ TỪ “Ý ĐẢNG, LÒNG DÂN”

Song song với quá trình bứt phá vượt bậc, điểm sáng trong quá trình xây dựng NTM ở tỉnh Tiền Giang chính là không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Điều này đã được lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao.

Quá trình xây dựng NTM ở tỉnh được đảm bảo thực chất, không chạy theo thành tích mà bỏ qua chất lượng. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay công tác xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn tỉnh. Ngoài việc được Nhà nước tập trung đầu tư nguồn lực, việc người dân tham gia đóng góp tiền của, sức lực không thể không nhắc đến.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Hoàng Nhật Nam, có thể nhận thấy nơi nào cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, gương mẫu, nhất là người đứng đầu thì ở đó phong trào xây dựng NTM tốt hơn, kết quả cao hơn.

Mặt khác, việc phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM là hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng NTM. Chỉ khi nào thực hiện được tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” thì mới có thể củng cố, duy trì cũng như nâng chất những kết quả đã đạt được.

Cũng theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện đạt chuẩn NTM. Đồng thời, phấn đấu có 100% xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có ít nhất 10% xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Có 100% đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM hoặc đạt chuẩn huyện NTM.

MINH THÀNH

.
.
.