Thứ Sáu, 22/05/2020, 08:45 (GMT+7)
.

Tiền Giang chi hỗ trợ cho trên 300 ngàn người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và đặc biệt là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tập trung cao với tinh thần khẩn trương nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống người dân, góp phần ổn định xã hội. Đồng chí Phạm Minh Trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, công tác chi hỗ trợ của tỉnh thời gian qua luôn cố gắng để không bỏ sót đối tượng cũng như không để xảy ra sai sót, tiêu cực.

* Phóng viên (PV): Tiến độ thực hiện công tác chi hỗ trợ cho các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại Tiền Giang đến thời điểm này như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phạm Minh Trí: Sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết 42 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành LĐ-TB&XH và các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; đồng thời, tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh với tinh thần: Rà soát đến đâu lập danh sách đến đó và trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ ngay, không chờ đến khi rà soát xong toàn bộ các đối tượng mới trình.

Với tinh thần đó, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 15 ngày 24-4-2020 quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vào cuối tháng 4-2020, đặc biệt là trong dịp Lễ 30-4, 1-5, tỉnh đã triển khai công tác chi hỗ trợ đợt 1 cho trên 133 ngàn đối tượng, với kinh phí trên 140 tỷ đồng. Tiếp theo, vào đầu tháng 5-2020, tỉnh triển khai chi hỗ trợ đợt 2 cho trên 6.500 đối tượng chính sách, với kinh phí trên 9,76 tỷ đồng.

Hiện tỉnh đang thẩm định danh sách chi hỗ trợ đợt 2 cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo, với kinh phí trên 61 tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 25-5-2020, tỉnh sẽ hoàn thành cơ bản việc chi hỗ trợ giai đoạn 1 cho các đối tượng thuộc nhóm người có công, thân nhân người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và người bán vé số lẻ.

Riêng các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tự do bị mất việc làm; hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho lao động bị ngừng việc là những đối tượng sẽ nhận hỗ trợ trong giai đoạn 2.

Hiện tại, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ của các doanh nghiệp, các địa phương gửi đến để thẩm định. Kết quả đến nay đã có 3 doanh nghiệp ở các huyện Gò Công Đông, Chợ Gạo và Cai Lậy gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 366 người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; có 6 xã, phường của TX. Cai Lậy và huyện Cái Bè gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ 191 lao động tự do bị mất việc làm. Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với các địa phương thẩm định các hồ sơ.

* PV: Theo đồng chí, việc tiếp theo của công tác chi hỗ trợ xã hội của tỉnh là gì?      

* Đồng chí Phạm Minh Trí: Tỉnh tiếp tục triển khai công tác chi hỗ trợ đợt 2 cho các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Kết hợp công tác chi hỗ trợ với công tác rà soát, đối chiếu các đối tượng thuộc diện hỗ trợ còn sót, trùng lắp để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh danh sách chi hỗ trợ. Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra tình hình chi hỗ trợ giai đoạn 1; giám sát, kiểm tra công tác thẩm định, lập danh sách và chi hỗ trợ cho các đối tượng của giai đoạn 2.

Triển khai thực hiện giai đoạn 2, tiếp nhận, thẩm định, lập danh sách và ra quyết định chi hỗ trợ các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tự do bị mất việc làm; hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho lao động bị ngừng việc. Công tác này sẽ tiến hành liên tục và dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30-6-2020.
 

* PV: Đồng chí có thể cho biết về những thuận lợi và khó khăn của tỉnh trong quá trình triển khai chi hỗ trợ xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong thời gian qua?

* Đồng chí Phạm Minh Trí: Có thể nói, thuận lợi đầu tiên chính là sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với đó là cán bộ, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của công tác chi hỗ trợ xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên đã vào cuộc rất quyết tâm với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao; từ đó kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 ổn định cuộc sống.

Trong quá trình triển khai thực hiện chi hỗ trợ có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời của các cơ quan chuyên môn các cấp và sự đồng thuận ủng hộ của cán bộ, nhân dân đã góp phần quan trọng để công tác chi hỗ trợ đạt kết quả tốt.

Cái khó khăn lớn nhất của công tác chi hỗ trợ lần này nằm ở chỗ đối tượng thụ hưởng rất lớn, với trên 300 ngàn người thuộc nhiều đối tượng xã hội khác nhau. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quản lý từng đối tượng khác nhau và không đồng bộ nên việc rà soát, lập danh sách gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

Lực lượng cán bộ làm công tác chi hỗ trợ rất mỏng nhưng trong thời gian ngắn phải chi cho nhiều đối tượng với nguồn kinh phí lớn nên đôi lúc bị đọng. Cái khó nữa là có nhiều đối tượng đi làm ăn xa, người già yếu, neo đơn, người khuyết tật nên cán bộ phải đến tận nhà trao tiền cho người dân.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.